Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
Công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước được phát huy tích cực
Tính chất tạo nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các chính sách tín dụng với các khoản vay lãi suất thấp, hình thức tín chấp. Trong thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sinh kế, tạo dựng cuộc sống đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Trong đó, phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, hệ thống NHCSXH là nòng cốt, các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối.
Theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) và Chỉ thị số 39/CT-TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới (Chỉ thị số 39/CT-TW) đã được vận dụng sáng tạo với cách làm phù hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân đem lại kết quả khả quan ở huyện Kỳ Sơn.
Huyện uỷ Kỳ Sơn đã ban hành nhiều văn bản, tích cực chỉ đạo công tác tín dụng chính sách, giao rõ người rõ việc, vai trò trách nhiệm của cấp uỷ và sự vào cuộc của các cấp các ngành để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các địa phương, phối hợp Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Chỉ thị số 39/CT-TW và các nghị định, quy định, hướng dẫn thực hiện tín dụng chính sách đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động trên địa bàn. Từ đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã thường xuyên quan tâm đôn đốc, chỉ đạo công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn thông qua hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, cấp uỷ và chính quyền cơ sở. Hằng năm, cân đối nguồn lực tài chính từ ngân sách huyện để hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến nay, nguồn ngân sách huyện trích chuyển sang NHCSXH huyện là 3,4 tỷ đồng. Đối với huyện nghèo miền núi, điều đó là một nỗ lực lớn thể hiện sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Ngoài việc được cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, người dân trên địa bàn huyện còn được tư vấn, tham gia dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Các chương trình tín dụng chính sách nhằm phát triển sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cải thiện điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai sâu rộng tại Kỳ Sơn.
Trao cơ hội, đổi cuộc đời
Ở huyện Kỳ Sơn, có không ít câu chuyện thành công, đổi đời nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua NHCSXH. Theo chân cán bộ xã Bảo Thắng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Cụt Văn Phanh là người dân tộc Khơ Mú, sinh năm 1984, tại bản Ca Da. Trước đây, cũng như bao thanh niên trong bản làng, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh đi làm công nhân ở khu công nghiệp các tỉnh phía Nam. Năm 2021, anh trở về quê hương sau thời gian dài nghỉ việc, kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid-19. Anh cùng vợ và 3 đứa con sống leo lắt, tạm bợ trong căn lều tranh tre chòng chành bên sườn núi.
Được sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương, anh Phanh đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng chương trình dành cho hộ nghèo để mua 1 con bò và 1 con trâu cái. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, áp dụng KHKT trong chăn nuôi và siêng năng chăm chỉ và đa dạng kế sinh nhai. Đến nay, gia đình anh Phanh đã có 6 con bò, 7 con trâu, 10 con dê và 6 con lợn. Ngoài ra vợ chồng anh còn trồng lúa, hoa màu, chuối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi. Năm 2023, người dân bản Ca Da vui mừng cho gia đình anh Phanh đã hoàn thành ngôi nhà sàn 3 gian vững chắc, rộng rãi, thoáng mát, chấm dứt cảnh sống trong ngôi nhà rách nát tạm bợ. Năm 2024, gia đình anh Phanh đã trả hết nợ ngân hàng và chính thức thoát hộ nghèo.
Nhớ những ngày gây dựng lại cuộc sống, anh Phanh chia sẻ: “Sau khi đại dịch Covid-19 trở về, tôi vô vọng với 2 bàn tay trắng và gánh nặng gia đình nuôi 3 đứa con ăn học, chăm sóc bố mẹ già yếu. Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH lúc đó như chiếc phao cứu sinh với gia đình tôi. Những mất mát đã làm cho tôi biết trân trọng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Cuộc sống gia đình tôi từ đó mà được đổi thay, ấm no, hạnh phúc hơn, con cái được học hành đầy đủ. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có những chính sách đúng đắn, trao cơ hội cho hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.
Còn ở xã Mường Lống, câu chuyện khởi nghiệp thành công với mô hình “chăn nuôi gà đen kết hợp kinh doanh, phát triển du lịch” của hộ gia đình chị Vừ Y No đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, nhất là thanh niên thế hệ 9X. Chị Vừ Y No sinh năm 1994, sinh sống tại bản Mường Lống 1. Đây là vùng đất có thời tiết mát mẻ, cảnh quan đẹp, những vườn đào vườn mận và nhiều sản vật như gà đen, lợn bản, rau và các loại dược liệu quý cùng những nét văn hoá đặc trưng của người Mông được gìn giữ và phát huy.
