Nguồn vốn cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo

14/04/2013
(VBSP News) Một trong năm mục tiêu ban đầu được xác định khi thành lập NHCSXH là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước vào một đầu mối thống nhất, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội.

Untitled-23600

Trải qua 10 năm hoạt động, từ chỗ nhận bàn giao nguồn vốn 7.105 tỷ đồng, đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn của NHCSXH đã đạt 120.483 tỷ đồng, tăng 113.378 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm đạt 33,3%, trong đó vốn tín dụng đạt 115.890 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng nguồn vốn, có 20,5% là vốn được ngân sách Trung ương cấp (cấp vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, cấp vốn cho các chương trình tín dụng 13.760 tỷ đồng); 28% là vốn vay NHNN, Kho bạc Nhà nước; 45% là vốn huy động trên thị trường; 3,3% vốn nhận ủy thác của chính quyền 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã đặc biệt quan tâm, có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho NHCSXH với phương châm “Nhà nước - Doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, đã huy động được nguồn lực khá lớn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. 

Trong giai đoạn 2003 - 2010, ngoài việc cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Nhà nước còn cấp bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số vốn điều lệ của NHCSXH lên 10.000 tỷ đồng; đồng thời, hàng năm, bố trí vốn thực hiện các chương trình tín dụng chỉ định (giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…) đến nay được 13.760 tỷ đồng. 

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN cho vay tái cấp vốn, Kho bạc Nhà nước cho tạm ứng tồn ngân, các tổ chức tín dụng Nhà nước và tổ chức tín dụng cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối duy trì 2% số dư tiền gửi bằng VND tại NHCSXH, cho phép NHCSXH phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cấp bù để NHCSXH huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên thị trường kể cả những món huy động nhỏ lẻ từ thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là người nghèo và các đối tượng chính sách. 

Với định hướng mang tính “xã hội hóa” nguồn vốn hoạt động của NHCSXH, trong 10 năm qua, HĐQT và Bộ máy điều hành tác nghiệp đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà đầu tư, triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức. Qua đó, huy động đủ nguồn lực để thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm, tạo điều kiện cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng với chính sách ưu đãi, góp phần đắc lực vào thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. 

Kết quả trong công tác tạo lập nguồn vốn thời gian qua là to lớn, khẳng định mục tiêu tập trung các nguồn lực vào một đầu mối để tạo bước đột phá trong triển khai và nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng xóa đói, giảm nghèo là đúng đắn và phù hợp. Kết quả cũng khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của cả hệ thống chính trị cũng như những nỗ lực vượt bậc của NHCSXH trong việc tìm kiếm, huy động nguồn vốn để triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ. 

Mặc dù vậy, cơ cấu tạo lập nguồn vốn chưa có tính ổn định lâu dài, cơ cấu vốn chưa hợp lý. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu được tập trung để cho vay trung và dài hạn (dư nợ trung và dài hạn chiếm trên 90%/tổng dư nợ); tuy nhiên, nguồn vốn cho vay hiện nay chủ yếu là vốn ngắn hạn, vốn tạm vay, tạm ứng và vốn huy động theo lãi suất thị trường (chiếm tới 70%/tổng nguồn vốn); nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỷ trọng thấp (chưa đến 20%) và có xu hướng giảm dần qua các năm; các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp gần như chưa tiếp cận được. Mặt khác, việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch hàng năm, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trong thời gian qua làm phát sinh nhu cầu vốn lớn trong khi nguồn lực, khả năng tài chính của Nhà nước và khả năng huy động vốn của NHCSXH có hạn nên luôn tạo căng thẳng về vốn, gây bị động cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như NHCSXH. 

Khó khăn và những thách thức trong hoạt động tạo vốn của NHCSXH thời gian tới sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ hơn và sự vào cuộc quyết liệt hơn của các đơn vị chức năng. Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn đến năm 2020 khẳng định “nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chủ yếu do Nhà nước cấp, do NHCSXH huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm “Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Theo đó: 

- Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. 

- Chính phủ ưu tiên cho NHCSXH được vay hoặc tạm ứng từ các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp hoặc không lãi trên cơ sở cân đối các nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA, nguồn viện trợ… đảm bảo NHCSXH hoạt động chủ động, ổn định. 

Bên cạnh đó, NHCSXH tiếp tục chủ động huy động tiền gửi, tiền vay (trong đó chú trọng kênh phát hành trái phiếu, nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng, nhận ủy thác vốn vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…). Với những giải pháp tổng thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tiếp tục cùng chăm lo cho người nghèo và đối tượng chính sách, thành quả của 10 năm hoạt động sẽ tiếp tục được phát huy và không ngừng phát triển, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, thực hiện thành công tín dụng chính sách cho mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. 

BBT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác