Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
Nguồn vốn chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Năm 2023, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo còn 3,5% và đến tháng 11/2024, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống dưới 3,5%. Cùng với đó, nguồn vốn chính sách góp lực thực hiện các cơ chế chính sách tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống đối với lao động nông thôn.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Phạm Việt Hải, trước hết do cấp ủy, chính quyền, địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt trong 10 năm qua, triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dòng chảy tín dụng chính sách trên vùng cao Mộc Châu luôn được khơi thông, chảy đều đặn, góp phần thiết thực, hiệu quả giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Riêng 11 tháng năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Mộc Châu đạt hơn 126 tỷ đồng với 2.436 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mộc Châu đến tháng 11 này đạt 379 tỷ đồng, tăng so với cuối năm ngoái hơn 50 tỷ đồng. Việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, ngày càng nâng cao, đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ.
Vốn chính sách đã phủ kín cao nguyên Mộc Châu rộng lớn, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng giúp cho 677 hộ thoát ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 8.499 lao động, tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa 8.218 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển và chăn nuôi được 9.732 con trâu, bò, trồng mới được 1.418ha cây ăn quả,…
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao tại xã Tân Lập đã sử dụng hiệu quả vốn vay của NHCSXH huyện Mộc Châu để phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhờ đó đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của xã phát triển theo hướng tập trung và bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 5%.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Cang cho biết: Hiện đã có 164 hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với tổng dư nợ trên 29 tỷ đồng. Các hộ dân đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích như đầu tư thâm canh lúa nước, ngô lai, chè sạch theo công nghệ VietGap và phát triển nuôi trâu bò sinh sản, vỗ béo nhốt chuồng.
Gia đình chị Hoàng Thị Lá, ở bản Phách là một hình mẫu giảm nghèo bền vững ở xã Chiềng Khứa. Là cán bộ Chi hội phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị quyết tâm sử dụng vốn vay của NHCSXH đầu tư trồng chanh leo, mận hậu trên 5.000m² đồi dốc. Sau một thời gian chăm sóc bài bản, áp dụng đúng KHKT trong trồng trọt, chanh leo, mận hậu đều được mùa quả sai trĩu cành, bán được giá, giúp gia đình chị thu hoạch cao gấp 5,7 lần so với trồng lúa nương, sắn khoai. “Nhờ chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi đã có của ăn của để. Đến Tết năm nay nhà tôi trả xong nợ vay ngân hàng và thoát nghèo”, chị Lá tâm sự.
Trên những điểm tựa thành công của hoạt động tín dụng chính sách trong 22 năm qua cũng như 11 tháng năm 2024, NHCSXH huyện Mộc Châu đạt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu ngân hàng cấp trên giao năm 2024, riêng nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương cũng tăng đều đặn. Thời gian tới, hoạt động tín dụng chính sách sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của huyện, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cho miền cao nguyên thêm no đủ, tươi sáng.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Chúc mừng Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Truyền thống
- » Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hòa Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Đồng Nai
- » Nâng cao chất lượng nguồn vốn chính sách
- » Thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Phú Thọ xây dựng kinh tế bền vững
- » Hiệu quả tín dụng chính sách tại Long An
- » Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Thái Nguyên (Bài cuối: Trụ cột giảm nghèo bền vững)
- » Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Thái Nguyên (Bài 1: Khi có Đảng dẫn đường)
- » Công đoàn ngành Tài chính - Ngân hàng Belarus làm việc với Công đoàn NHCSXH