Để khai thác tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế gia đình gắn với làm du lịch cộng đồng. Năm 2020, chị Y No vay vốn NHCSXH số tiền 100 triệu đồng chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng đồng bào DTTS. Từ nguồn vốn này, gia đình chị đã mua 100 con giống gà đen bản địa, máy ấp trứng, máy phát điện, áp dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen an toàn sinh học. Còn dư ít vốn, chị Y No mở cửa hàng tạp hoá cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong bản.
Nắm bắt chủ trương và xu hướng phát triển du lịch ở địa phương, năm 2021, vợ chồng chị Y No sửa sang lại căn nhà và mở thêm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm. Ngôi nhà chị cũng từ đó mà trở nên vui vẻ rộn ràng hơn, sản phẩm từ gà đen và các món ẩm thực đắt khách hơn. Những điệu múa, tiếng khèn, tiếng hát cự xia, trường ca của người Mông lại trở thành đặc sản tinh thần cho du khách gần xa.
Bằng sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, chăm chỉ cần cù, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến cuối năm 2024, chị Y No trả hết nợ ngân hàng, thoát hộ cận nghèo và vươn lên hộ khá, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Chị Y No tâm sự: “Khi mới lập gia đình, hai vợ chồng mình thiếu thốn đủ thứ, nhất là nguồn vốn để gây dựng sinh kế. Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản, mình được biết các chính sách của Nhà nước cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng, vợ chồng mình đã thực hiện được ước mơ xây dựng trang trại gà đen bản địa và kinh doanh, phát triển du lịch. Việc tạo nguồn vốn vay ưu đãi thật là cơ hội quý giá cho những người trẻ khởi nghiệp, phát triển sinh kế bền vững”.
Mở ra những triển vọng tươi sáng
Sau 22 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn. Từ năm 2014 đến nay, NHCSXH huyện Kỳ Sơn đã giải ngân 1.109 tỷ đồng với 28.201 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó 25.273 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất, chăn nuôi; hơn 1.100 lao động được tạo việc làm; xây dựng 1.976 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 3.125 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng hộ nghèo về nhà ở. Tổng dư nợ đến tháng 12 năm 2024 đạt 481 tỷ đồng với 19 chương trình tín dụng chính sách và hơn 9.000 khách hàng vay vốn.
Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn Ngô Minh Tú cho biết: Thời gian qua, NHCSXH huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chi nhánh NHCSXH tỉnh, ưu tiên các nguồn lực cho vùng khó khăn đặc thù như Kỳ Sơn; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ hội cấp huyện, xã nhân uỷ thác, ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao trình độ, kỹ năng với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. NHCSXH huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thường xuyên bám sát cơ sở, thực hiện cho vay đúng đối tượng, kết hợp giữa cam kết, hướng dẫn và giám sát trách nhiệm sử dụng nguồn tiền đúng mục đích. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hoạt động cho vay, quản lý nợ đã góp phần quan trọng đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được phát huy hiệu quả.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho đồng bào các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2016 là 60,24 % đến năm 2024 còn 44,94%. Kinh tế toàn huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo bản làng vùng cao thay đổi tích cực. Nhiều sản phẩm địa phương được đầu tư phát triển xây dựng thương hiệu OCOP, trở thành mặt hàng tiêu biểu vươn ra thị trường trong và ngoài nước như: Gừng Kỳ Sơn, Chè Tuyết shan, Gà đen, Bò giàng, Nếp nương, Thổ cẩm, Mây tre đan… Cùng với đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Các dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có bước phát triển mạnh mẽ. Kỳ Sơn không còn là mảnh đất nhiều thử thách mà trở thành miền đất hứa thu hút đầu tư, khởi nghiệp, là điểm du khách gần xa đến thăm quan, trải nghiệm.
Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn Vi Hoè khẳng định: Các chương trình tín dụng chính sách đã đem đến “luồng sinh khí” mới. Ở đó hội tụ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Nguồn vốn chính sách được giám sát, quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng quy định. Góp phần thay đổi tư duy và trách nhiệm, nếp nghĩ cách làm cho cán bộ và người dân trong công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia các chương trình tín dụng. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ “tính trông chờ, ỷ lại”; khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đặc biệt là chính sách tính dụng ưu đãi với sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành chức năng đồng hành cùng NHCSXH với người dân và doanh nghiệp… tin tưởng rằng Kỳ Sơn ngày càng vươn lên trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.
Bài và ảnh Phan Thơm
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Chúc mừng Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Truyền thống
- » Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hòa Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Đồng Nai
- » Nâng cao chất lượng nguồn vốn chính sách