Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 1: Giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất)

26/11/2020
(VBSP News) Từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm cho người nghèo... là những biện pháp giúp Tuyên Quang giảm 4% tỷ lệ nghèo mỗi năm một cách bền vững.
anh strang

Thu hoạch cam ở Hàm Yên

4 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 16%
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Tuyên Quang còn khá cao. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 55.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%. Trong đó, huyện Lâm Bình có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với 60,79%, huyện Na Hang với 50,08%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 78,5% so với tổng số hộ nghèo.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Trung ương, các giải pháp triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang có chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 27,81% xuống còn 11,8%, bình quân mỗi năm giảm 4%. Người nghèo không những tăng thu nhập mà còn được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy, một trong những yếu tố giúp công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang đạt được kết quả trên là do đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ của bà con sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuyên Quang xây dựng Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020; rà soát, điều chỉnh, xây dựng 9 quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường để tập trung phát triển sản xuất.
Quy hoạch, cơ cấu hợp lý 3 loại rừng tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp hàng hóa; tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa như hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, công trình thủy lợi, cơ sở sản xuất giống… Cùng với đó, giúp hộ nghèo áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho người dân trên khắp mọi miền đất nước; giúp người dân mạnh dạn phát triển sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bài học từ Sinh Long
Sinh Long - một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Na Hang và tỉnh Tuyên Quang; toàn xã có 659 hộ dân thì có 55% trong số đó là hộ nghèo. Sinh Long nghèo là do giao thông, đi lại quá khó khăn; tập quán canh tác lạc hậu, bà con trồng cấy gì cũng chỉ một vụ, còn lại để đất trống, mặc cho trong bồ hết thóc, ngoài vườn hết rau.
Đơn cử, con đường dẫn đến Khuổi Phìn - thôn chỉ cách trung tâm UBND xã Sinh Long 20km nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể đến nơi. “Đó là ngày nắng, còn những ngày mưa thì phải đi bộ mất nửa ngày đường. Khuổi Phìn có 101 hộ dân sinh sống với gần 500 nhân khẩu, trong đó có tới 84 hộ nghèo”, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào tâm sự.
Cũng khó khăn không kém Khuổi Phìn nhưng Phiêng Ngàm đã có cách đi khác, không đầu tư dàn trải mà tập trung cho giao thông trước rồi tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Chính quyền Na Hang đã dành mọi nguồn lực đầu tư cho Phiêng Ngàm với hy vọng đây sẽ là ngọn cờ đầu cho các thôn khác. Chạm ngõ Phiêng Ngàm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tiếng máy cày làm đất vang khắp thôn. Kế đó, càng vào sâu, con đường bê tông phẳng lỳ càng hiện rõ giữa hai làn lúa xanh mướt. Toàn thôn có gần 80% hộ có máy cày mini - một con số hiếm thấy ở thôn vùng cao khó khăn. Đúng như lời Trưởng thôn Phiêng Ngàm Hoàng Văn Sai nói, đây là thành quả của phong trào cơ giới hóa!
Có máy cày, việc làm đất cũng nhanh và thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Nếu trước kia 20ha đất ruộng của Phiêng Ngàm chỉ cấy 1 vụ, vụ còn lại hầu như để đất trống, thì nay bà con đã biết trồng ngô tăng vụ, không để ruộng hoang. Đặc biệt, từ năm 2016, khi con đường vào thôn được bê tông những đoạn khó đi nhất, cán bộ vào thôn hướng dẫn dễ hơn, bà con cũng không “ngại” ra trung tâm xã dự họp, dự tập huấn và chở nông sản tiêu thụ nên đời sống cũng dần khá hơn. Có đường mới mở, cánh đồng lúa, nương chè cũng tốt tươi hơn vì có phân bón. Bà con cũng nỗ lực bảo nhau để cuộc sống dần khấm khá lên. Nhờ thế, 123 hộ người Dao ở Phiêng Ngàm đã vươn lên, biết làm ăn và đến nay chỉ còn 69 hộ nghèo.
Chia tay Sinh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hào tâm sự, điều cần nhất trong công tác giảm nghèo của xã là những con đường kiên cố! Bà con Sinh Long rất chịu khó nhưng giao thông quá khó khăn, nông sản của nông dân làm ra mà không có nơi tiêu thụ; thương lái cũng không muốn vào vì mất thời gian, chi phí lại tăng. Việc cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp không thuận lợi, bà con chủ yếu dùng phân hữu cơ nên năng suất thấp.
“Nay, được đầu tư hạ tầng, lại có sự hỗ trợ nguồn vốn từ NHCSXH cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, ước tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Sinh Long sẽ giảm xuống còn 50%”, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hào khẳng định.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác