Từ năm 2014 Trấn Yên phấn đấu giảm nghèo từ 4%/năm trở lên

26/03/2014
(VBSP News) Nhiều năm qua chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) được triển khai tương đối đồng bộ với nhiều giải pháp, cách làm mới, thiết thực và hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhiều doanh nghiệp ở Trấn Yên chế biến gỗ rừng trồng, đã đầu tư thiết bị sản xuất gỗ ván dăm, ván dán ép, đũa gỗ xuất khẩu, gỗ xẻ thanh, gỗ ván bóc...; tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng Ảnh: TTXVN

Nhiều doanh nghiệp ở Trấn Yên chế biến gỗ rừng trồng, đã đầu tư thiết bị sản xuất gỗ ván dăm, ván dán ép, đũa gỗ xuất khẩu, gỗ xẻ thanh, gỗ ván bóc…; tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng
                                                                                                                                     Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Trấn Yên (Yên Bái), qua 3 năm thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể. Một số chương trình, dự án phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đó, nổi bật là chương trình hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. 3 năm qua, đã có trên 10.270 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ đạt gần 140 tỷ đồng. Hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Ông Hồ Văn Thạch ở thôn 3, xã Hòa Cuông thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng quần quật lao động suốt ngày, nhưng cả năm cũng chỉ thu hoạch được chừng 5 - 7 tạ thóc, vài tấn củ dong riềng. Năm được mùa thì đủ ăn, khi mùa màng thất bát thì đói. Năm 2009, thông qua Hội Nông dân ông được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng hộ nghèo, ông đã đầu tư nuôi trâu sinh sản. 3 năm sau ông Thạch bán bớt con nghé, đủ tiền trả nợ ngân hàng. Gia đình thoát nghèo. Tháng 6/2013, ông Thạch được vay tiếp hộ cận nghèo, ông mua thêm trâu và cây giống, phân bón trồng quế trên đồi. Hiện, nhà ông Thạch đã có 2 con trâu sinh sản, 2 con nghé khỏe mạnh và 3ha quế xanh tốt sắp đến ngày thu hoạch. “Nhờ được vay thêm vốn mà kế hoạch làm ăn của gia đình tôi suôn sẻ. Với thời hạn và lãi suất ưu đãi của NHCSXH, đủ để người nông dân nghèo như chúng tôi có điều kiện tích lũy, từng bước tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, ông Thạch tâm sự.

Gia đình ông Nguyễn Thế Hùng ở thôn Hòa Quân, xã Minh Quân có 4 nhân khẩu chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2012, ông Hùng được vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Với số tiền này ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 1 chiếc xe trâu và 2 con trâu để lấy sức kéo. Hằng ngày ông Hùng nhận chở thuê hàng hóa, vật liệu xây dựng cho các hộ trong thôn, trong xã. Từ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định, Cuối năm 2013, gia đình ông Hùng đã thực sự thoát nghèo.

Trấn Yên là huyện vùng thấp của Yên Bái, có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có dân tộc Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mông. Đây là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, với diện tích đất lâm nghiệp gần 48.555, chiếm 77,24% tổng diện tích tự nhiên của huyện; trong đó đất rừng sản xuất gần 19.408ha. Cùng với phát triển chăn nuôi, ngành nghề, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đang được huyện đầu tư khai thác thế mạnh về rừng. Hiện tại, Trấn Yên đã hình thành vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung lên đến 12.442ha, trong đó có 200 trang trại cây lâm nghiệp với diện tích từ 5ha trở lên. Toàn huyện có 17 Công ty TNHH, Công ty Cổ phần và 4 Doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến các sản phẩm nông - lâm nghiệp. Có 10 doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, đã đầu tư thiết bị sản xuất gỗ ván dăm, ván dán ép, đũa gỗ xuất khẩu, gỗ xẻ thanh, gỗ ván bóc… với khối lượng tối đa 15.000m3 sản phẩm/năm.

Bằng việc tận dụng mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương và gia đình, 3 năm qua Trấn Yên đã đạt được kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo. Nếu như, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 27,48%, với tổng số 5.227 hộ nghèo, thì năm 2012 còn 25,95%, qua đó đã có 1.025 hộ thoát nghèo. Và, năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của Trấn Yên giảm xuống còn 21,42%.

Trấn Yên đặt mục tiêu từ năm 2014 phấn đấu giảm nghèo từ 4%/năm trở lên. Tuy vậy, huyện đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững, như tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tình trạng tái nghèo còn cao. Cùng với phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Trấn Yên đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến nông - lâm sản. Huyện đã quy hoạch, san tạo mặt bằng giai đoạn 1 Khu Công nghiệp tập trung ở Hưng Khánh, Y Can, Báo Đáp; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác