Chỉ thị số 40-CT/TW góp phần đổi thay cuộc sống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn mở rộng cho vay. Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương, khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó đã tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.980 tỷ đồng (tăng 4.979 tỷ đồng so với năm 2014) với hơn 168 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ hộ DTTS chiếm 42,5% tổng dư nợ trên địa bàn.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ nguồn vốn chính sách mà có nhiều hộ đồng bào DTTS từng bước ổn định đời sống.
Ông Y Jim Bdap ở buôn Cư K’nao, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin là một trong những hộ cận nghèo, gia đình có đông thành viên, cuộc sống rất bấp bênh. Năm 2022, nhờ cán bộ NHCSXH tận tình hướng dẫn để hoàn tất thủ tục, gia đình ông Y Jim nhận về khoản vay 70 triệu đồng, mua 4 con bò cỏ sinh sản để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ, siêng năng chăm sóc, vệ sinh chuồng trại mà đàn bò của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Y Jim cho biết, từ 4 con bò mẹ sau 3 năm nhân lên 15 con, năm vừa rồi cần tiền để đầu tư phân bón cho rẫy cà phê nên gia đình đã bán bớt. Nhờ nguồn vốn vay này, gia đình có thêm nguồn thu nên cũng có thêm động lực để vươn lên làm ăn, có cái ăn, cái mặc và trang trải cho con đi học.
Còn anh Y Hlut Ayun ở buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar do cuộc sống rất khó khăn, không có đất sản xuất vì thế anh đã bàn với gia đình để đi lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên số tiền để thanh toán chi phí quá lớn, gia đình không biết vay mượn ở đâu để có thể chi trả được. Rất may, thông qua NHCSXH có chương trình cho vay đi lao động nước ngoài, năm 2022 anh Y Hlut đã được vay 99 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng, hiện nay ông đã gửi tiền về trả được hơn 100 triệu đồng và giúp đỡ gia đình giảm được khó khăn. Đến nay, gia đình anh có thu nhập ổn định và có điều kiện sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Từ kết quả hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh cho thấy, nguồn vốn chính sách đã tạo động lực thúc đẩy tinh thần vượt lên chính mình của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn. Tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, với trên 490 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Các chương trình tín dụng chính sách được chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Góp phần hoàn thành nông thôn mới cho 79 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% năm 2016 xuống còn 6,34% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025).
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã giúp gần 111 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo…
Các chương trình tín dụng chính sách đã có tác động rất lớn và tích cực đến việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở vùng nông thôn. Các chương trình là đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Bài và ảnh Hạ Âu - Trùng Dương
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội đưa Việt Nam thành hình mẫu về giảm nghèo
- » Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Tổng kết Chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- » Kỳ 4 - Niềm tin và khát vọng vươn lên
- » Kỳ 3 - Hành trình lan tỏa yêu thương
- » Kỳ 2 - Vun đắp niềm tin, nhân lên hạnh phúc
- » Dấu ấn của chính sách vì dân (Kỳ 1 - Đòn bẩy thoát nghèo bền vững)
- » “Trợ lực” giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững
- » Kỳ 3 - Khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống
- » Kỳ 2 - Đồng hành hỗ trợ người dân phát triển