“Hơi thở” của Chỉ thị số 40 nhìn từ thành phố đáng sống (Bài 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc)
Trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện 28 chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH), tăng 13 chương trình so với năm 2014, với tổng doanh số cho vay trên 11.000 tỷ đồng, với trên 255 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đà Nẵng trong công tác thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn.
Triển khai kịp thời chủ trương lớn của Đảng
Đến 31/10/2024, Đà Nẵng đã ghi nhận tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH thực hiện trên 5.114 tỷ đồng, tăng 3.897 tỷ đồng so năm 2014, với 85.772 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng các chương trình tín dụng CSXH luôn bảo đảm và ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn 0,02%/tổng dư nợ.
Đây là thành quả chung của cả hệ thống chính trị thành phố đối với công tác thực hiện Chỉ thị 40 trong suốt thời gian qua. Khi nói về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và ban hành kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai Chỉ thị 40.
Đà Nẵng xác định tín dụng CSXH là trụ cột trong công tác giảm nghèo. Do đó, Chỉ thị 40 trở thành kim chỉ nam để Đà Nẵng thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững. Ông Vĩnh cho rằng, hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Thành uỷ đã chỉ đạo UBND các cấp quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thường xuyên chỉ đạo tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn.
Sự vào cuộc quyết liệt của Thành uỷ Đà Nẵng ngay từ ngày đầu Chỉ thị 40 ra đời đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của tín dụng CSXH đối với đời sống xã hội.
Từ đó, Đà Nẵng tập trung được nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn lực. Các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo và tạo việc làm được chú trọng nhân rộng. Kịp thời rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân vốn kịp thời, đúng quy định.
Ông Vĩnh phân tích thêm, yếu tố mang lại sự thành công của Đà Nẵng trong việc đưa “chủ trương lớn” của Đảng đi vào cuộc sống là đội ngũ cán bộ, người lao động làm việc trực tiếp trong công tác “chuyển vốn” đóng vai trò rất quan trọng. Qua đó, xác định được mục tiêu cần thực hiện, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thành phố thực hiện đầy đủ nội dung được ủy thác, chú trọng hướng dẫn người nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH và các chương trình về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.Đặc biệt, NHCSXH TP. Đà Nẵng tập trung củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng tín dụng; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch phường, xã. Kịp thời đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng CSXH, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, gia đình chính sách.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Đà Nẵng thu hút ngày càng nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế, tạo việc thêm làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững. Nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH TP. Đà Nẵng từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đạt trên 2.163 tỷ đồng, lũy kế tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đến nay hơn 2.254 tỷ đồng.
Ông Vĩnh nhấn mạnh, Đà Nẵng là địa phương có tỷ trọng vốn cân đối từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH có tỷ lệ cao của cả nước, chiếm tỷ trọng 43% tổng nguồn vốn. Nhờ đó, quy mô các chương trình tín dụng CSXH ngày càng được mở rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và đối tượng chính sách.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng CSXH. Trên cơ sở đó, Thành ủy Đà Nẵng đưa hoạt động tín dụng CSXH thành nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm…, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng.
UBMTTQ TP. Đà Nẵng, một trong những đơn vị nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Chỉ thị 40. Những năm qua, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân. Nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác. Qua đó, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.
Trong quá trình phối hợp, UBMTTQ các cấp tập trung huy động nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH TP. Đà Nẵng để thực hiện cho vay, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đảm bảo an sinh xã hội.
Tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, đại diện UBMTTQ TP. Đà Nẵng chia sẻ, riêng năm 2023, đơn vị huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để gửi tại NHCSXH hơn 11,6 tỷ đồng để tạo nguồn vốn cho các đối tượng chính sách khác được tiếp cận.
Có thể thấy, tín dụng CSXH tạo ra sinh kế, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội…
Các tổ chức thành viên của UBMTTQ như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã đóng vai chủ lực trong việc nhận ủy thác. Các đơn vị kịp thời vào cuộc cùng NHCSXH, đưa vốn vay đến với hộ gia đình khó khăn, có nhu cầu vốn cấp bách.
Điển hình như, Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng, nhận thức rõ về tầm quan trọng đối với tín dụng CSXH trong công tác giảm nghèo, suốt 22 năm đồng hành NHCSXH và 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, Hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng Trương Chí Lăng cho hay, Hội thường xuyên quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, văn bản của Thành ủy, UBND và NHCSXH thành phố đến cán bộ, hội viên. Hàng năm, đều có Nghị quyết nhiệm vụ công tác, trong đó có nội dung thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn vốn nhận ủy thác từ NHCSXH, định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cùng đó, đơn vị phát động, ký kết thi đua, giao chỉ tiêu cụ thể công tác quản lý nguồn vốn, cho vay từ các chương trình, thu nợ, thu lãi, vận động gửi tiết kiệm, thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn ngay từ đầu năm để các đơn vị phấn đấu đạt chỉ tiêu tốt nhất. Đến 30/10/2024 tổng dư nợ do Hội quản lý hơn 1.201 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 23,48% trên tổng dư nợ ủy thác toàn thành phố, với số hộ vay hơn 19.259 hộ.
Ông Lăng cho rằng, đạt được kết quả khả quan đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH kịp thời tiến hành công tác xử lý nợ đến hạn, quá hạn, rủi ro… nên quản lý tốt hộ vay và chất lượng tín dụng ngày được nâng cao…
Cùng với cấp trên, lực lượng cán bộ ở cơ sở cũng phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát, chủ động phối hợp với đơn vị liên quan để xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn trong thực thi chủ trương, chính sách của Đảng.
Ông Huỳnh Đức Long, Bí thư chi bộ số 7 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho hay, ngay sau khi tiếp thu chỉ đạo về triển khai thực hiện Chỉ thị 40, Chi bộ tổ chức quán triệt và chuyển hoá bằng những việc cụ thể. Cạnh đó, thực hiện giám sát hoạt động tín dụng CSXH đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách, không để xảy ra tình trạng người đủ điều kiện không được tiếp cận vốn vay ưu đãi, cho vay sai đối tượng…
Đồng thời, thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách tại khu dân cư. Trong đó, xác định Tổ trưởng dân phố là cánh tay nối dài của Chủ tịch UBND phường trong việc giám sát chuyển tải vốn vay đến cơ sở đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.
“Đặc biệt, công tác họp bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng và công bằng, dân chủ, công khai; nắm bắt hiện trạng số hộ trong tổ đã vay vốn, hộ vay thuộc Tổ TK&VV nào, hộ vay mới, hộ thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay… để có ý kiến trong cuộc họp bình xét cho vay. Theo dõi, kiểm tra hoạt động của Tổ TK&VV, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi tham ô, chiếm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH tại cơ sở” – ông Long nói.
Bài và ảnh Công Thái
Các tin bài khác
- » Bài 3: Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
- » Bài 2: Khi mỗi người dân đều là “trợ công” triển khai chính sách
- » Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách