Nâng đỡ chúng tôi trên từng chặng đường gian khó
Với huyện vùng trũng Hải Lăng, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa việc cho con em đến giảng đường đại học vô cùng khó khăn. “Giữa lúc nhiều gia đình cho con em nghỉ học để vào miền Nam lập nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, ba mẹ tôi vẫn kiên trì bám trụ cho 4 anh em tôi đến trường bởi suy nghĩ của ba mẹ rất đơn giản rằng: “Chỉ có đến trường mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất”, chị An kể.
Nói là vậy. Nhưng để gánh gồng vượt qua con đường ấy vô cùng gian nan. Ngày ấy, trọng trách quán xuyến gia đình được ba An trao lại cho mẹ để đi kinh tế mới trồng cà phê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa với hy vọng tìm hướng đi mới cho cả gia đình. Những ngày đầu lên chốn hoang vu, thiếu thốn, mọi nguồn kinh phí mua đất, giống cây và phân bón… Cho đến khi tiếp cận được nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Hướng Hóa, việc khai hoang trồng trọt của gia đình mới có điểm tựa để mở rộng dần.
Nhưng để sống dựa vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa và thậm chí mất mùa, mất luôn cả giá khiến đời sống gia đình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Chị kể, mỗi lần anh chị em trong nhà làm hồ sơ dự thi, ba chị đều căn dặn: “Ba chỉ nuôi nổi khi con học ở Huế thôi nghe”. Vì thời đó vé tàu đi về giữa Diên Sanh và Huế chỉ có 9 nghìn đồng, nếu học ở Huế các anh chị sẽ bới gạo bới mắm từ quê vào được, tiền ba mẹ gửi vào cũng ít hơn. “Con cái ngày một lớn, tiền ăn học ngày một cao, mỗi lần đến kỳ gửi tiền cho chúng tôi, ba mẹ phải vay mượn rất vất vả. May mắn sao năm 2007 có chương trình tín dụng HSSV, đó thực sự là cứu cánh cho gia đình tôi lúc bấy giờ”.
Cái thời khắc đó dù đã trôi qua cả chục năm chị An vẫn nhớ như in hình ảnh rạng rỡ của mẹ khi đi nhận tiền từ NHCSXH về. Lúc đó cô em gái hỏi “Răng mà đi vay tiền mắc nợ họ mà mẹ mừng dữ rứa?”. Mẹ chị cười trầm “Chưa kể lãi suất bên NHCSXH ưu đãi hơn để mỗi tháng không áp lực, xem nhà ai có tiền để tới mượn, rồi vay chỗ ni đập chỗ tê là mẹ hạnh phúc rồi”. “Vất vả, cực nhọc là thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của NHCSXH nhưng ba mẹ tôi có thể nở nụ cười mãn nguyện vì cả 4 đứa con đều được học hành tử tế, có việc làm ổn định, không phải sống dựa vào nông nghiệp bấp bênh như ba mẹ”, chị An nghẹn ngào kể.
Thế nhưng cơ duyên của chị và gia đình với NHCSXH chưa dừng lại ở đó. Ngày lên xe hoa, hạnh phúc ào ạt đến với anh chị song cũng chứa đựng muôn vàn những khó khăn trên con đường vun đắp tổ ấm. Bởi hai vợ chồng đều sinh ra trong những gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn. Chỉ có khác là chị ở Hải Lăng, còn anh ở Vĩnh Linh vào Đông Hà làm việc.
Với tư tưởng “Ăn lần mần dọi”, ki cóp vay mượn người thân quen, vợ chồng chị cũng mua được mảnh đất nhỏ ven thành phố, chờ có thêm tiền sẽ làm nhà. Thế nhưng đã hơn 5 năm sống ở Đông Hà, ước mơ đó vẫn chưa thể thành hiện thực. Cuộc sống gia đình “lênh đênh” như trên thuyền với 5 lần chuyển nhà với những lần chỉ vì người ta lấy lại để bán, hay xây nhà trọ quy mô hơn… Trận mưa lớn năm 2018 là một kỷ niệm vợ chồng không bao giờ quên, khi mọi thứ trong nhà đều ướt, chỉ duy nhất chiếc giường còn khô ráo để con gái nhỏ nằm ngủ. Cái cảnh nơm nớp lơ sợ khi mùa mưa tới, rồi mùa nắng thì vợ chồng chia nhau ở lại cơ quan buổi trưa để tránh nóng… khiến anh chị bắt đầu liều lĩnh nghĩ đến việc làm nhà.
Thế rồi chị nắm bắt được thông tin Nhà nước có chủ trương cho vay nhà ở xã hội qua loa hệ thống báo chí, truyền hình, và mạnh dạn đến UBND phường 5 đăng ký nhu cầu vay. “Thú thực, khi làm hồ sơ tôi cũng tự nhủ không nên quá hy vọng nhiều bởi vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn vốn có hạn. Ngày NHCSXH thông tin lên làm hồ sơ tôi mới chợt hiểu và thấm thía ý nghĩa câu nói năm xưa của mẹ. Thì ra hạnh phúc của mỗi người đôi khi không phải điều gì quá cao xa mà chỉ là được vay vốn với lãi suất ưu đãi dành cho những đối tượng chính sách”, chị An tâm sự.
Hiện tại, gia đình chị An vừa cất xong nóc ngôi nhà mới và dự định sẽ hoàn thành trong tháng 11/2019. “Chỉ cần nghĩ được ở trong ngôi nhà của chính mình, không phải thấp thỏm lo âu khi mưa to, nắng lớn hay khi chủ nhà có nhu cầu đòi lại lòng tôi đã vô cùng mãn nguyện”, chị thổ lộ.
Những câu chuyện từng cá nhân và những gia đình trong chặng đường vượt khó với sự đồng hành của NHCSXH là rất quan trọng của đời người, đó là học tập, là lập nghiệp, khởi nghiệp, là an cư không như chị An và gia đình phải là điển hình mà đang ngày càng phổ rộng cùng dòng chảy tín dụng chính sách xã hội. 17 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội không chỉ giúp mọi hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nâng lên để không ai bị bỏ lại phía sau, mà còn giúp họ tiến xa và nhanh hơn lên phía trước sánh vai cùng bạn bè trang lứa như anh em chị An, để họ được tiếp thêm động lực lao động, cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của quê hương, đất nước.
Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Đổi đời nhờ vốn tín dụng chính sách
- » Thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » “Thương binh tàn nhưng không phế”
- » Gương sáng nữ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Đắk Nông
- » Người Tổ trưởng dám nghĩ, dám làm trên đỉnh núi Ngọc Linh
- » Người Mông ở Tiên Tốc làm giàu từ nuôi trâu và trồng mía
- » Tổ trưởng của những giải thưởng
- » “Vượt qua bão giá heo hơi, các dịch bệnh, tôi vững tin hơn”
- » Nuôi lợn đen bằng ngô, rau, bèo và cây chuối, kiếm hơn 100 triệu đồng
- » Triệu Chòi Khiền bắt đồng vốn “đẻ”... trâu, lợn