Sau hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước Việt Nam tạm thời chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm giới tuyến. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn nằm dưới sự cai trị của Mỹ - Ngụy.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quyết định thành lập tổ chức chuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn thực hiện chủ trương chi viện tất cả cho chiến trường miền Nam. Tháng 6/1959, đồng chí Võ Bẩm, vào tham gia cuộc họp quan trọng ở Hồ Xá, Vĩnh Linh quyết định khảo sát mở tuyến đường Trường Sơn với điểm khởi đầu là Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh.
Từ điểm khởi công Khe Hó và liên tục được phát triển trong suốt cuộc kháng chiến, đường Trường Sơn với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn, qua các trọng điểm nổi tiếng: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, Xiêng Phan… Đường giao liên bộ dài hơn 3.000km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam bộ. Đường gùi thồ chủ yếu dựa vào đường giao liên bộ, có cải tạo để phù hợp với phương tiện gùi thồ. Đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, được xây dựng vào tháng 6/1968 từ Khe Hó đến Lộc Ninh, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn, 113 trạm bơm đẩy và cấp phát.
Đường thủy lợi dụng các đoạn sông Xê Băng Hiêng, Xê Công, Mê Kông… để thả gạo, xăng theo dòng chảy hoặc vận chuyển hai chiều bằng ca nô, thuyền gắn máy. Dọc tuyến đường còn có hệ thống bảo đảm kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y, hệ thống thông tin liên lạc với gần 1.350km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến dây bọc.
Chỉ bằng những phương thức thô sơ dùng sức người là chính, với phương châm “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng,” trong quá trình xây dựng đường Trường Sơn, Đoàn 559 đã đào đắp khoảng 21 triệu m3 đất đá để làm đường, lấp hố bom bằng cả sức người và phương tiện cơ giới, làm 13.418m cầu, hơn 10.000 cống với 9.520 triệu ngày công. Trong 16 năm liên tục đó, lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại.
Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích.
Quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bao gồm bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc và nhân dân nước bạn, với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 01 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự. Để có thành công đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 3 vạn người bị thương; 14.500 xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy.
Chia sẻ với báo chí, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (tiền thân là Đoàn 559) cho biết, Tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có một vai trò và ý nghĩa chiến lược rất đặc biệt. Với tuyến đường này, miền Bắc đã chi viện đảm bảo lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho các chiến trường đầy đủ. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968; Chiến dịch Khe Sanh - Hướng Hóa; Chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm tại Quảng Trị; Bẻ gãy chiến dịch Lam Sơn 719 tại chiến trường Đường 9 - Nam Lào của kẻ địch; Chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh đổ Ngụy quyền, thống nhất đất nước… Tuyến chi viện đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược tài tình chứng minh sức mạnh nội lực ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Đây là con đường của lòng người, của sức mạnh tổng hợp vô địch của chiến tranh nhân dân thể hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Còn với ông Trần Văn Phú (sinh năm 1949), ở TP Bắc Giang (Bắc Giang) nôn nao nhớ về năm tháng ở chiến trường và ngày đất nước thống nhất. Lúc tòng quân, ông Phú mới 17 tuổi. Năm 1970, ông xung phong vào đường Trường Sơn và được biên chế tại Đại đội 10, Binh trạm 33 (Đoàn 559), đơn vị có nhiệm vụ chuyển vũ khí, quân lương từ tỉnh Quảng Bình vào chiến trường miền Nam và khi quay ra thì chở thương binh. Ông Phú kể: “Tháng 10/1974, khi chuyển hàng từ Binh trạm 33 vào Quân khu 9, tôi ngồi cùng ca bin với chiến sĩ Nguyễn Văn Xanh quê ở tỉnh Thanh Hóa. Xe đi được nửa đường thì đồng chí Xanh bị sốt rét. Chúng tôi có thuốc nhưng nước trong bi đông đã hết, suối thì ở xa. Không còn cách nào khác, tôi cho dừng xe, dùng ăng - gô hứng từng giọt nước làm mát máy từ két ô tô rồi thổi nguội để cho đồng đội uống. Những giọt nước hiếm hoi cùng với vài viên thuốc mang theo đã giúp đồng chí Xanh vượt qua cơn sốt rét”.
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh - một kỳ tích của quân đội nhân dân Việt Nam ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; một “con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách một dân tộc anh hùng”; là tuyến đường huyền thoại, bởi đây không chỉ là một tuyến chi viện chiến lược quy mô lớn mà còn là một chiến trường thực sự, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa một bên là toàn dân tộc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu với một bên là đế quốc Mỹ giàu có hùng mạnh. Sự phát triển của tuyến đường trong cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành nỗi khiếp sợ của Mỹ, Ngụy, đến nỗi các chuyên gia quân sự Mỹ đã phải gọi đây là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.
Nguồn Báo LĐ&XH