Đường mòn Trường Sơn, một kỳ tích của dân tộc

14/05/2019
(VBSP News) “Đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, một kỳ tích của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến công của Mặt trận đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta”.
Đường Trường Sơn năm xưa Ảnh tư liệu

Đường Trường Sơn năm xưa
                                                                                                                                             Ảnh tư liệu

Đường mòn Trường Sơn không chỉ là chiến công về mặt quân sự mà chiến công đó còn tạo ra một bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Chiến công đó luôn là tấm gương sáng giáo dục lòng yêu nước, đạo đức cách mạng, truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập, phát huy, vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường mòn Trường Sơn năm xưa

“Ðường mòn Hồ Chí Minh” là cái tên mà đối phương dùng để gọi tuyến vận tải bí mật đầu tiên của chúng ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam bắt đầu hình thành từ tháng 5/1959. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) Quân đội Nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này.

Quá trình hình thành, phát triển của Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn gắn liền với những chiến công vĩ đại thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí “dời non, lấp biển” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa non sông thu về một mối.

Trải qua 16 năm (1959 - 1975), tuyến hành lang 559 thời kỳ này được gọi là Ðường Trường Sơn mang tên Bác với điểm bắt đầu từ km số 0 thuộc thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã xuyên cánh rừng già, phát triển thành một mạng lưới đường với 5 trục dọc Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài gần 20.000km nối liền hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường miền Nam. Ngoài ra, còn có tuyến đường sông với 500km, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 1.400km.

Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyển trên 1,5 triệu tấn hàng hóa, 5,5 triệu tấn xăng dầu và đảm bảo hơn 1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và hàng trăm ngàn lượt cán bộ, thương binh từ chiến trường trở về hậu phương miền Bắc. Các chiến sĩ Trường Sơn đã tham gia hàng ngàn trận đánh, tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng khoảng 30 nghìn quân địch, bắn rơi hơn 2 nghìn chiếc máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

Đường Hồ Chí Minh ngày nay

Theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, đường Hồ Chí Minh sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao tốc với tám làn xe. Đối với những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch lưới giao thông đường bộ.

Đường Hồ Chí Minh ngày nay Ảnh tư liệu

Đường Hồ Chí Minh ngày nay
                                                                                                                                        Ảnh tư liệu

Như vậy, triển vọng về một đại lộ Hồ Chí Minh to đẹp, đàng hoàng đang được tiếp tục triển khai kéo dài từ cực Bắc (Cao Bằng) đến cực Nam (Mũi Cà Mau) tổ quốc.

Cách nay 36 năm, vào năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có ý tưởng mở rộng, kéo đường Trường Sơn. Trong tầm mắt của Tổng Bí thư, con đường này sẽ đi suốt chiều dài đất nước và mở chiều rộng ra ba nước Đông Dương. Và hơn 20 năm sau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng không có quốc gia nào có một trục đường xuyên quốc gia độc đạo như ở Việt Nam. Vì vậy, đường Trường Sơn công nghiệp hóa là trục đường xuyên quốc gia thứ hai hỗ trợ quốc lộ 1A để giải quyết vấn nạn lũ lụt gây ách tắc giao thông mùa mưa, giúp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng phía Tây tổ quốc.

Tháng 05/4/2000, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Bác tại cầu Xuân Sơn (Quảng Bình), bắt đầu mở ra một huyền thoại mới cho đường Trường Sơn lịch sử. Ngày 03/2/2004, tại kỳ họp thứ 6 khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km). Đường sẽ có quy mô 2 - 8 làn xe, tùy thuộc địa hình, quy hoạch phát triển từng vùng.

Những ngày cuối tháng 04/2008, người dân cả nước háo hức đón mừng đường Hồ Chí Minh được hoàn thành giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) và khai thông một trục dọc Bắc - Nam mới, mở ra một giai đoạn phát triển, một kỳ tích mới của đường Trường Sơn năm xưa nói riêng và của cả đất nước nói chung.

Với vị tư lệnh đường Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, con đường Trường Sơn đã là máu thịt trong cơ thể ông. Ông đã gắn bó và đi theo con đường đó suốt chiều dài cuộc chiến. Chính vì lẽ đó nên dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn được Trung ương chọn làm đặc phái viên của Thủ tướng chỉ đạo xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từng nói: “Mở tuyến đường Trường Sơn để thực thi nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Binh chủng công binh, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, kiên cường trong bom cày đạn xới, mưa nguồn thác lũ tập trung sức lực trí tuệ xây dựng nên 1 mạng lưới giao thông đa dạng, đồng bộ, liên hoàn…”.

Nguồn tư liệu

Các tin bài khác