Điểm tựa cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn
Tạo cơ hội cho con em nhà nghèo
Gia đình chị Vũ Thị Tám, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) thuộc diện khó khăn. Chồng mất sớm, mọi việc gia đình, nuôi 3 con ăn học đặt lên đôi vai gầy yếu của chị. Chị Tám cho biết: Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 6.000m2 đất vừa trồng mía, trồng lúa và làm màu nên việc xoay xở để có tiền cho con đến trường càng trở nên khó khăn hơn theo từng bậc học của chúng.
Nhờ có chính sách tín dụng HSSV, chị Tám được Nhà nước cho vay 18 triệu đồng cho cháu lớn đi học. Số tiền này cùng với thu nhập thêm từ ruộng vườn cũng giúp chị phần nào bớt đi nỗi lo cho con hàng tháng. Dù không nhiều, nhưng đây là chỗ dựa để các cháu được tiếp tục đến trường. Chị chỉ mong con học hành thành đạt, ra trường tìm được việc làm, trả hết tiền vay để Nhà nước có nguồn vốn tiếp tục cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác được vay vốn.
Nhà chị Tám chỉ là một trong số 19.237 gia đình khó khăn có con đi học được hưởng lợi từ Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua mạng lưới hoạt động của 11 Phòng giao dịch cấp huyện, 210 Điểm giao dịch tại xã, phường và trên 2.900 Tổ TK&VV, Chương trình tín dụng HSSV được triển khai từ năm 2007 với mục tiêu không để HSSV nào bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Sau 5 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã có 22.205 HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học với tổng dư nợ là 328.906 triệu đồng.
Bài toán thu hồi nợ
Ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện NHCSXH tỉnh Hoà Bình cho rằng: “Để công tác thu hồi nợ đạt kết quả cao, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho hộ vay và HSSV, bên cạnh đó các ngành, các cấp hội, đoàn thể theo dõi HSSV đã ra trường để có kế hoạch thu hồi các khoản nợ đến hạn”.
Chủ trương và quyết tâm tiếp tục giữ vững nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với HSSV nghèo trong hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định sự ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho những người còn khó khăn trong xã hội được học tập. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục có điểm tựa vững vàng về tài chính để yên tâm học tập, rèn luyện thành người có ích, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Ðánh giá về kết quả thu nợ, thu lãi đã được triển khai trong thời gian qua, ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hoà Bình khẳng định: Chương trình tín dụng HSSV rủi ro thấp nhất. Bởi lẽ, đây là chương trình đầu tư nguồn nhân lực, hiệu quả lâu dài, HSSV khi được vay vốn học thành tài sẽ có khả năng trả nợ rất cao. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, đa phần các em HSSV, hộ gia đình vay vốn đều có ý thức trả nợ, vì hiệu quả chương trình mang đến cho cuộc sống của họ là vô cùng to lớn.
Đinh Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giải pháp nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay ưu đãi qua hệ thống Đoàn Thanh niên
- » Nhiều sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính
- » Đảm bảo hoạt động hiệu quả của NHCSXH: CẦN CƠ CHẾ TẠO LẬP NGUỒN VỐN ỔN ĐỊNH
- » 5 năm qua có hơn 32 nghìn HSSV ở Khánh Hòa được vay vốn
- » Trung An phát triển đúng hướng nghề làm vườn sinh thái
- » Nhiều người còn khó hơn mình
- » Đi theo dòng vốn giảm nghèo
- » Vĩnh Phúc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV
- » Giãn thời gian thu học phí đối với sinh viên nghèo
- » Hà Giang tổng kết 5 năm Chương trình tín dụng HSSV