Vốn vay giúp tạo dựng trang trại, gia trại…
Đồng vốn tạo trang trại
Cán bộ và nhân dân xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên đang vui xuân trong không khí địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã, Phạm Văn Hùng cho biết, phương châm của địa phương là phát triển các nghề và lĩnh vực dịch vụ làm mũi nhọn, nhưng trọng tâm vẫn là phát triển nông nghiệp.
“Phát triển các nghề và các loại hình dịch vụ cũng như sản xuất nông nghiệp ở địa phương đang có bước chuyển dịch tích cực. Các nghề mộc dân dụng, cơ khí, may mặc, dịch vụ nghề đang thu hút nhiều lao động từ nông nghiệp dôi dư do tác động của cơ giới hóa. Sự chuyển dịch lao động cũng như mở rộng các nghề, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, gia trại có sự tác động của nguồn vốn tín dụng chính sách…”, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng khẳng định.
“Tổng dư nợ cho vay 13 chương trình tín dụng của NHCSXH TP Hà Nội thực hiện đến hết năm 2015 đạt 5.165 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng so với năm 2014”. |
Nhờ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Vân Hội, xã Đại Thắng đã gây dựng được trang trại tổng hợp rộng 1ha, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Anh Quang chia sẻ: “Trước kia vợ chồng tôi được vay vốn hộ nghèo. 3 năm nay, tôi gom ruộng nhà lại 1 thửa rồi làm trang trại tổng hợp. Thiếu vốn đầu tư, NHCSXH lại cho vay 20 triệu đồng để tạo việc làm, nhờ đó tôi mới gây dựng được trang trại như ngày hôm nay”.
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ ở xã Đại Thắng có tiền đầu tư phát triển trang trại tổng hợp sau khi dồn điền đổi thửa, một số hộ khác lại vay vốn để góp chung với anh em, họ hàng mua sắm máy gieo sạ hàng, máy gặt đập liên hợp…
Dồn lực cho xây dựng nông thôn mới
Huyện Thanh Trì là vùng ngoại ô thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tập trung đông, ruộng đất nhiều xã dần thu hẹp nên áp lực về việc làm rất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, Nguyễn Đình Hiếu cho hay, dân số của địa phương hiện lên tới hơn 20.000 người: “Địa phương vừa phải tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa vừa phát triển thương mại, dịch vụ để thu hút thêm lao động dôi dư từ nông nghiệp. Nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ địa phương trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và cơ cấu ngành nghề, lao động”. Dân số đông nên dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh đạt mức cao nhất toàn huyện Thanh Trì với 20 tỷ đồng.
Nếu như nông dân xã Đại Thắng vay vốn rồi góp chung vào mua sắm máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp thì ở xã Vĩnh Quỳnh, nhiều hộ vay vốn rồi góp chung mua sắm máy trộn bê tông, thiết bị vận chuyển vữa để làm dịch vụ xây dựng. Một số hộ khác lại vay vốn đầu tư vào phát triển trang trại, gia trại, nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Đức Tám ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để mua thức ăn cho cá. Gia đình ông hiện nuôi các loại cá trên 4,3ha mặt nước. Trên bờ, ông xây chuồng trại nuôi thêm lợn và các loại gia cầm như chim bồ câu, ngan, gà ri, gà chọi… “Khu đầm đang tạo việc làm cho 3 lao động chính trong gia đình…”, ông Tám bày tỏ.
Bài và ảnh Đông Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiếp sức hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
- » Người dân Buôn Đôn hết chạy ăn từng bữa
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Thừa Thiên - Huế nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Vốn vay được quản lý hiệu quả
- » Nơi gửi trọn niềm tin
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Đồng Khởi
- » Tín hiệu vui của hộ cận nghèo