Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Chặng đường 20 năm

01/04/2013
(VBSP News) 20 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) đã đóng góp tích cực vào lịch sử hơn 60 năm ngành Ngân hàng Việt Nam. Nơi đây đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm tập hợp sức mạnh công nhân viên chức lao động, là mái nhà chung của người lao động ngành Ngân hàng. Nhân dịp Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2013 - 2018, cũng là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập CĐNHVN, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đồng Tiến - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), Chủ tịch CĐNHVN.
Cong-doan-Ngan-hang-Viet-Na

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến - Chủ tịch CĐNHVN trao tặng sổ tiết kiệm cho thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh

Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết những dấu ấn CĐNHVN đã tạo được trong chặng đường 20 năm đã qua?

Trả lời: CĐNHVN chính thức được thành lập ngày 01/4/1993, theo Quyết định số 480/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN). Việc thành lập CĐNHVN là một bước tiến mang tính lịch sử, đưa hoạt động CĐ tập trung một mối, phát huy tối đa sức mạnh của đoàn viên, người lao động ngân hàng trên phạm vi cả nước.

Qua 4 kỳ Đại hội, được sự chỉ đạo sát sao của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Ban Cán sự Đảng và Ban Lãnh đạo NHNNVN, CĐNHVN đã từng bước đổi mới phương pháp hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Ngành và của đất nước. Từ đó, CĐNHVN thực sự là một tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động ngành Ngân hàng, góp phần thúc đẩy năng suất lao động, xây dựng ngành Ngân hàng ngày càng phát triển bền vững.

Mỗi nhiệm kỳ hoạt động, CĐNHVN đã có những dấu ấn riêng.

Nhiệm kỳ I (1993 - 1998) là thời kỳ đặt nền móng cho hoạt động của CĐ Ngành. Qua 3 năm đầu thành lập, CĐNHVN đã chuyển đổi sang mô hình tổ chức mới là: CĐNHVN - CĐ chuyên ngành (các CĐCS thuộc chuyên ngành) và CĐCS trực thuộc CĐNHVN. Với mô hình tổ chức này, CĐNHVN đã tập trung được tối ưu sự quản lý và phát huy tính hệ thống của các đơn vị, phối hợp chặt chẽ giữa CĐ - chuyên môn và sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới cơ sở.

Bước sang nhiệm kỳ II (1998 - 2003), CĐNHVN đã từng bước thể hiện rõ vai trò đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trong Ngành. Đây là nhiệm kỳ mà các phong trào thi đua được phát động vô cùng sôi nổi và gặt hái được nhiều thành quả, như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phụ nữ “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”…

Đặc biệt, được sự đồng ý của TLĐLĐVN, CĐNHVN đã triển khai thí điểm mô hình Đại diện CĐNHVN trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố trong cả nước, lấy CĐCS NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố làm đại diện. Qua đó phát huy vai trò tập hợp sức mạnh của CNVCLĐ trên địa bàn, nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa CĐ Ngành và LĐLĐ địa phương.

Nhiệm kỳ III (2003 - 2008) là nhiệm kỳ đổi mới hoạt động, chuẩn bị tốt về mọi mặt cho đoàn viên, lao động khi bước vào cổ phần hóa các NHTM Nhà nước. Bên cạnh các thành tích khác, thì trong nhiệm kỳ III, CĐNHVN đã triển khai 64 Đại diện CĐNHVN trên địa bàn tỉnh, thành phố và ký chương trình phối hợp với 35 LĐLĐ tỉnh, thành phố.

Nhiệm kỳ IV (2008 - 2013) là nhiệm kỳ tập trung hướng hoạt động CĐ về cơ sở và tích cực đổi mới trong các mặt hoạt động, là gắn các hoạt động CĐ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Công tác tuyên truyền trong nhiệm kỳ đặc biệt chú trọng tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, về việc thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô…

Cũng trong nhiệm kỳ IV, CĐNHVN đã sắp xếp lại tổ chức với việc tiếp nhận 63 CĐCS thuộc NHNN các tỉnh, thành phố, CĐCS Học viện Ngân hàng và CĐCS Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/11/2012 về làm CĐCS trực thuộc; phát triển và tiếp nhận thêm 4 CĐCS trực thuộc. Tính đến ngày 1/3/2013, CĐNHVN quản lý 9 CĐ cấp trên cơ sở, 89 CĐCS trực thuộc, với tổng số 127.587 đoàn viên/133.944 CNVCLĐ và 792 CĐCS.

Phóng viên: Một điểm nhấn trong hoạt động của CĐNHVN là công tác an sinh xã hội, ông có chia sẻ gì về hoạt động này?

Trả lời: Đây là hoạt động nổi bật, có hiệu quả của các cấp CĐ ngành Ngân hàng, góp phần to lớn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội.

Trong suốt những năm qua các cấp CĐ đã phối hợp cùng với chuyên môn tổ chức, vận động CNVCLĐ với tinh thần tương thân tương ái đã trích từ phần lương thu nhập của mình tham gia xây dựng và ủng hộ các quỹ an sinh xã hội như phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Mái ấm công đoàn”, Quỹ tình nghĩa ngân hàng; tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”… tổ chức phong trào hiến máu nhân đạo, thăm tặng quà cho các đối tượng chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo cho các huyện nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, toàn Ngành đã đóng góp được gần 745 tỷ đồng cho các chương trình hỗ trợ giúp đỡ người nghèo ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Riêng từ năm 2008 - 2012, toàn Ngành đã thực hiện với số tiền trên 4.059 tỷ đồng.

Phóng viên: Thưa ông, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động được CĐNHVN thực hiện như thế nào?

Trả lời: Các cấp CĐ trong Ngành thường xuyên tham gia ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật, những quy chế, quy định của cơ quan đơn vị có liên quan như: Nội quy cơ quan, tiền lương, tiền thưởng, phân phối phúc lợi, bảo hiểm, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật…; phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức, thực hiện tốt và tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tại các ngân hàng đã và đang tiến hành cổ phần hóa, CĐ đã chủ động phối hợp với chuyên môn tham gia xây dựng, giải quyết các chế độ liên quan đến người lao động sau khi đơn vị thay đổi mô hình tổ chức hoạt động như: việc làm; tiền lương, quyền mua cổ phần ưu đãi; tham gia xây dựng các chính sách đối với người lao động…

CĐ các cấp đã phối hợp với chuyên môn chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, trang cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động; tổ chức khám bệnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ, thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ, lao động làm việc trong môi trường độc hại; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, lao động; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch; kịp thời động viên, thăm hỏi đoàn viên, CNVCLĐ khi ốm đau, hiếu hỉ hoặc hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn…

Phóng viên: Đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Vậy CĐNHVN đã thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế như thế nào?

Trả lời: Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở rộng quan hệ đối ngoại với CĐ cùng ngành nghề các nước, đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ CĐ ngành Ngân hàng học hỏi, tăng thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, nâng cao năng lực và kỹ năng hoạt động. Đây là một hoạt động quan trọng của CĐNHVN. Chính vì vậy, ngay từ nhiệm kỳ I, CĐNHVN đã mở đầu việc hợp tác với các tổ chức quốc tế: APRO-FIET, CĐ Ngân hàng khu vực Singapore.

Trong các nhiệm kỳ tiếp theo, công tác đối ngoại vẫn tiếp tục được quan tâm. CĐNHVN đã có chương trình hợp tác song phương với CĐ Tài chính các nước Hàn quốc, Singapore, Berlarus, Maylaysia… CĐNHVN đã tham gia Mạng lưới CĐ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình dương (UNI-Apro) để hợp tác tổ chức tập huấn, hội thảo quốc tế cho cán bộ CĐ ngành Ngân hàng…

Phóng viên: Ông có thể cho biết, nhiệm kỳ 2013 - 2018, hoạt động của CĐNHVN cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Trả lời: Trong thời gian tới, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Ngân hàng rất nặng nề. Đặc biệt là nhiệm vụ tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiến hành có hiệu quả đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Với những kết quả đạt được trong 4 nhiệm kỳ qua, bước sang nhiệm kỳ 2013 - 2018, CĐNHVN cần tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp CĐ; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; hoạt động CĐ các cấp hướng về cơ sở.

3. Thực hiện tốt công tác dân chủ; chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, CNVCLĐ.

4. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp và xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…

Đại hội V CĐNHVN là Đại hội của sự đoàn kết, đổi mới và trí tuệ, thể hiện ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, đoàn viên lao động trong toàn Ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống 20 năm xây dựng và trưởng thành, góp phần xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng và chính quyền.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác