Ban Kinh tế Trung ương khảo sát hoạt động tín dụng chính sách tại Kon Tum
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Sa Thầy, Thường trực Đảng ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn Sa Thầy và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thị trấn.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tích cực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, đã tổ chức 55 cuộc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội với 1.986 lượt người dân tham gia. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng chính sách xã hội, mạnh dạn vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thị trấn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thực sự là cầu nối của người dân có nhu cầu vay vốn với NHCSXH huyện.
Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ trên địa bàn thị trấn đạt trên 100,3 tỷ đồng với 1.381 hộ vay vốn, tăng hơn 82,8 tỷ đồng so với năm 2014. Từ năm 2014 đến nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 1.127 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 633 lượt lao động; 1.720 lượt hộ sản xuất kinh doanh được tiếp cận vốn để sản xuất; 109 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 1 sinh viên được mua máy tính để phục vụ cho học tập; giúp đỡ 118 trường hợp xây dựng mới và mua nhà ở xã hội; 3 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở; 3 hộ tiếp cận nguồn vốn cho vay tiêu dùng để chi trả chi phí khám bệnh đột xuất và 42 hộ được tiếp cận nguồn vốn cho hộ nghèo vùng DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để xây nhà, chuyển nghề canh tác trồng trọt. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị trấn từ 7,1% năm 2014 xuống còn 3,78% vào cuối năm 2023.
Tại buổi làm việc, cấp ủy, chính quyền thị trấn và huyện, đại diện các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, nâng hạn mức cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà thị trấn Sa Thầy đã đạt được trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn, huyện cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay chính sách; đồng thời, tăng cường hướng dẫn, giám sát để người dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trước đó, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đi thăm, khảo sát hiệu quả mô hình vay vốn tín dụng chính sách xã hội của ông A Ken, A Granh ở làng Chốt, hộ ông Vũ Mạnh Khải ở thôn 1.
Vũ Sơn
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Bình Sơn thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Nam Định
- » Lâm Đồng giảm nghèo đa chiều bền vững từ tín dụng chính sách
- » Tỉnh Tây Ninh tổng kết 10 năm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Tỉnh Bến Tre tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Bến Tre: Dấu ấn 10 năm Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống