Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có đến 7 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân), trước đây, bà con nông dân, nhất là người nghèo, đồng bào DTTS ở vùng cao chỉ quen với tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, ngại ngần cả việc vay mượn tiền vốn, cho dù đó là vốn vay của Chính phủ có lãi suất ưu đãi và còn không biết áp dụng KHKT vào sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, được chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương và NHCSXH tuyên truyền, hướng dẫn, người dân đã mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay vào phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc quản lý rừng, khôi phục ngành nghề truyền thống… Nhờ đó, đã thoát dần cảnh nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt 7.190 tỷ đồng, tăng 199 tỷ đồng sơ với đầu năm với trên 300.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo đạt 2.418 tỷ đồng với trên 109.000 khách hàng còn dư nợ; hộ cận nghèo 1.483 tỷ đồng với trên 57.000 khách hàng còn dư nợ; HSSV 1.036 tỷ đồng với gần 47.000 khách hàng còn dư nợ; NS&VSMTNT 816 tỷ đồng với gần 86.000 khách hàng còn dư nợ…
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư cho vay 1.207 tỷ đồng tại 117 xã điểm (bình quân mỗi xã được đầu tư 11 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng khá đầy đủ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS vùng sâu, vùng xa; xóa thôn, bản “trắng” về tín dụng chính sách, góp phần vào giảm nghèo nhanh và bền vững.
Một mùa xuân mới đang về. Mùa xuân của no ấm, tràn đầy sức sống. Phóng viên KHÁNH PHƯƠNG xin trân trọng giới thiệu tới quý vị một số hình ảnh về đời sống của đồng bào các dân tộc ở xứ Thanh khi được tiếp sức bởi nguồn vốn chính sách ưu đãi, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.