Đồng hành cùng nông dân Tuyên Quang thoát nghèo

31/10/2024
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn chính sách của NHCSXH, hàng nghìn hộ nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư các mô hình nuôi trâu, trồng cam, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ vận tải hiệu quả. Nhiều nông dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
image001

Cán bộ NHCSXH huyện Yên Sơn thăm mô hình nông dân vay vốn chính sách đầu tư trồng cây ăn quả hiệu quả

Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả từ vốn ưu đãi 

Chị Đặng Thị Nga ở thôn Cây Thị, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn là điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách. Chị Nga cho biết: Đầu năm 2020, gia đình chị được NHCSXH huyện Yên Sơn cho vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản và chăm sóc 2ha rừng keo của gia đình. Cuối năm 2023, rừng keo của gia đình chị được khai thác.

Từ bán gỗ rừng trồng và bán 2 con nghé, gia đình chị thu về 160 triệu đồng. Nhờ đó gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, đến tháng 3/2024, chị Nga mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo, để trồng 2ha rừng và làm dịch vụ vận tải. Hiện tại, gia đình chị Nga đang chăn nuôi 3 con trâu và trồng, chăm sóc 10ha rừng keo, đồng thời duy trì 1 xe ôtô để kinh doanh dịch vụ vận tải. Đến nay, gia đình chị Nga đã xây được nhà ở khang trang, từng bước vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.

Còn chị Mùa Thị Dê, người Mông, ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn có gần 3ha cam V2 được trồng trên đồi khá hiệu quả. Năm 2023, chị Dê thu vụ cam đầu tiên đã được gần 100 triệu đồng. Chị Dê cho biết: “Nhờ 100 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Yên Sơn mua cây giống đầu tư ban đầu nên gia đình chị mới có đồi cam V2 này. Người dân chúng tôi mong muốn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế hiệu quả”.

Tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo

Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang Vũ Thế Anh cho biết: Tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 4.354 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 1.275 tỷ đồng; hộ cận nghèo 685 tỷ đồng.

Với phương thức đặc thù, riêng có trong quản lý và ủy thác nguồn vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi bà con có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được đẩy mạnh, trong đó có đóng góp quan trọng của nguồn vốn chính sách. Từ 2015 đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng số tiền 8.525 tỷ đồng; nguồn vốn đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đồng hành với cấp uỷ, chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách tín dụng; thực hiện quy định hỗ trợ người dân là khách hàng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi). Chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Mai Hương - Trang Tâm

Các tin bài khác