Thành quả 20 năm hợp tác giữa NHCSXH và Viện nghiên cứu chính sách - Bộ Tài chính Nhật Bản

29/11/2022
(VBSP News) Để NHCSXH có được sự thành công như ngày hôm nay trước hết là nhờ vào sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội Chính phủ và Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ NHCSXH và sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức quốc tế ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Trong đó, phải kể đến mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững giữa NHCSXH với Viện nghiên cứu chính sách (PRI) - Bộ Tài chính Nhật Bản, Tổ chức tài chính hỗ trợ dân sinh Nhật Bản (nay đã đổi thành JFC-Micro) thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho NHCSXH giai đoạn 2003 - 2011.
anh1

Ông Daikichi Momma (bên trái), Nguyên Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách - Bộ Tài chính Nhật Bản đánh giá: “Hiệu quả, tác động của Dự án hợp tác kỹ thuật với NHCSXH sẽ được chúng tôi chia sẻ và nhân rộng tại các quốc gia khác”

Dự án hỗ trợ kỹ thuật với Nhật Bản được thực hiện với mục đích thông qua hợp tác kỹ thuật để cung cấp và truyền đạt cho đội ngũ cán bộ và lãnh đạo của NHCSXH những kinh nghiệm, kiến thức, bí quyết cần thiết và phương pháp thẩm định trong quá trình cho vay doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm về quản lý món vay, quản lý điều hành chi nhánh, giúp NHCSXH xây dựng Bộ tài liệu phân tích tín dụng và đào tạo “Tiểu giáo viên” cho các Giám đốc Phòng giao dịch về cách sử dụng Bộ tài liệu phân tích tín dụng thông qua các cuộc hội thảo tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản.
Ngay sau khi Chính phủ đồng ý cho tiếp nhận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của KFW để thực hiện thí điểm cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nhờ những kinh nghiệm, bài học quý giá từ Dự án hỗ trợ kỹ thuật với Nhật Bản đã được NHCSXH áp dụng một cách hiệu quả vào một số chương trình: cho vay giải quyết việc làm, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại vùng khó khăn. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tăng trưởng từ 4.598 tỷ đồng năm 2010 lên 54.073 tỷ đồng đến hết ngày 30/9/2022, và trở thành một trong những chương trình tín dụng có dư nợ lớn của NHCSXH.
Cụ thể, từ tháng 6/2003 - 6/2005, dự án hợp tác kỹ thuật triển khai giai đoạn I, PRI hợp tác với JFC-Micro đã tổ chức các hội thảo để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm về phân tích tín dụng doanh nghiệp nhỏ cho các lãnh đạo, cán bộ tại Hội sở chính NHCSXH; các Giám đốc, Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ của chi nhánh NHCSXH tỉnh. Từ tháng 2/2006 - 5/2008, dự án chuyển qua giai đoạn II, PRI và JFC-Micro giảng dạy “Tài liệu phân tích tín dụng” thông qua các hội thảo và truyền kinh nghiệm về quản lý các khoản vay của các doanh nghiệp mới thành lập dành cho lãnh đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.
Mặt khác, theo yêu cầu nguồn nhân lực phù hợp với quy mô hoạt động và được HĐQT phê duyệt hàng năm, NHCSXH đã tuyển dụng rất nhiều cán bộ mới. Để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trong hệ thống NHCSXH, việc thẩm định tín dụng là hết sức cần thiết. Điều đó đồng nghĩa cần nâng cao kiến thức, kỹ năng thẩm định tín dụng cho cán bộ mới tuyển dụng và cán bộ tín dụng trong hệ thống NHCSXH. Vì vậy, NHCSXH và NHNN đã đề nghị PRI và JFC-micro chuyển giao công nghệ về xây dựng tài liệu đào tạo và đào tạo tiểu giáo viên về các phương pháp thẩm định tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ. PRI và JFC đã chấp thuận và bổ sung thêm Dự án hợp tác giai đoạn 2009 - 2011.
Qua 3 giai đoạn triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Phía Nhật Bản đã hợp tác với NHCSXH tổ chức 4 đợt hội thảo ở Việt Nam từ năm 2003 - 2007 cho 510 lượt cán bộ của NHCSXH, gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh NHCSXH tỉnh, Trưởng phòng và Phó phòng tín dụng và kế hoạch nghiệp vụ của chi nhánh NHCSXH tỉnh, 260 Giám đốc Phòng giao dịch cấp huyện trên toàn quốc và các cán bộ khác ở Hội sở chính NHCSXH. Tổ chức 5 đợt khảo sát và học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản cho 64 đại biểu của NHCSXH bao gồm Ban Tổng Giám đốc, 46 giám đốc chi nhánh và một số cán bộ nguồn của Hội sở chính. Đến tháng 2/2006, với sự giúp đỡ của phía đối tác Nhật Bản, NHCSXH đã hoàn thiện “Bộ tài liệu phân tích tín dụng” - Tài liệu đào tạo cơ bản sử dụng cho chương trình cho vay tạo việc làm cũng như chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (nguồn vốn vay từ KfW) của NHCSXH.
Hiện nay, bộ tài liệu phân tích tín dụng vẫn được các cán bộ tín dụng NHCSXH vận dụng để điều tra, phân tích tín dụng trong hoạt động cho vay nói chung, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm… Một số chi nhánh đã áp dụng một phần phiếu thẩm định trong bộ tài liệu để bổ sung thêm vào quy trình thẩm định cho vay của NHCSXH. Kỹ năng thẩm định, kinh nghiệm đánh giá, phân tích tín dụng đối với các chương trình cho vay nói chung và chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay giải quyết việc làm nói riêng của các cán bộ được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là cán bộ mới tuyển dụng. Qua đó, chất lượng tín dụng đã được cải thiện, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của NHCSXH đã giảm mạnh và giữ ổn định trong vài năm trở lại đây ở mức dưới 0,8% tính trên tổng dư nợ.

Anh bai 2

Hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa PRI, JFC-micro và NHCSXH đã thực sự đưa lại những kết quả tích cực cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH

Đến 31/10/2022, tổng  nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 293.470 tỷ đồng, tăng 286.365 tỷ đồng  (gấp 41,3 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,3%. Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình  vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 140 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8  triệu HSSV được vay vốn đi học, giúp mua gần 82 nghìn máy tính,  thiết bị học trực tuyến cho HSSV, xây dựng gần 16,8 triệu công trình  nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 728 nghìn căn nhà cho  người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 28,4 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị  ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Giai đoạn 2001 – 2005 giảm từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,88% xuống 2,23%.
Nguyên Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế (JFC-Micro) Hisao Daito chia sẻ: “Qua các buổi hội thảo và làm việc với NHCSXH, chúng tôi hiểu biết thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tình và tận tâm của cán bộ NHCSXH khi họ tiếp thu những kiến thức và kinh nghiệm mà chúng tôi truyền đạt. Cá nhân tôi đã coi mình là một thành viên của NHCSXH khi tôi có cơ hội cùng ngân hàng soạn thảo “Bộ tài liệu phân tích tín dụng” vào năm 2005. Thành công của dự án ngày hôm nay là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong những năm tháng đó”.

PV

Các tin bài khác