Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Nam Định

16/07/2024
(VBSP News) Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Nam Định đã tạo bước đột phá hỗ trợ những đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao và kiểu mẫu, khẳng định tính nhân văn sâu sắc trong một chính sách của Đảng.
image001

Cán bộ NHCSXH kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay tín dụng chính sách tại hộ vay ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu

Cán bộ NHCSXH huyện Hải Hậu đưa chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Hoan ở xóm 2 Vĩnh Hiệp, xã Hải Thanh. Hơn 2.000 giỏ hoa lan trong vườn đang vươn nhánh đẻ nụ, lá xanh mướt sẵn sàng đón một vụ hoa rực rỡ sắc màu. Anh Hoan cho biết: “Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đều quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế hộ cũng như ngành nghề địa phương. Hiện tại, dư nợ của gia đình tôi tại NHCSXH huyện từ chương trình cho vay giải quyết việc làm là 100 triệu đồng. Với số vốn trên, tôi đã đầu tư mở rộng trồng thêm 15 loại hoa lan khác nhau, trong đó chủ đạo là quế lan hương và lan đai trâu, bình quân mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng”.

Chủ tịch UBND xã Hải Thanh Vũ Thế Mạnh khẳng định: “10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã được nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của tín dụng chính sách đối với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, việc quyết định bổ sung Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở.

Thực hiện nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hầu hết các hoạt động của NHCSXH đều diễn ra ở cơ sở như: giao dịch, tuyên truyền, quản lý vốn… Do vậy, Chủ tịch UBND xã có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý nguồn vốn. Tuy nhiên, trước đây, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ tham gia các hoạt động của NHCSXH như: chứng thực hồ sơ, xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ… mà chưa có sự ràng buộc nên vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND xã chưa cao. Khi là thành viên chính thức của Ban đại diện NHCSXH cấp huyện, chủ tịch UBND xã được phân công nhiệm vụ quản lý vốn tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã cũng như các cuộc họp Ban đại diện huyện để kịp thời nắm bắt chính sách tín dụng mới; có ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách để tháo gỡ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã còn thường xuyên chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, chỉ đạo trưởng thôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các hội, đoàn thể họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn; chuyển tải vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng; gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động trong cộng đồng khu dân cư… Hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng chặt chẽ, đảm bảo thu nợ đến hạn, nợ chuẩn bị quá hạn, cương quyết xử lý các hộ nợ quá hạn. 

Nhờ vậy, hoạt động tín dụng chính sách của xã trong 10 năm qua đã tăng cả về chất lượng lẫn quy mô. Đến hết tháng 5/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách của xã đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 4,8 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 1%, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 83 triệu đồng/người/năm. Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần giúp Hải Thanh là xã đầu tiên của huyện Hải Hậu và của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đánh giá về ý nghĩa của Chỉ thị số 40-CT/TW đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hải Hậu, Bí thư huyện ủy Trần Minh Hải khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và được tập trung đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của địa phương. Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1,36%, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện”.

Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.546,2 tỷ đồng, tăng 2.465,8 tỷ đồng so với năm 2014 (118,5%), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay không ngừng tăng lên. Đến hết ngày 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH là 121,4 tỷ đồng, chiếm 2,67% tổng nguồn vốn, tăng 115,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, ngân sách tỉnh là 84,9 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố là 29,8 tỷ đồng; lãi nhập nguồn hàng năm đạt 6,7 tỷ đồng. 

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. 

Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên. Quy định Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp chính quyền cơ sở, phát huy năng lực hoạt động; các chủ trương, chính sách tín dụng được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng được chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở. Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương các cấp cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cải thiện cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 10 năm tỉnh thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp 46.880 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 21.834 lao động, 48 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ; 8.805 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; 976 HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, 19 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xây dựng 323.156 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; xây dựng 919 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội. 

Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo “cú huých nặng cân” giúp cả hệ thống tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để thay đổi cuộc sống. Qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở vùng nông thôn tỉnh; đẩy lùi “tín dụng đen”, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có động lực, quyết tâm vươn lên phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, được nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Đức Toàn

Các tin bài khác