Chung sức khai thác tiềm năng vùng quê bên sông Tiền
Giám đốc NHCSXH huyện Cao Lãnh Trần Thanh Trúc cho biết: Đến hết tháng 8/2020, tổng dư nợ của đơn vị đạt hơn 300 tỷ đồng; trong đó, cho vay 4.600 hộ nghèo với hơn 60 tỷ đồng, 1.800 hộ cận nghèo với 39 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm cho gần 600 hộ với 14,8 tỷ đồng…
Đến nay, đã có hàng nghìn hộ nông dân Cao Lãnh có điều kiện chủ động phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo. Toàn huyện đã xây dựng được nhiều loại hình kinh tế trang trại, gia trại, cải thiện cuộc sống rõ rệt. Tiêu biểu là mô hình thâm canh vườn cây ăn trái đặc sản: xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, mô hình dệt chiếu, thảm lục bình, bánh tráng, các cơ sơ chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga, Mỹ…
Tổ Tiết kiệm và vay vốn của ông Nguyễn Anh Dũng ở ấp 1, xã Bình Hoàng Trung có 50 hộ dân tham gia, trong đó hơn 2/3 thành viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Được chính quyền cơ sở, giúp đỡ, các thành viên trong tổ được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn chính sách nên đã nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định. Cùng việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, việc trả nợ, nộp lãi của bà con cũng luôn đúng hạn.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, thành viên của tổ trước đây thuộc diện hộ nghèo. Sau khi vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng thêm các loại rau xanh, chanh leo, nay bà đã làm chủ một cơ ngơi bao gồm 8 công mẫu rau củ quả tươi, sạch, đàn gia súc, gia cầm 250 con, thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Vẹn ở ấp Tĩnh Hưng, xã Cần Thới đã sử dụng 107 triệu đồng vốn chính sách để lo cho con trai lớn đi lao động tại Hàn Quốc. Nhờ siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu, con ông Vẹn đã gửi tiền về nước giúp đỡ gia đình hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Cùng với đó, vợ chồng ông Vẹn cũng thâm canh vườn xoài Cát Chu, cấy lúa cao sản, vươn lên thoát nghèo làm giàu.
Kết quả đó phản ánh sự vào cuộc tính cực của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Cao Lãnh với NHCSXH triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, NHCSXH huyện Cao Lãnh đa tạo lập thêm nguồn vốn và chất lượng tín dụng được nâng cao. Trong 5 năm qua, ngoài nguồn vốn do NHCSXH TW và tỉnh ưu tiên cấp, NHCSXH huyện còn được UBND huyện và các xã hàng năm trích 800 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung vào cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm tại địa bàn. Đây là việc làm mang ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị và kinh tế, thể hiện sự chung tay góp sức cùng NHCSXH thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng quê ven sông Tiền.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Tôn vinh phụ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020
- » PHONG TRÀO PHỤ NỮ HAI GIỎI: Chuyện về những người thắp lửa và giữ lửa
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII
- » Hội tụ nội lực thực thi tín dụng chính sách xã hội
- » 75 doanh nghiệp đã được vay vốn trả lương lao động ngừng việc
- » Hội nghị tập huấn trực tuyến về nghiên cứu khoa học
- » Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 2: Vốn chính sách - “bà đỡ” của các mô hình kinh tế)
- » Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 1: Giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất)
- » Trồng ớt chỉ thiên, trái ra tua tủa, nông dân Bình Định khá giả trả được vốn vay ngân hàng
- » Trà Bồng phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo