Kỳ 4 - Niềm tin và khát vọng vươn lên

05/11/2024
(VBSP News) Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã trở thành “cứu cánh” giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, tạo dựng cuộc sống ổn định, phát triển bền vững và khẳng định niềm tin về một chính sách đúng đắn, ưu việt.
dteh1_20241030014516_20241031132451

Ông Lê Hồng Khanh ở thôn 9, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh kiểm tra vườn bưởi Hợp tác xã Bưởi da xanh

Công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển
Dù ở xa các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, nhưng chất lượng hoạt động tín dụng cấp xã tại An Nhơn, huyện Đạ Tẻh lại đạt thành tích tốt. Nguồn vốn chính sách được người dân sử dụng đúng mục đích nên đã giải quyết được việc làm, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các hộ vay vốn thực hiện cam kết trả lãi và gốc đúng kỳ hạn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý nợ đến hạn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Chất lượng hoạt động tín dụng ở xã luôn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm qua không để xảy ra phát sinh nợ chiếm dụng.
Theo Chủ tịch UBND xã Lưu Văn Phượng, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã có kinh nghiệm trong việc phân công các thành viên quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại các địa bàn thôn và luôn sâu sát với Nhân dân để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp bà con thay đổi nhận thức, từ đó tăng gia sản xuất bằng nguồn vốn ưu đãi đạt hiệu quả cao.
Còn tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi. Gia đình ông Lê Hồng Khanh ở thôn 9, xã Đạ Kho là một trong những người tiên phong trồng bưởi tại địa phương. Theo chia sẻ của ông Khanh, với quyết tâm thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, ông và nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ một số loại cây trồng ngắn ngày sang trồng dâu nuôi tằm hay một số loại cây ăn trái như bưởi, nhất là bưởi trái vụ, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Hồng Khanh cũng đã thành lập và làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Bưởi da xanh với mong muốn tăng cường liên kết sản xuất với các hộ dân khác để thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa. Từ đó, Tổ hợp tác vay vốn của những thành viên Hợp tác xã cũng được hình thành để tận dụng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách vào sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
Có thể thấy, nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, cùng với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2015 - 2020, từ 3,37% xuống còn 1,63%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%. Nguồn vốn chính sách cũng góp phần xây dựng thành công để Đạ Tẻh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 và 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thực sự là “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Minh chứng rõ nét cho điều này là những kết quả mà xã Phước Lộc - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đạ Huoai với đông đồng bào DTTS sinh sống.

ktra_20241030015552_20241031132720

Kiểm tra hoạt động của hộ vay vốn phát triển nghề đan lát ở huyện Đạ Huoai

Cuối năm 2013, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 22,76% và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,55% trong tổng số 659 hộ toàn xã vào thời điểm này. Trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 20%, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 4,4% trong tổng số 527 hộ. Qua 10 năm, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phước Lộc còn 0,95%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,14%.
Đồng hành cùng bà con thoát nghèo trong 10 năm qua, NHCSXH huyện Đạ Huoai đã 13 chương trình tín dụng chính sách cho 4.851 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ đạt gần 387 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện là 388,694 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm; trong đó, nguồn vốn Trung ương chiếm 74,7%, nguồn vốn huy động tại địa phương là 15,1% và nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương là 10,2%. Doanh số cho vay đạt 95,050 tỷ đồng/1.716 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ năm là 64,376 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động giao dịch xã xếp loại tốt, với 143/146 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, 6/9 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.
Nâng cao nghiệp vụ, phát huy trách nhiệm

lam dong

Với những kết quả đáng ghi nhận suốt 22 năm qua, tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Để đạt được kết quả đó, cán bộ, người lao động hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn đã không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, từng bước xây dựng mô hình, mạng lưới hoạt tín dụng chính sách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Lãnh đạo UBND cấp xã cũng đã nâng cao trách nhiệm trong điều tra, xác nhận đối tượng được vay vốn; thường xuyên chỉ đạo công tác bình xét cho vay kết hợp với củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên chỉ đạo, giám sát việc bình xét các đối tượng vay vốn, xử lý nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời, có những sáng kiến hiệu quả nâng cao hoạt động tín dụng chính sách được ghi nhận.
Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội, nên mức độ đầu tư vốn của Nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho vay của NHCSXH còn thấp.
Do đó, nhiệm vụ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh với hoạt động tín dụng chính sách càng phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là minh bạch trong việc bình xét các hộ nghèo.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Ngọc Thu chia sẻ: Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ NHCSXH thường xuyên học hỏi, trau dồi, nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. Với phương châm mỗi cán bộ NHCSXH, mỗi cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là một tuyên truyền viên, chi nhánh cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới.

Bài và ảnh Lê Hoa - Ánh Nguyệt - Văn Báu

Các tin bài khác