Nhân văn chính sách cho người lầm lỗi
Ngay sau khi Quyết định số 22 được ban hành, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan báo cáo, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND, ngày 25/10/2023, triển khai thực hiện quyết định. Theo đó, chi nhánh nhanh chóng triển khai, đẩy mạnh việc cho vay theo quy định, cùng với việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an và chính quyền địa phương được thực hiện hiệu quả, giúp xác định đối tượng cần vay vốn và xây dựng kế hoạch tín dụng linh hoạt.
Ðến ngày 27/5, đã có 71 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng (tăng 3,1 tỷ đồng so với đầu năm). Qua đó, góp phần giúp những người lầm lỗi có điều kiện làm ăn sinh sống, tái hoà nhập cộng đồng. Chính sách này không chỉ là sự hỗ trợ tài chính mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, là động lực cho người lầm lỡ vươn lên.
Ông Trịnh Công Lập ở khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau, kinh doanh bia hơn 20 năm. Trong một lần đi thu nợ, đã gây xô xát, bị kết án 36 tháng tù. Do cải tạo tốt nên sau 21 tháng, ông được trả tự do và quay trở về địa phương sinh sống. Ông Trịnh Công Lập tâm sự: “Do gián đoạn một thời gian nên việc kinh doanh trở lại gặp khó khăn, mất nhiều khách hàng, nguồn vốn cũng không còn. Nhờ chính quyền địa phương kết nối, tôi được NHCSXH xét giải ngân nguồn vốn 50 triệu đồng chương trình cho vay theo Quyết định số 22 để tiếp tục kinh doanh nghề cũ. Ðến nay, cuộc sống dần ổn định hơn”.
Vợ chồng ông Lê Minh Dũng ở phường 6, TP Cà Mau trước đây bán cà phê. Do sa vào con đường nghiện hút nên ông Dũng bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Nhờ cải tạo tốt nên ông được cho về trước hạn. Tháng 4 vừa qua, ông Dũng được NHCSXH giải ngân 70 triệu đồng vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù. Ông cùng vợ sửa sang lại chỗ nơi và mua sắm phương tiện để bán cơm, đến nay thu nhập gia đình ổn định. Nhờ nguồn vốn chính sách mà vợ chồng ông Lê Minh Dũng có điều kiện phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 6 Ðỗ Thuỳ Ngân, chia sẻ: Việc hỗ trợ vốn vay cho những người chấp hành xong án phạt tù, không chỉ giúp họ có cơ hội thay đổi cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển của cộng đồng. Như trường hợp anh Dũng, không những có thu nhập ổn định từ quán cơm, anh còn là thành viên gương mẫu của khóm, thường xuyên tố giác tội phạm, giúp an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Ðồng cho biết: Giữa chi nhánh và Công an tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 22, nhằm phối hợp chặt chẽ giữa 2 đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, đảm bảo tính thường xuyên, hiệu quả, thiết thực và đúng quy định.
Chi nhánh đã phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai quy trình, thủ tục cho vay tại trụ sở các phòng giao dịch huyện và các Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hằng tháng chủ động tiếp nhận danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn từ công an, UBND cấp xã rà soát, phê duyệt để tổ chức triển khai cho vay kịp thời, đúng quy định, nhằm đảm bảo tất cả đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vay vốn của NHCSXH.
Chính sách vay vốn đặc biệt cho những người chấp hành xong án phạt tù không chỉ là biện pháp hỗ trợ kinh tế mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng xã hội công bằng và nhân văn. Chính sách này đã mang lại những cơ hội mới cho người đã từng lạc bước, giúp họ tái lập cuộc sống và trở thành những thành viên có ích cho xã hội.
Chính sách này ngoài tạo điều kiện cho đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù, còn tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để thực hiện mục đích đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giúp người chấp hành xong án phạt tù có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng khi trở về địa phương, nhằm hạn chế tối đa trường hợp người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội.
Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tùng phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tại cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thường xuyên rà soát đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện được giải ngân cho vay. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình, kịp thời phát hiện, đôn đốc, xử lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hồng Phượng
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Nghệ An thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Đổi thay nơi miền núi cao Sơn La
- » Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Vốn tín dụng chính sách đã đến gần với dân
- » Vốn tín dụng chính sách “mở cửa” thoát nghèo cho người dân huyện miền núi
- » Kịp thời chuyển vốn đến người khó khăn
- » Ngã Năm thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
- » Quảng Ngãi tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Đồng vốn nhân văn trên quê hương Ba Tơ anh hùng