Thắp sáng ước nguyện hoàn lương
Phàm là con người, ai cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Đặc biệt với những người đã trải qua lầm lỗi và sự trừng phạt của pháp luật, khao khát trở lại cuộc sống bình thường của một công dân, được lao động và kiếm sống một cách lương thiện, được chăm sóc gia đình và cống hiến cho xã hội lại càng cháy bỏng. Song, hành trình “hồi sinh về mặt xã hội” của họ không dễ dàng. Bởi chuỗi ngày dài cách ly khỏi đời sống xã hội bình thường khiến họ sẽ gặp khó khăn, lúng túng cả về suy nghĩ, nhận thức lẫn về cách hành xử trong các quan hệ xã hội khi trở lại với xã hội đương đại. Bên cạnh đó là việc đối mặt với định kiến xã hội, thiếu vốn và định hướng nghề nghiệp khiến cơ hội tìm kiếm việc làm để có thể sống một cách chân chính bằng sức lao động, bằng năng lực của chính bản thân mình không hề đơn giản. Thực chứng cho thấy định kiến cùng thiếu sinh kế khiến nhiều người ra tù rồi lại vào vì “nhàn cư vi bất thiện”.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Với thông điệp “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, cả hệ thống chính trị và NHCSXH luôn sẵn sàng triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, trên tinh thần cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”; tiến hành công khai chính sách đến các Điểm giao dịch xã, để “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, người dân trên địa bàn.
Đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ của NHCSXH cùng chính quyền và công an địa phương cũng đang góp phần đẩy nhanh chính sách nhân văn này vào cuộc sống. Trung tá H’Hương A’Drưng - Phó trưởng Công an thị trấn Krông Kmar, Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết sau khi triển khai chính sách, công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức một buổi tuyên truyền cho những trường hợp đã chấp hành án phạt tù về tại địa phương cho họ hiểu và nhiều người có nhu cầu vay vốn, sau đó chính quyền địa phương giao trách nhiệm cho chúng tôi đi rà soát lại. Những trường hợp nào có nhu cầu và đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ lập danh sách phối hợp với NHCSXH huyện Krong Bông và hiện đã giải ngân cho cả 5 trường hợp có nhu cầu.
Trung tá H’Hương A’Drưng, cho biết những người ra tù, thì đầu tiên họ cũng có rất nhiều cái mặc cảm. nhưng mà khi họ được Đảng và Nhà nước cũng như là chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện dưới mọi hình thức, thì họ cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi. Bởi vì họ không không bị là xa lánh mà còn được tạo điều kiện tất cả mọi thứ ở trên mọi phương diện, từ động viên tinh thần cho đến được tiếp cận tài chính. Vì vậy họ có thêm tinh thần, động lực nghĩ đến cái cách để đầu tư phát triển kinh tế. Chứ nhiều lúc mình không có hỗ trợ, quan tâm đến họ thì họ sẽ có thể nảy sinh một cái tư tưởng khác…”.
Từ chính sách này nhiều cuộc đời mới, đầm ấm và hạnh phúc đang được nhân rộng. Như bà Lê Thị Hồng Loan, tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar. Bà kể trước đây tôi cũng là công chức và chuẩn bị sắp về hưu và thị trường cũng đang phát triển về cây sầu riêng rất nhiều, và tôi dồn tiền tiết kiệm mua một mảnh vườn để về hưu thì trồng sầu riêng. Tuy nhiên, dự định này của bà đã không thực hiện được khi xảy ra sự cố ở đơn vị và bà đã đi thi hành án, 4 năm. Vườn sầu riêng vừa mới hạ cây xuống để lại cho con trai chăm sóc. Trở về nhà, kinh tế eo hẹp, bà cũng muốn vay vốn ngân hàng để tiếp tục phát triển vườn sầu riêng của mình. Đang loay hay thì đúng dịp có chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho những người mà đi cải tạo mới về để có một nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. “Nhờ sự quan tâm của NHCSXH, cũng như công an của địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ cho tôi vay được 100 triệu đồng về đầu tư vườn sầu riêng. Lúc ấy tôi thấy rất vui mừng và xúc động vì không nghĩ mình đi về như vậy lại được hưởng chính sách của Nhà nước, cũng như các cơ quan ban, ngành người ta quan tâm và động viên mình như vậy. Nhất là công an lúc nào xuống họ cũng động viên mình cố gắng làm ăn, chứ không có kỳ thị hay là gì đó. Từ đó, bản thân mình cũng thấy tự tin làm ăn”, bà kể. Đến nay 2ha với 400 cây sầu riêng đã phát triển sầm uất. Và năm nay cũng có để một số cây bói thì khoảng cỡ 40 - 50 cây.
Hay như chị Nguyễn Thị Bé, thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc. Chị cho biết khi chuẩn bị đi cải tạo về chị rất lo vì về với địa phương rồi nghĩ không ra có thể làm gì để sống. “Lại trở về vào ngày 2/9 gần tới Tết, tôi hoang mang lắm. Nhưng khi về nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ và được sự hỗ trợ của NHCSXH cho tôi vay 80 triệu đồng sửa sang quán gội đầu cắt tóc để làm lại từ đầu. Cũng nhờ số vốn đó tôi cũng sống được tới ngày hôm nay, cũng nuôi con được” chị kể và cho biết “Không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nguồn vốn đó thì có khi tôi cũng gục ngã”. Không chỉ ổn định đời sống cho chính mình, chị còn góp phần tạo việc làm cho 2 người dân tại địa phương.
Không chỉ tại Krông Bông, đến nay, Quyết định số 22 đã được triển khai trên toàn quốc. Đến hết tháng 6/2024, NHCSXH đã phối hợp với Công an các cấp và chính quyền địa phương cho 6084 người chấp hành xong án phạt tù vay hơn 501 tỷ đồng để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ trương mang đầy tính nhân văn này, không chỉ mang đến cho những người đã chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống mà hơn thế còn trao cho họ cơ hội được đóng góp cho sự phát triển của gia đình, xã hội và cộng đồng.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả chính sách này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Bộ mong muốn phối hợp với Bộ Công an và NHCSXH xây dựng một khung chính sách đầy đủ cho người mãn hạn tù để đảm bảo họ thực sự ổn định cuộc sống và tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên để chính sách triển khai hiệu quả, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an địa phương cần phối hợp xây dựng kế hoạch tạo việc làm, giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền để người chấp hành xong án phạt tù hiểu rõ về chính sách; giới thiệu dịch vụ việc làm kết nối cấp tỉnh, cấp vùng và toàn quốc; tôn vinh những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã sử dụng người lao động là người mãn hạn tù, để khuyến khích các đơn vị thu nhận họ vào làm việc.
Bài và ảnh Minh Nguyễn
Các tin bài khác
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cầu nối” của tín dụng chính sách
- » Giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội
- » Chính sách tín dụng ưu đãi giúp trên 58.000 hộ thoát nghèo tại Kiên Giang
- » Tỉnh Quảng Ninh tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » “Trụ đỡ” thúc đẩy an sinh xã hội ở Quảng Ninh
- » Trà Vinh khen thưởng 58 tập thể và cá nhân qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Trà Vinh phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện tín dụng chính sách
- » Hải Phòng chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tỉnh uỷ Hà Giang tổng kết 10 năm Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư
- » An Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội