Giảm nghèo ở huyện miền núi Trà Bồng
Chắt chiu cơ hội giảm nghèo
Trà Bồng được biết đến như một địa danh cách mạng nổi tiếng, gắn với lịch sử cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Nam Trung bộ. Từ cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Ngày nay, nhiều người con đồng bào Cor ở huyện miền núi này của Quảng Ngãi lại tự hào khi đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương qua các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả với sự hỗ trợ của các chương trình tín dụng ưu đãi.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Trà Bồng, ở địa bàn có hơn 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Cor còn nghèo khó. Sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng triển khai tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân nơi này.
Bên cạnh các chính sách như Chương trình 135, các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102 thì các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chính sách tín dụng ưu đãi mà NHCSXH đang thực hiện đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo của Trà Bồng. Với nhiều người dân, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo động lực để vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước đến năm 2019 giảm còn 27,22%.
Đến xã Trà Sơn, chúng tôi thăm hộ ông Hồ Văn Sang, bà Hồ Thị Nga, dân tộc Cor, ở tổ 3, thôn Sơn Bàn. Ông Sang chia sẻ, gia đình ông biết đến NHCSXH từ năm 2011 khi được vay 5 triệu đồng dành cho hộ nghèo huyện 30a. Một năm sau gia đình lại vay 15 triệu đồng theo chương trình này.
Từ đồng vốn đó, ông đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng cây keo. Nhờ công chăm sóc tốt nên bò mẹ đã sinh sản thành đàn bò 4 con bê, bán 1 lứa keo được 20 triệu đồng và tiếp tục đầu tư trồng keo.
Sau khi thoát nghèo, năm 2015 gia đình ông Sang được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để mở rộng diện tích trồng keo. Ngoài thời gian chăm sóc vườn keo của nhà, vợ chồng ông Sang còn đi làm keo thuê cho thu nhập 150-200 nghìn đồng mỗi ngày.
Cũng ở tổ 3, thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn, gia đình ông Hồ Văn Quang cũng được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Ông vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo hồi năm 2011 để nuôi 2 con bò sinh sản và trồng 2ha keo. Sau hai lần vay vốn chương trình hộ nghèo của NHCSXH, gia đình ông Quang đã thoát nghèo và năm 2016, tiếp tục được vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để phát triển đàn bò, mở rộng diện tích trồng keo, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững.
Ông Hồ Ngọc Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn cho biết, với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH có vai trò rất quan trọng để tiếp thêm động lực, giúp người dân mạnh dạn chăn nuôi, trồng trọt để thoát nghèo. Hiện nay, dư nợ vốn ưu đãi của Hội Nông dân xã có dư nợ hơn 18 tỷ đồng.
Bà con vay vốn NHCSXH chủ yếu trồng rừng. Mặc dù trồng keo cũng phải 4 - 5 năm mới thu hoạch và 1ha keo nếu chăm sóc tốt cũng chỉ có thể thu 70 triệu đồng nhưng vẫn hiệu quả hơn trồng lúa rẫy như trước đây.
“Hội Nông dân chúng tôi hàng năm vẫn tổ chức 2 lần tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao năng suất, đồng vốn ngân hàng thêm hiệu quả“, ông Tiến nói.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn vay
Đánh giá về công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện, ông Hồ Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Trà Bồng cho biết, thời gian vừa qua, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, kịp thời tham mưu cho Ban đại diện và UBND huyện chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các mặt hoạt động nghiệp vụ đảm bảo quy định, đúng định hướng. Đến nay, tổng dư nợ toàn huyện đạt trên 233 tỷ đồng với hơn 5.380 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng ngày một nâng cao; việc bình xét, lập hồ sơ cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, người vay được nhận tiền vay trực tiếp từ NHCSXH huyện. Hoạt động giao địch tại UBND xã được NHCSXH huyện thực hiện đảm bảo quy định, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, mặt trận các hội đoàn thể và nhân dân, tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tiết giảm chi phí giao dịch cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các chính sách, thông tin về dư nợ, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên, nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, đường dây nóng… được công khai tại điểm giao dịch xã để nhân dân, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể theo dõi, giám sát, nắm bắt và phối hợp triển khai thực hiện theo quy định.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chuyển nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH tăng hơn 1,3 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm qua huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cấp hội đoàn thể phối hợp cùng NHCSXH huyện triển khai đảm bảo nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH huyện triển khai thực hiện tiếp tục phát triển bền vững, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo ông Hồ Văn Thịnh, thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2020, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tích cực tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo quán triệt thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát các kế hoạch về tín dụng chính sách đã được triển khai; Chỉ đạo các hội đoàn thể cơ sở, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp thực hiện tốt công tác giao dịch xã, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực tuyên truyền các chủ trương tín dụng chính sách của Nhà nước đến với đoàn viên, hội viên và nhân dân để nắm bắt triển khai thực hiện. Quan tâm gắn kết giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới với hoạt động tín dụng chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Bài và ảnh Thanh Trà
Các tin bài khác
- » Đắk Nông hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
- » NHCSXH tỉnh Long An thực hiện giao dịch tại xã sau thời gian tạm ngừng do dịch Covid-19
- » Đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ứng phó với dịch Covid-19
- » Đổi thay cuộc sống từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Công điện của NHNN về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
- » Tín dụng NS&VSMTNT phát huy hiệu quả tích cực trong thời điểm hạn, mặn
- » Thêm vốn đầu tư nuôi bò, nông dân Ninh Bình mau khấm khá
- » NHCSXH tỉnh Hà Giang chung sức chống dịch Covid-19
- » Hoà Bình đồng hành với người nghèo trong mùa dịch Covid-19
- » Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn