Tín dụng chính sách xã hội đưa Việt Nam thành hình mẫu về giảm nghèo

09/11/2024
(VBSP News) Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tín dụng chính sách xã hội, chiều 9/11, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với NHCSXH tổ chức buổi tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội”, nhằm thảo luận về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy hiệu quả của tín dụng chính sách, giúp người dân nghèo thoát nghèo bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Clip: Tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội”

Tham dự buổi toạ đàm có Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình; Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An.

lethanhkim-4

Quang cảnh buổi toạ đàm

Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống với nhiều thành quả nổi bật

2024 là năm thứ 10 tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. “Trong 10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả với nhiều thành quả nổi bật”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cho biết.

huynhvanthuan-4

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận chia sẻ tại tọa đàm

Thành quả đầu tiên là đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, năm sau cao hơn năm trước. Đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 375,8 nghìn tỷ đồng, tăng 241,1 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm.

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Số tiền ủy thác đến nay đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8%/tổng nguồn vốn, tăng 45,1 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. “Đây là nguồn lực lớn, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.

Với nguồn lực này, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thành quả là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng cao.

Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 358,9 nghìn tỷ đồng, tăng 229,4 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với cuối năm 2014 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay là 0,55%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ. 

Nguồn vốn chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Cũng trong 10 năm qua, NHCSXH đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều chính sách đã được điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay.

“Điểm sáng”, “trụ cột” của chính sách giảm nghèo

thachphuocbinh-3

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết: Chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh nông thôn mới

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, với những thành quả đã đạt được, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ giảm nghèo của cả nước từ 14,2% năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết: Tỉnh đã bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt trên 633 tỷ đồng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời chuyển tải chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng. Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.677 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình trên 18%/năm. Có trên 129 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được vay vốn, với tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,18%/tổng dư nợ.

“Những con số này minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, giai đoạn 2014 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh giảm từ 10,66% xuống còn 1,8%; và từ 2021 đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 1,19%. Đặc biệt, chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh Nông thôn mới”, ông Thạch Phước Bình khẳng định.

doanthilean-2

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cho biết nguồn vốn chính sách đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. trên địa. bàn tỉnh

Tại buổi toạ đàm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cho biết: Hiện tại, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang cung cấp 19 chương trình cho vay với tổng dư nợ đến cuối tháng 10.2024 đạt 4.606 tỷ đồng với 61.266 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn chính sách đã giúp 473,9 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; góp phần giúp 102,4 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 52,3 nghìn lao động; hỗ trợ 22,4 nghìn HSSV được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng… Từ đó góp phần quan trọng thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn

lamvandoan-1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá Việt Nam đã trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới về việc giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế để bảo đảm chính sách xã hội

Bên cạnh những thành quả nổi bật, hiện còn không ít thách thức và bối cảnh mới cũng đặt ra những yêu cầu mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.

“Thú thực, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cho biết. Nhiều chương trình có nhu cầu vốn rất lớn, như cho vay nhà ở xã hội, giải quyết việc làm… Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm tính bền vững. Nguồn vốn yếu sử dụng cho vay trung, dài hạn, với dư nợ trung, dài hạn chiếm 99,4%; trong khi nguồn vốn dài hạn trên 5 năm chỉ chiếm 41,8%. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 12%.

Đặc biệt, nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội… Bên cạnh đó, nguồn vốn ủy thác tại một số tỉnh còn hạn chế; chính sách tín dụng chưa triệt để, chưa bao trùm hết các đối tượng có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi. Ví dụ, chưa có chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, hiện nay chúng ta thiếu các quy định pháp lý về việc bố trí vốn cho NHCSXH. Ví dụ Luật Đầu tư công hiện hành không có quy định về bố trí vốn đầu tư công thực hiện qua NHCSXH mà chỉ bố trí vốn qua cho việc chi phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất; do vậy rất hạn chế. Đối với một số chính sách cho vay còn thiếu vốn hoặc chưa bố trí được vốn, đây không phải lỗi của NHCSXH mà là lỗi của những người làm chính sách. “Chúng ta không bố trí được vốn khi ban hành chính sách. Tôi nghĩ trong các văn bản mới của Đảng, chính sách của Quốc hội phải quy định vấn đề này, quy rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan, người đứng đầu; Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải giám sát quá trình thực hiện”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan Đoan đề xuất.

Thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn

nguyenquangdong-6

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng thực tế đang đặt ra những yêu cầu về tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở trên 3 bình diện: Ở khía cạnh quốc gia, Việt Nam đã trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới về việc giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế để bảo đảm chính sách xã hội. Trong những thành quả đó có đóng góp, vai trò rất to lớn của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp cho những người nghèo, người cận nghèo vươn lên thoát nghèo, những người dân có khó khăn được bảo đảm về an sinh xã hội.

Ở bình diện địa phương, nguồn vốn chính sách đã đóng góp rất quan trọng cho việc giảm nghèo tại địa phương và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Ở góc độ người dân, vốn tín dụng chính sách xã hội đã là nguồn hỗ trợ trực tiếp để nhiều người có thể vươn lên ổn định cuộc sống và vượt qua khó khăn. Từng người dân ổn định và giàu có, từng địa phương có nền kinh tế tăng trưởng mạnh thì tổng thể quốc gia thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta đặt ra.

Tuy nhiên, ông Lâm Văn Đoan cho rằng, trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng xã hội cần khắc phục được các nhược điểm, như thiếu vốn hoặc cơ cấu vốn không ổn định, bền vững, thực hiện được tổng nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đặt ra.

phanduchieu-2

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu góp ý cần có yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho NHCSXH

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. NHCSXH đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á. Nhưng sau những thành công trong giai đoạn vừa qua, bước sang bối cảnh mới, nhu cầu tài chính cho những lao động ở mức thu nhập vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo rất lớn, nhu cầu về nguồn vốn và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào khu vực đô thị rất nhiều. Với biến động về mặt đô thị hóa, nghèo không phải chỉ ở nông thôn nữa mà thách thức lớn sắp tới vẫn là đô thị hóa và chuyển về thách thức cho người nghèo ở đô thị sẽ rất là lớn. Đây sẽ là lĩnh vực mới mà NHCSXH cần quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó, làm thế nào để ứng dụng công nghệ phục vụ tốt cho thực hiện chức năng trong giai đoạn mới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chia sẻ: Trong thời gian tới, để thực hiện các chính sách xã hội, rất cần thiết phải phát huy vai trò của NHCSXH. Cách thức hoạt động của NHCSXH rất gần gũi và bám sát với người dân, đặc biệt mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, mô hình này trải dài đến hầu hết các địa phương với hơn 169 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn thì có lẽ không ngân hàng nào có thể làm được và có thể triển khai hiệu quả hơn NHCSXH. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực tế của các chính sách, cần có yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho NHCSXH. Trước mắt phải đảm bảo cân đối nguồn vốn của NHCSXH.

Bài và ảnh Hà Lan - Duy Thông

Các tin bài khác