Kỳ 3 - Khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống
Toàn bộ nguồn vốn chính sách huy động, tạo lập được, cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được cán bộ tín dụng chính sách bền bỉ chuyển tải kịp thời về khắp địa bàn và Phong Nẫm là một trong những địa phương thực hiện rất tốt chủ trương này. Phong Nẫm là một xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu về phía Đông Bắc của huyện Kế Sách, với việc trồng cây ăn trái là nguồn thu nhập chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn xã.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nhớ cho biết: Trong những năm qua, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hiện xã Phong Nẫm đã có những thay đổi vượt bậc, số hộ nghèo giảm từ 37,37% (năm 2014) xuống còn 3,18% (năm 2023), số hộ cận nghèo giảm từ 18,61% xuống còn 13,25%. Chất lượng hoạt động tín dụng trong 10 năm qua đều xếp loại tốt, là xã duy nhất trên địa bàn huyện không có nợ quá hạn. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách luôn có sự tăng trưởng cao, đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã có những tác động khá toàn diện, giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo; góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đẩy lùi tín dụng đen tại các địa phương. Hiệu quả của chương trình giảm nghèo không chỉ thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm mà mức sống bình quân của hộ nghèo cũng đã được nâng nên so với trước kia.
Theo lãnh đạo UBND huyện Kế Sách, qua kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn đã quan tâm hỗ trợ hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đồng thời, chỉ đạo các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động các nguồn lực tài chính và tổ chức chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặc dù ngân sách địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng Kế Sách vẫn quan tâm ưu tiên chuyển vốn ngân sách địa phương cho NHCSXH huyện, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
NHCSXH huyện có tỷ lệ nợ quá hạn đạt 0,42%; số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động xếp loại Tốt, Khá chiếm tỷ lệ 94,38%, tổ xếp loại Trung bình 5,62%, không phát sinh tổ Yếu; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98,86%; tỷ lệ thu lãi hằng tháng đạt 100,54%; chất lượng hoạt động tín dụng tại 13/13 xã, thị trấn đạt trên 96,15 điểm, xếp loại tốt và được duy trì ổn định.
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, với vai trò là Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kế Sách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lê Hoàng Phong cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Tiếp tục duy trì chất lượng tín dụng tại huyện Kế Sách ổn định, bền vững và đặc biệt nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH huyện, lãnh đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trên địa bàn thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Tham mưu HĐND, UBND huyện Kế Sách tiếp tục quan tâm cân đối vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay với quy mô ngày càng tăng, phục vụ tốt mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW thực sự đã đi vào cuộc sống, tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt qua nghèo khó, thay đổi cuộc sống để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội riêng có dành cho người nghèo của Đảng, Nhà nước ta. Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo đến các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các ấp nâng cao công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tín dụng chính sách. Cũng như lồng ghép các chương trình nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó góp phần sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Kế Sách ngày càng tốt hơn.
Bài và ảnh Quang Bình
Các tin bài khác
- » Kỳ 2 - Đồng hành hỗ trợ người dân phát triển
- » “Điểm tựa” của người nghèo trên địa bàn huyện Kế Sách (Kỳ 1 - “Đòn bẩy” tín dụng chính sách)
- » Pleiku giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành cùng nông dân Tuyên Quang thoát nghèo
- » Cơ hội cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Bài cuối - Đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên
- » Bài 2 - “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách
- » Sức sống của Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đắk Lắk (Bài 1 - Nền tảng xây dựng công dân ưu tú)
- » Tín dụng chính sách xã hội: “Đòn bẩy” thoát nghèo ở vùng cao
- » Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Nghệ An