Pleiku giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách
Tăng trưởng nguồn vốn ủy thác
Tính đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách TP Pleiku đã đạt hơn 18 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với năm 2023. Đồng thời, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh được phân bổ qua các năm lên tới 33 tỷ đồng, đã phát huy được hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ người dân.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai Nguyễn Triều Quang cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chú trọng đến việc chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách, dành nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đúng đối tượng. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác trên địa bàn tỉnh đạt 484 tỷ đồng, trong đó TP Pleiku là 18,4 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, chiếm tỷ trọng 6,5% tổng nguồn vốn đang thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp phân bổ chỉ tiêu kịp thời đến các địa phương, ưu tiên vốn cho các địa bàn còn nhiều đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn cao; điều hành linh hoạt vốn giữa các đơn vị, qua đó đáp ứng hiệu quả nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 96 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2023, với 2.600 khách hàng vay vốn. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng như: Cho vay giải quyết việc làm, NS&VSMTNT, nhà ở xã hội; cho vay HSSV cảnh khó khăn; cho vay người chấp hành xong án phạt tù…
Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý, đang phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào việc phân bổ nguồn vốn đến tay người dân. Các tổ chức chính trị - xã hội này không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận vốn, mà còn hỗ trợ họ lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Hỗ trợ người nghèo thoát nghèo
Bà H’Nõm, ở làng Ktu, xã Chư Á, TP Pleiku chia sẻ: Gia đình bà đã gắn bó với nguồn vốn vay ưu đãi hơn 8 năm. Trước đây, gia đình bà H’Nõm thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi lợn. Cuộc sống luôn gặp khó khăn, không đủ chi phí trang trải. Năm 2019, bà H’Nõm mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để mua 1 cặp bò làm giống và xây dựng chuồng trại. Nhờ học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, mỗi năm bò sinh sản được 1 lứa, bê con phát triển tốt. Năm 2020, gia đình tôi bán 1 lứa bò và trả hết nợ cũ. Sau đó, bà tiếp tục vay vốn NHCSXH thêm 50 triệu đồng, cùng với vốn của gia đình, để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định, mỗi năm trên 60 triệu đồng.
Nhiều hộ dân khác ở TP Pleiku cũng đã tận dụng tốt nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Chị Kpă Saih, ở làng Mơ Nú, xã Ia Kênh cho biết: Gia đình chị được hỗ trợ bồn chứa nước sạch, 4 con lợn giống và máy phát cỏ. Ngoài phục vụ sản xuất của gia đình, chồng chị còn đi phát cỏ thuê để có thêm thu nhập. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nên gia đình chị đã thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku Nguyễn Hữu Sung cho biết: Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Pleiku đã theo dõi sát sao và ghi nhận việc giải ngân nguồn vốn chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo và thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, cũng như Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc tăng cường nguồn vốn ủy thác và nâng cao chất lượng, nên nguồn vốn này đã góp phần hiệu quả trong việc tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế. Điều này không chỉ là chìa khóa quan trọng giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo ra những bước tiến vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù nguồn vốn ủy thác đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những thách thức cần vượt qua. Nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ các chính sách và quy định về vay vốn; điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, chưa cân đối, bố trí đủ nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH theo kế hoạch được giao năm 2024 để cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Nguyễn Triều Quang cho biết thêm: Để từng bước tháo gỡ khó khăn, thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Pleiku, bám sát định hướng Chiến lược phát triển NHCSXH trên địa bàn thành phố đến năm 2030, xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu chiến lược nguồn vốn ngân sách ngân địa phương đạt 15% tổng nguồn vốn đến năm 2030. Qua đó, cùng với nguồn vốn Trung ương, tạo điều kiện để chi nhánh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng phù hợp, tập trung giải quyết nhu cầu vốn cho hộ nghèo, tạo việc làm cho người lao động, người chấp hành xong án phạt tù và nhu cầu vay vốn học tập của HSSV có hoàn cảnh khó khăn…
Chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tận dụng tốt nhất các nguồn vốn vay để tạo ra các mô hình phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của 233 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại TP Pleiku, hỗ trợ giúp người dân học quản lý tài chính tốt hơn.
Phó Chủ tịch MTTQ TP Pleiku Từ Văn An cho biết: Các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội đều rất quan trọng, góp phần cùng với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo nói chung, trong đó chú trọng hộ nghèo đồng bào DTTS. Sự kết hợp giữa các nguồn lực xã hội và nguồn vốn chính sách không chỉ giúp tăng cường nguồn vốn, mà còn tạo ra các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người dân, giúp họ tự tin trong việc khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
Nguồn vốn chính sách ngày càng tăng không chỉ là một tín hiệu tích cực trong công tác giảm nghèo tại TP Pleiku, mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của chính quyền và các tổ chức trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh Hoài Nam
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng nông dân Tuyên Quang thoát nghèo
- » Cơ hội cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Bài cuối - Đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên
- » Bài 2 - “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách
- » Sức sống của Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đắk Lắk (Bài 1 - Nền tảng xây dựng công dân ưu tú)
- » Tín dụng chính sách xã hội: “Đòn bẩy” thoát nghèo ở vùng cao
- » Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Nghệ An
- » NHCSXH và hành trình chuyển đổi số
- » Kỳ 3 - Thêm sức mạnh cho khát vọng phát triển Tây Nguyên
- » Kỳ 2 - Chung sức vì người nghèo