Tín dụng chính sách vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
Luật Tổ chức tín dụng năm 1997 quy định: “Phát triển các Ngân hàng Chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Đồng thời, quy định có chính sách tín dụng đối với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Các khoản tín dụng chính sách là các khoản cho vay chỉ định để hỗ trợ các chính sách kinh tế, an sinh xã hội hoặc một lĩnh vực ưu tiên cụ thể. Đây là việc cho vay phi thương mại, không đáp ứng các tiêu chí thương mại nhưng lại có tác động xã hội và chính trị quan trọng trong từng thời kỳ của mỗi quốc gia.
Sau 10 năm hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã tiếp nhận và thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách với quy mô ngày càng mở rộng, đáp ứng mục tiêu tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo thông qua giải pháp về tín dụng, nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Hoạt động tín dụng của NHCSXH trong 10 năm qua không ngừng tăng trưởng về quy mô và cải thiện về chất lượng. Từ chỗ tiếp nhận và triển khai 03 chương trình tín dụng chính sách (khi nhận bàn giao năm 2003), đến nay, NHCSXH đã được Chính phủ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng giao nhiệm vụ cũng như ủy thác vốn thực hiện 14 chương trình sử dụng vốn trong nước, 4 chương trình, dự án sử dụng vốn ủy thác của nước ngoài. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, dự án của các địa phương, các tổ chức và cá nhân ủy thác cho NHCSXH thực hiện.
Nguồn vốn được Chính phủ giao cũng như nguồn vốn nhận ủy thác của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được NHCSXH giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng với hệ số sử dụng vốn bình quân hàng năm đạt trên 97%. Tiền vốn được giải ngân trực tiếp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ngay tại xã, không qua cầu cấp trung gian, trước sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, của chính quyền và nhân dân, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
Trong 10 năm (2003 - 2012), đã có trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với doanh số cho vay trên 210.000 tỷ đồng; dư nợ bình quân một hộ tăng 6,4 lần (từ 2,5 triệu đồng năm 2003 lên 16 triệu đồng năm 2012); góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 88 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động… Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5% đến 2%, đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo tiêu chí mới năm 2012 xuống còn 10%.
Với đặc thù cấp tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, vì vậy, thị phần tín dụng của NHCSXH chủ yếu tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn… những nơi có tỷ lệ hộ nghèo đói cao, điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển. Ở những khu vực này, tín dụng chính sách bình quân chiếm hơn 50% hoạt động tín dụng trên địa bàn và tại các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này còn chiếm trên 80%, đóng góp quan trọng vào đầu tư phát triển kinh tế xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng trên cả nước.
Đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng, tăng 106.899 tỷ đồng (tăng gấp 16 lần) so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,8%/năm với trên 7 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Dư nợ tập trung chủ yếu vào 6 chương trình lớn: Cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh chiếm 36,5%, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm 31,4%, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm 11,3%, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 9,3%, cho vay giải quyết việc làm chiếm 5,0%, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở chiếm 3,4%. Dư nợ cho vay đối tượng là người nghèo, hộ nghèo thuộc các chương trình tín dụng chiếm 52,7%/tổng dư nợ, cho vay các đối tượng chính sách khác chiếm 47,3%.
Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ quá hạn và nợ khoanh) giảm dần từ 13,75% khi nhận bàn giao (đầu năm 2003) xuống còn 1,23% (cuối năm 2012).
Tín dụng chính sách đầu tư cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh đến mục đích tiêu dùng nhằm cải thiện, nâng cao điều kiện sống, cụ thể: Hỗ trợ vốn để sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hộ cá thể); hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập (khôi phục làng nghề, đầu tư mở rộng nhà xưởng, thu hút thêm lao động mới, hỗ trợ kinh phí cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hỗ trợ vốn cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt (xóa nhà tranh tre dột nát, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh, xây dựng chòi tránh lũ, làm đường điện thắp sáng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn…); hỗ trợ vốn học tập đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thông qua Dự án phát triển ngành lâm nghiệp; hỗ trợ vốn cho người tàn tật, người sống chung với đối tượng sau cai nghiện, đối tượng có HIV, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với lãi suất 0% nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền… Các chương trình tín dụng NHCSXH đang thực hiện cơ bản gắn liền với các chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, đã trực tiếp đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Với đặc thù khách hàng chủ yếu là hộ nghèo, đối tượng chính sách, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện địa lý, điều kiện phát triển kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, chưa được chú trọng đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng thương mại, chưa phát triển mạnh kinh tế hàng hóa, thị trường, khả năng tiếp cận với dịch vụ tài chính - ngân hàng còn nhiều hạn chế… khả năng hấp thụ, sử dụng vốn còn nhiều bất cập, món vay nhỏ lẻ trong khi đối tượng nhiều, ở rải rác nhiều nơi… Vì vậy, điều quan trọng không chỉ là đem vốn đến tận tay hộ nghèo, đối tượng chính sách mà còn phải hướng dẫn việc sử dụng vốn sao cho đúng mục đích và đạt hiệu quả nhất định, đảm bảo người vay có nguồn thu để tích lũy trả nợ ngân hàng và vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phải quản lý, bảo tồn và phát triển vốn do Nhà nước và các chủ đầu tư giao cho NHCSXH quản lý.
Trong 10 năm qua, với phương thức quản lý tín dụng thông qua việc ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên), hình thành trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, việc gắn kết giữa hoạt động cấp tín dụng với hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, định hướng thị trường, làm quen với kinh tế hàng hóa và các dịch vụ tài chính ngân hàng cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đã từng bước được hình thành, tạo nên hiệu quả bước đầu khả quan. Đây là điểm khác biệt lớn giữa tín dụng thị trường do các Ngân hàng Thương mại thực hiện so với tín dụng NHCSXH đang triển khai.
Có được những kết quả trong 10 năm qua, NHCSXH đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, các quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt kết quả tốt, trở thành công cụ tài chính hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên mọi miền đất nước; là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo để tiến tới làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Với những bước phát triển nhanh, vững chắc trong 10 năm qua, hoạt động tín dụng của NHCSXH đã thực sự là một công cụ kinh tế hữu hiệu thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
BBT
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo
- » Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm xây dựng và phát triển
- » Trên 332 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn
- » Dấu ấn Cuộc thi: Hành trình tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội
- » NHCSXH ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
- » Phú Yên có gần 48.360 hộ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong 10 năm qua
- » PHÚ THỌ: Có 54.163 hộ thoát nghèo trong 10 năm qua
- » Không dàn đều chính sách hỗ trợ giảm nghèo