Giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội
Trong 6 tháng đầu năm 2024, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Nghị quyết của HĐQT NHCSXH để triển khai thực hiện tốt hoạt động ủy thác, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 372.940 tỷ đồng, tăng 26.516 tỷ đồng (+7,7%) so với năm 2023. Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 46.983 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,6% tổng nguồn vốn, tăng 7.808 tỷ đồng so với năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 350.735 tỷ đồng, tăng 18.811 tỷ đồng (+5,7%) so với năm 2023 với gần 6,9 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 348.942 tỷ đồng, chiếm 99,49% tổng dư nợ, tăng 18.813 tỷ đồng so với năm 2023, với 168.568 Tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 132.550 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ ủy thác, tăng 6.736 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Hội Nông dân Việt Nam đạt 103.558 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng dư nợ ủy thác, tăng 5.443 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt 60.966 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.618 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Đoàn Thanh niên đạt 51.868 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.016 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện 99,96% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 7.164 tỷ đồng, tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 81,3%.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết: Vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hỗ trợ hội viên, đoàn viên tích cực trong sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên ổn định cuộc sống. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi; tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ổn định; góp phần vào tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp và đất nước, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, cuộc sống ổn định cho người dân; trong đó, có hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã báo những kết quả nổi bật trong việc tham gia thực hiện hoạt động ủy thác nguồn vốn chính sách; hoạt động trọng tâm trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách thông qua NHCSXH; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn; sử dụng hiệu quả đồng vốn; nâng cao chất lượng nguồn vốn chính sách…
Bên cạnh những thế mạnh, ưu điểm, hoạt động ủy thác vẫn còn có những khó khăn, tồn tại ở một số địa phương, một số thời điểm như, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu sáng tạo, chưa đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả; Cán bộ theo dõi chuyên trách hoạt động ủy thác thay đổi nhưng chưa thực hiện bàn giao kịp thời; cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên, kịp thời để nắm rõ nghiệp vụ ủy thác, các chính sách sửa đổi, ban hành mới; Việc thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa đảm bảo số lượng và chất lượng kế hoạch kiểm tra…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cho biết: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là một trong những điểm sáng của hoạt động tín dụng chính sách trong nửa đầu năm 2024. Qua đó cho thấy, chính quyền các cấp thêm tin tưởng hơn vào mô hình, hoạt động của NHCSXH, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đã đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng có nhu cầu để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định đời sống.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Để phát huy những kết quả đạt được, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội, kịp thời chuyển tải các nguồn vốn chính sách. Tiếp tục phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt các chủ trương, chính sách mới cho người dân. Động viên, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn vay vốn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay. Triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tổ chức thực hiện tốt các nội dung ủy thác trong đó, triển khai việc chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác, hướng dẫn quy trình, phương pháp kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác theo các văn bản mới ban hành.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 405.000 lao động, trong đó có 4.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 4.200 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 242.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.021.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 647 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 2.600 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp… |
PV
Các tin bài khác
- » Chính sách tín dụng ưu đãi giúp trên 58.000 hộ thoát nghèo tại Kiên Giang
- » Tỉnh Quảng Ninh tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » “Trụ đỡ” thúc đẩy an sinh xã hội ở Quảng Ninh
- » Trà Vinh khen thưởng 58 tập thể và cá nhân qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Trà Vinh phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện tín dụng chính sách
- » Hải Phòng chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tỉnh uỷ Hà Giang tổng kết 10 năm Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư
- » An Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » An Giang tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội
- » Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW