Kỳ 2 - Đồng hành hỗ trợ người dân phát triển
Kế Sách là huyện có 13 xã, thị trấn. Huyện có 6 xã nông thôn mới, gồm: Ba Trinh, An Lạc Tây, Kế An, Đại Hải, Nhơn Mỹ và Trinh Phú; 5 xã thuộc vùng khó khăn, gồm: Kế Thành, Thới An Hội, An Mỹ, Xuân Hòa và thị trấn Kế Sách; toàn huyện có 86 ấp…
Với tinh thần làm việc khẩn trương, NHCSXH huyện cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền các địa phương đã hướng dẫn người dân hoàn tất các thủ tục để giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay. Nhận được nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Kế Sách, anh Nguyễn Văn Tân, ở ấp Kinh Giữa 2, xã Kế Thành phấn khởi cho biết: “Để thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi thì trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về vốn. Vừa qua, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương, gia đình tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay từ NHCSXH. Có vốn trong tay, tôi quyết tâm thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, xen cau nhằm mang hiệu quả kinh tế”.
Phó Chủ tịch UBND xã Kế Thành Thạch Ngọc Đặng cho biết: Để thực hiện kịp thời cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách, lãnh đạo xã đã chủ động báo cáo, tham mưu UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và phối hợp với các phòng, ban có liên quan của huyện rà soát đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh truyên truyền kịp thời đến nhân dân trên địa bàn nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay, chí thú làm ăn, từng bước vượt khó, thoát nghèo bền vững. Kết quả từ đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân được trên 7,5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương hơn 47,4 tỷ đồng.
Hiện nay, NHCSXH huyện Kế Sách đang triển khai thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình cho vay vùng DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Chí Cường cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngay sau khi có hướng dẫn của NHCSXH Trung ương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chi nhánh NHCSXH tỉnh, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng Phòng Dân tộc huyện tham mưu cho UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo các ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời tổ chức, triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn; công tác bình xét được công khai, minh bạch, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả năm 2023, NHCSXH huyện đã giải ngân chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/NĐ-CP được 10,5 tỷ đồng với 259 hộ vay vốn. Từ đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân theo Nghị định số 28 được 501 triệu đồng, với 10 hộ vay vốn. Qua đó, đã đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho các hộ chí thú làm ăn để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH huyện tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, địa phương chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát các đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất…
Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Chí Cường cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 586 tỷ đồng, với hơn 17.770 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, đã giải ngân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên 63 tỷ đồng, với 1.275 hộ vay vốn. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 6,03%, hộ cận nghèo còn 11,15%. Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ người dân sử dụng vốn đạt hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Từ những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; “là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực”, là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; được nhân dân đồng tình ủng hộ và được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong huyện đánh giá cao.
Bài và ảnh Quang Bình
Các tin bài khác
- » “Điểm tựa” của người nghèo trên địa bàn huyện Kế Sách (Kỳ 1 - “Đòn bẩy” tín dụng chính sách)
- » Pleiku giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành cùng nông dân Tuyên Quang thoát nghèo
- » Cơ hội cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Bài cuối - Đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên
- » Bài 2 - “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách
- » Sức sống của Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đắk Lắk (Bài 1 - Nền tảng xây dựng công dân ưu tú)
- » Tín dụng chính sách xã hội: “Đòn bẩy” thoát nghèo ở vùng cao
- » Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Nghệ An
- » NHCSXH và hành trình chuyển đổi số