Mở hướng làm giàu cho người dân
Từ nguồn vốn nhỏ
Nếu như nguồn vốn được vay 20 triệu đồng của NHCSXH với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất có giá trị, họ có thể mua 1, 2 con bê, hoặc một bò mẹ, cuối năm có thêm bê con, đời sống được cải thiện thì với người dân nội đô Hà Nội, đồng vốn này không thấm tháp gì. Không bằng lòng với mức sống hiện tại, người dân hai quận Ba Đình, Tây Hồ đã tạo ra ngày càng nhiều việc làm mới, làm giàu một cách bền vững.
Bà Tạ Thị Dung, tổ dân cư số 4, phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết, năm 2009, bà được vay 20 triệu đồng của NHCSXH quận Ba Đình - Tây Hồ để mở quán bún riêu. Sau 4 - 5 năm chăm chỉ làm ăn, bà đã tích góp được số vốn kha khá, không những đủ để đảm bảo cho quán hoạt động, mà còn dư giả đầu tư cho cậu con trai mở cửa hàng điện lạnh ngay tại gia đình. Kết quả là, đầu năm 2014, con trai bà có một gian hàng khang trang, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bà Dung cho biết: “Nếu chỉ bằng lòng với đồng lương hưu mất sức, không vay vốn để mở quán bún riêu, không mạnh dạn đầu tư cho con trai thì giờ đây chúng tôi không có cơ ngơi như thế này. Chắc chắn, trong thời gian không xa, đời sống của chúng tôi sẽ khấm khá hơn”.
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ dân cư số 5, cho biết, vào năm 2009, bà chỉ có 25 giò phong lan cảnh (1 - 2 triệu đồng/giò), nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến nay phát triển tăng lên 70 giò. Ngoài việc cung cấp hoa cảnh, bà còn mở thêm dịch vụ cho thuê bàn ghế, nấu ăn tại nhà vườn cho khách du lịch nước ngoài vào cuối tuần. Doanh thu trung bình mỗi tuần 6 triệu đồng, cả năm gần 300 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng 120 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ với xuất phát điểm ban đầu rất nhỏ như: mở cửa hàng gội đầu ở nhà, nhờ làm ăn chăm chỉ đã có vốn tích lũy, đầu tư thêm cơ sở ở phố cổ và mua được ôtô; có gia đình từ chỗ nhà dột nát, nay mở rộng, làm nhà cho thuê, doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng.
Cũng như ở Tây Hồ, người dân Ba Đình có nhiều sáng tạo trong việc nâng cao đời sống gia đình. Chị Trịnh Thị Phớn, tổ 24, phường Phúc Xá cho biết, trước đây, chị chỉ biết có nghề nuôi lợn nhưng thu nhập bấp bênh và rủi ro cao. Cách đây 2 năm, chị được vay 20 triệu đồng của NHCSXH để mua hàng trả chậm của một Công ty nước giải khát thạch rau câu và đi giao hàng cho các đại lý nhỏ. Để làm quen với công việc và bạn hàng, thời gian đầu chị khuyến mại cho những đại lý mua nhiều tới 50% hoa hồng, sau đó rút xuống 30%. Cứ như vậy, qua 2 năm tích cực mở rộng mạng lưới, đến nay, chị Phớn đã có hàng trăm đầu mối giao hàng, với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Một mình làm không xuể, chị rủ thêm 4 - 5 chị em nữa cùng đi bỏ mối hàng, kết quả là các chị đều có mức lương ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Dư Thị Du Thủy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cụm dân cư 4, 5, 6 phường Quảng An cho biết: “Khu dân cư chúng tôi có 44 hộ vay vốn để tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống gia đình như: kinh doanh ăn uống, hàng tạp hóa, trồng cây cảnh, mua xe vận tải nhỏ để chuyên chở hàng hóa… Công việc khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ ngày càng khấm khá và giàu có nhờ nguồn vốn “năng nhặt, chặt bị” này. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị NHCSXH cần nâng mức vay vì mức 20 triệu đồng/hộ là quá thấp so với nhu cầu thực tế ở địa phương, nhất là trong điều kiện giá cả ngày một tăng cao”.
Giải ngân tốt, thu nợ nhanh
Nhờ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn, nên việc triển khai giao dịch, tổ chức giải ngân, thu nợ của NHCSXH quận Ba Đình - Tây Hồ thời gian qua đạt được kết quả tốt. Chất lượng hoạt động các mặt được nâng cao, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; công tác tín dụng và ủy thác thực hiện tốt. Theo đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng năm 2013 là 57,5 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch giao. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 11,3 tỷ đồng, đạt 99.9% kế hoạch giao. Nguốn vốn địa phương 51,4 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch giao.
Bà Thái Thị Thanh Hà - Giám đốc NHCSXH quận Ba Đình - Tây Hồ cho biết: “Cái được lớn nhất ở đây là, thông qua chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, các đối tượng chính sách được làm quen với tín dụng ngân hàng, có ý thức vươn lên thoát nghèo và có chí hướng làm giàu chính đáng. Không trông chờ, ỷ lại việc cho không, cấp không của Nhà nước, nhất là hạn chế việc người dân thiếu vốn kinh doanh phải vay nặng lãi từ tín dụng đen”.
Bà Hà cho biết thêm, các hộ vay vốn đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thiếu ổn định, vốn vay ưu đãi giúp họ mạnh dạn tổ chức và mở rộng sản xuất, kinh doanh; phát triển ngành nghề truyền thống, không những thoát nghèo mà còn làm giàu một cách bền vững. Bình quân mỗi năm trên địa bàn hai quận Tây Hồ và Ba Đình có trên 2.000 lao động tìm được việc làm ổn định; riêng năm 2013 giải quyết việc làm cho trên 2.800 lao động, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị, giảm dần hộ nghèo, cận nghèo, tăng hộ khá, giàu, từng bước ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, ngoài sự chủ động của ngân hàng còn phải ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các hội, đoàn thể trong việc thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, giải ngân, thu nợ và gửi tiền tiết kiệm; sự giám sát của các Tổ trưởng Tổ dân phố, UBND phường trực tiếp đến người vay.
Bài và ảnh Dương Thu Hiền - Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tín dụng chính sách nơi vùng quê công giáo
- » Phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng tự vệ đỏ
- » Hội Phụ nữ Mường Nhé giúp hội viên làm giàu
- » Từ năm 2014 Trấn Yên phấn đấu giảm nghèo từ 4%/năm trở lên
- » Tiếp sức cho hộ nghèo ở Vĩnh Phúc
- » Gần 20 nghìn hộ nghèo ở Sơn La đã xóa xong nhà tạm
- » Phát triển rừng trên vùng cao A Lưới
- » Lập nghiệp, làm giàu nhờ vốn chính sách
- » Cải tiến thủ tục vay vốn ưu đãi