Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với NHCSXH

31/03/2023
(VBSP News) Ngày 31/3, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với NHCSXH nhằm đánh giá về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (CTMTQG). Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tiếp và làm việc với Tổ công tác.
image001

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết: Cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 03 CTMTQG, chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện là một cấu phần quan trọng trong các CTMTQG. Trong hai năm qua, NHCSXH tiếp tục tập trung nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng chính sách được tổ chức thực hiện có hiệu quả, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển và đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào DTTS.

image002

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại buổi làm việc

Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 30.602 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3%. Kết quả việc tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực để triển khai tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương đã chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến hết năm 2022 đạt 283 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại vùng DTTS&MN đạt 101 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%/tổng dư nợ, với trên 2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là hộ DTTS là 70 nghìn tỷ đồng, với trên 1,4 triệu khách hàng còn du nợ, chiếm 25%/tổng dư nợ; dư nợ bình quân 49 triệu đồng/01 hộ DTTS. Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt 255 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện CTMTQG về giảm nghèo bền vững đạt 123 nghìn tỷ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ, với hơn 2,9 triệu hộ đang còn dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt gần 31 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ, với hơn 593 nghìn hộ đang còn dư nợ.

image003

Quang cảnh buổi làm việc

Tổng doanh số cho vay trong hai năm 2021 - 2022 đạt 184.316 tỷ đồng với trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; qua đó góp phần giúp gần 160 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 1,5 triệu lao động, trên 107 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 86 nghìn máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây dựng trên 2,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; trên 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; gần 2 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động…

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm do một bộ phận không nhỏ người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đó đó, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2022 và 2023 trên toàn quốc rất lớn; Một số chương trình tín dụng có mức vay chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn…

Để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã góp phần thực hiện thành công các CTMTQG trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiến nghị Quốc hội nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản. Các Bộ chủ quản chương trình tín dụng kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay và bổ sung một số đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội phù hợp với thực tiễn.

Tổng Giám đốc NHCSXH cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó hằng năm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn cho vay góp phần thực hiện các CTMTQG. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận và đánh giá các chương trình tín dụng chính sách xã hội được tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS&MN; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và góp phần thực hiện hiệu quả các CTMTQG. Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Đối với những kiến nghị của NHCSXH, Tổ công tác sẽ báo cáo Đoàn giám sát Quốc hội để đôn đốc các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới.

PV

Các tin bài khác