Tự hào thành tích 10 năm xây dựng và phát triển
Quá trình xây dựng và phát triển cho đến nay, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu vươn lên, tạo được thế và lực quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho những giai đoạn phát triển tiếp theo và khẳng định là công cụ tài chính có hiệu quả của Nhà nước, là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng.
NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT
1. Đã tập trung được nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo quy định của Chính phủ. Khẳng định là công cụ tài chính có hiệu quả góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến 31/12/2012, sau 10 năm hoạt động, tổng nguồn vốn đạt 120.483 tỷ đồng, tăng 113.378 tỷ đồng (gấp 17 lần) so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động (đầu năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 33,3%. Với nguồn vốn huy động được NHCSXH đã giải ngân cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay trong 10 năm đạt 210.982 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng, tăng 106.899 tỷ đồng (gấp 16 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,8%/năm. Dư nợ tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng lớn: Cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh (chiếm 36,5%); cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 31,4%); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 11,3%); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (chiếm 9,3%); cho vay giải quyết việc làm (5,0%); cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (chiếm 3,4%). Hiện có hơn 7 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời gian đầu hoạt động.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 4,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn; xây dựng trên 88 nghìn căn nhà vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.
Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần từ 13,75% khi nhận bàn giao (đầu năm 2003) xuống còn 1,23% (cuối năm 2012).
2. Xây dựng, tổ chức bộ máy điều hành tinh gọn, chú trọng tăng cường, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, áp dụng mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách ngày một hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm chi phí giao dịch cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Toàn hệ thống được tổ chức thống nhất từ Trung ương tới địa phương với Hội sở chính tại Hà Nội, 63 chi nhánh cấp tỉnh, Sở giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin, 618 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Nguồn nhân lực có trên 9.000 cán bộ, trong đó 133 cán bộ có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ, 6.399 cán bộ có trình độ Đại học và Cao đẳng.
Bộ máy tổ chức của NHCSXH thể hiện sự đặc thù, phù hợp với đặc điểm tín dụng chính sách là vừa bảo đảm tính chất của tín dụng, vừa mang tính xã hội rộng rãi. Ngoài bộ phận điều hành tác nghiệp làm nhiệm vụ chuyên trách, NHCSXH có HĐQT và Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện gồm thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành; lãnh đạo UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội làm việc theo hình thức kiêm nhiệm. Đến nay đã có gần 8.000 cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia hoạt động kiêm nhiệm vào bộ máy quản trị của NHCSXH.
Để giải ngân vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc uỷ thác một số công việc trong quy trình tín dụng cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đến 31/12/2012, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý 111.620 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ của NHCSXH, thành lập được trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Phương thức ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, qua thực tiễn hoạt động được khẳng định là sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tôn chỉ mục đích hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với tính chính trị - xã hội của tín dụng chính sách.
3. Trong điều kiện hoạt động của NHCSXH chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngân hàng này cũng lần đầu tiên được xây dựng; cơ chế, quy chế nghiệp vụ không có cơ sở tham khảo, kế thừa…
Tuy nhiên, NHCSXH đã tập trung trên tinh thần “vừa thiết kế, vừa thi công” xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các cơ chế, quy chế nghiệp vụ tín dụng, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, kiểm tra kiểm soát nội bộ, quy chế điều hành nội bộ… đảm bảo tính thống nhất, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ. Ban hành 128 bộ thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của NHCSXH, công khai rộng rãi để cán bộ, viên chức, người lao động và khách hàng biết, thực hiện.
4. Bước đầu thực hiện có kết quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, hình thành và từng bước ổn định cơ sở vật chất, bổ sung thêm nguồn vốn cho vay từ hoạt động ủy thác của chính quyền các địa phương.
Trong 10 năm qua, nhiều địa phương đã cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách dành vốn ủy thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến 31/12/2012, nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 3.143 tỷ đồng, điển hình là, TP. Hà Nội 837 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 281 tỷ đồng, Khánh Hòa 143 tỷ đồng, Thanh Hóa 116 tỷ đồng, Long An 102 tỷ đồng… Đặc biệt, một số tỉnh nghèo, ngân sách khó khăn những vẫn dành dụm vốn để ủy thác cho NHCSXH như: Sơn La 49,5 tỷ đồng, Hà Giang 13,5 tỷ đồng, Lai Châu 10 tỷ đồng…
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg ngày 18/3/2003, Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg ngày 16/3/2004) và sự giúp đỡ tích cực của các Bộ ngành, địa phương, sau 10 năm hoạt động, NHCSXH đã tiếp nhận, cải tạo và xây dựng mới được 650 trụ sở làm việc trong tổng số 681 đơn vị ngân hàng (đạt tỷ lệ 95%), hình thành hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm các yêu cầu cơ bản cho hoạt động của một ngân hàng, tiết kiệm được một khoản vốn đầu tư xây dựng cơ bản khá lớn cho ngân sách Nhà nước do tận dụng tiếp nhận lại nhiều trụ sở dôi dư của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
5. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, NHCSXH đã tích cực hưởng ứng, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và hoạt động từ thiện xã hội.
Trong 10 năm hoạt động, NHCSXH đã quyên góp, thực hiện công tác từ thiện được 39,75 tỷ đồng, nhận phụng dưỡng 14 Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ xây dựng 162 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền trị giá 4,17 tỷ đồng, quyên góp kinh phí và trực tiếp tìm kiếm, quy tập 88 hài cốt liệt sĩ… Hàng năm, tham gia đều đặn các chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai và ủng hộ các Quỹ từ thiện của Trung ương và địa phương.
Ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng xã hội thông qua việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, NHCSXH đã được Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu:
Tập thể:
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì.
- 01 Huân chương Độc lập hạng Ba .
- 03 Huân chương Lao động hạng Nhì
- 20 Huân chương Lao động hạng Ba.
Cá nhân:
- 01 Huân chương Lao động hạng Nhì
- 23 Huân chương Lao động hạng Ba.
Và nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của NHNN Việt Nam, Bằng khen của các Bộ ngành và Tỉnh ủy, UBND các cấp.
ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với biến đổi khí hậu đã thúc đẩy các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến người nghèo, đến việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển đều hỗ trợ cho người nghèo thông qua hình thức trợ cấp không hoàn lại và tín dụng có ưu đãi, trong đó trợ giúp bằng tín dụng ưu đãi ngày càng phổ biến hơn.
Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010 và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5 - 2%/năm.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo thời kỳ từ 2011 - 2020, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 26/2012/QH13, ngày 21/6/2012, về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó yêu cầu tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH để tăng mức cho vay nhất là cho chăn nuôi, gia súc, gia cầm; mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn. Nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững…
Quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội về chủ trương hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiềm lực kinh tế của đất nước đạt được sau những năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin… và những thành tựu đạt được trong 10 năm qua của NHCSXH là những cơ hội to lớn đối với NHCSXH trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, NHCSXH đang phải đối mặt với nhiều thách thức do các đối tượng phục vụ chủ yếu là những người nghèo, vùng nghèo, món vay nhỏ lẻ, chi phí và độ rủi ro cao. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến xu hướng giảm dần nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước hoặc giảm dần mức độ ưu đãi; trong khi nhu cầu vốn để giảm nghèo nhanh và bền vững là rất lớn, nhất là khi chuẩn nghèo của nước ta vẫn còn thấp so với chuẩn nghèo quốc tế. Lạm phát cũng đang tác động tiêu cực đến đời sống của người nghèo và đến nguồn vốn của NHCSXH. Thực tế đó cùng với những khó khăn và tồn tại của NHCSXH là những thách thức mà NHCSXH phải vượt qua.
Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 852/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm phát triển NHCSXH theo hướng ổn định bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong lộ trình đến 2020, NHCSXH triển khai thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển nhằm xây dựng NHCSXH theo hướng ổn định bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Một số mục tiêu cụ thể là: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3% tổng dư nợ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông - lâm - ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Định hướng hoạt động NHCSXH đến năm 2020 như sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách phục vụ hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác theo quy định của Nhà nước. Ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn.
Hai là, tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động nghiệp vụ; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ba là, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, điều hành ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện theo hướng tập trung sự quản lý thống nhất ở Trung ương, tinh giản các khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại các Điểm giao dịch lưu động ở xã, phường. Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp. Nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, có sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã. Xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ độc lập, thống nhất về tổ chức và hoạt động.
Bốn là, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm” nhằm hình thành nguồn vốn ổn định, bền vững để chủ động đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hoàn thiện cơ chế khoán tài chính ổn định trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, viên chức và người lao động yên tâm gắn bó với ngành.
Năm là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ NHCSXH; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm ủy thác, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát, phát hiện, phòng ngừa rủi ro, tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Chặng đường phía trước còn hết sức gian nan nhưng là thời kỳ để NHCSXH tiếp tục khẳng định, nâng cao uy tín, vị thế và phát triển vững mạnh. Là một ngân hàng đặc thù, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành; bằng sự nỗ lực quyết tâm của mình cộng với sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương, NHCSXH sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngân hàng, các Bộ ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và hàng triệu hộ nghèo, đối tượng chính sách khác đã dành sự tin yêu cho NHCSXH.
Tập thể Ban lãnh đạo và hơn 9.000 cán bộ viên chức và người lao động toàn hệ thống xin bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam, các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cô, các chú, các anh, chị cán bộ NHCSXH qua các thời kỳ đã tích cực phấn đấu, đóng góp công sức để tạo dựng những kết quả và hình ảnh NHCSXH như ngày hôm nay. NHCSXH cũng xin được trân trọng cảm ơn các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đơn vị thực hiện dịch vụ ủy thác đã phối hợp, cộng tác có hiệu quả với NHCSXH trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
BBT
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
- » Nguồn vốn cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo
- » Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm xây dựng và phát triển
- » Trên 332 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn
- » Dấu ấn Cuộc thi: Hành trình tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội
- » NHCSXH ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
- » Phú Yên có gần 48.360 hộ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong 10 năm qua
- » PHÚ THỌ: Có 54.163 hộ thoát nghèo trong 10 năm qua