Nhiều người còn khó hơn mình

23/12/2012
(VBSP) Đi công tác về cơ sở, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những người trong "dây chuyền" nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH. Nhưng, họ không vay vốn tín dụng ưu đãi. Không phải vì họ giàu có, ngược lại họ cũng còn nghèo khó, nhưng vì "nhiều người còn khó hơn mình". Đó là câu trả lời của bà Dương Thị Thực - Tổ trưởng Tổ TK&VV ở một vùng quê nghèo.
Bà Thực đang trao đổi với vợ, chồng anh chị Tương Hiên - thành viên Tổ TK&VV của chi hội PN thôn Triều Khê

Bà Thực đang trao đổi với vợ, chồng anh chị Tương Hiên - thành viên Tổ TK&VV của chi hội PN thôn Triều Khê

Bà Dương Thị Thực năm nay 56 tuổi, Tổ trưởng Tổ TK&VV chi hội PN thôn Triều Khê (xã Đội Bình) từ năm 2007 đến nay. Đây là xã sản xuất thuần nông, thuộc vùng đồng trũng huyện Ứng Hòa (ngoại thành Hà Nội). Xã có 384/2.314 hộ nghèo (17%). Toàn xã có 20 Tổ TK&VV, trong đó Hội PN chiếm 10 tổ, còn lại Hội ND 6 tổ, Hội CCB 4 tổ. Trong tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng, Hội PN nhận ủy thác 3 tỷ 246 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 64,92%). Ông Lương Văn Luật - Giám đốc NHCSXH huyện Ứng Hòa nhận xét rất vui, rằng: “Giao vốn cho chị em an tâm vì không có nợ quá hạn, không xâm tiêu” !

Theo bà Thực, ở Đội Bình, chủ trương của Hội PN xã, chi hội trưởng các thôn kiêm luôn Tổ trưởng Tổ TK&VV. Cách làm này “một công được đôi chuyện”, khi bình xét hội viên vay vốn, Tổ trưởng như từ trong nhà hội viên đi ra, nghĩa là hiểu hết gia cảnh. Ngược lại, khi “khúc mắc” mọi chuyện nhỏ, to từ trong nhà ra ngoài ngõ tổ viên thường hay “tỉ tê” với Tổ trưởng…

Tổ bà Thực có 31 hộ vay vốn, dư nợ gần 300 triệu đồng. Mấy năm qua đã có 10 hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn chăn nuôi lợn nái, bò, vịt, ngan. Qua Chủ tịch Hội PN xã Trần Thị Tâm, chúng tôi được biết nhà bà Thực có 4 người con, hai con đầu đã lập gia đình, còn lại một đang học phổ thông, một bị chất độc da cam. Gia đình đủ điều kiện vay vốn chính sách ưu đãi, nhưng bà không vay. “Vốn thì ai cũng cần, nhà nào cũng thiếu, nhưng vì một lý do đơn giản nhiều người còn khó hơn mình”! Câu nói này tôi ghi lại được khi theo chân Tổ trưởng Tổ TK&VV chi hội PN thôn Triều Khê đến thăm hộ nghèo Nguyễn Thị Nguyên. Nhà chị Nguyên có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 cháu nhỏ. Chồng bị bệnh tiểu đường nặng, không tham gia lao động được. Chị Nguyên một mình đảm đương cày cấy 1,2 mẫu ruộng. Năm 2011, được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng, chị mua 1 con bò, 1 lợn nái, làm đậu phụ lấy bã nuôi lợn. “Cứ một lứa lợn đẻ, tôi giữ lại một con nuôi lợn thịt, chị Nguyên nói, coi như tiền tiết kiệm bỏ ống, còn lại bán lợn giống”. Cứ thế ngày qua ngày chị tảo tần, vượt khó nuôi chồng ốm và hai con ăn học. Hình ảnh chị Nguyên là minh chứng cho câu nói của bà Thực ở thôn Triều Khê “nhiều người còn khó hơn mình”!

Tinh thần “sẻ chia” của Tổ trưởng đã góp phần động viên tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, không nợ quá hạn. Về nghiệp vụ tín dụng, bà Thực cho biết: NHCSXH huyện Ứng Hòa rất quan tâm đến mạng lưới Ban quản lý Tổ TK&VV, ít nhất năm một lần được đi tập huấn. Ngoài ra, ở địa phương Hội PN xã thường xuyên liên hệ với Trung tâm khuyến nông, Trung tâm dạy nghề về tận cơ sở dạy chị em áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, mở mang nghề phụ. Được trang bị kiến thức, nhiều hộ sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả. Vợ chồng chị La Thị Nga, bố mẹ nghèo, ra ở riêng gia sản trong tay chỉ có 1,5 sào ruộng. Qua Tổ TK&VV bình xét, năm 2011, được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng, vợ chồng sử dụng nuôi gà, vịt, đào ao thả cá. Cứ 3 tháng bán một lứa gà, vịt, được lãi 5 - 7 triệu đồng lại đi thầu ruộng người khác trồng hoa màu. Diện tích thầu cứ tăng dần, theo đó tiền lãi cũng tăng lên sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ vậy, gia đình thoát nghèo một cách bền vững. Có hộ cận nghèo mạnh dạn hơn, như anh chị Tạ Thị Tương, Đặng Văn Hiên. Qua phong trào dồn điền, đổi thửa đã chuyển toàn bộ 6 sào ruộng thành đất vườn, kinh doanh cây cảnh, được NHCSXH cho vay 13 triệu đồng, trong chương trình cho vay hộ có khó khăn đột xuất. “Thời gian còn ngắn chưa mang lại hiệu quả ngay được, nhưng đầy triển vọng” - anh Hiên khẳng định khi khách đến tham quan vườn.

Đúng lịch, 20 hằng tháng là ngày giao dịch ở xã Đội Bình. Trước đó 2 ngày Tổ của bà Thực họp, xem xét công việc trong tháng về sử dụng vốn vay, chuẩn bị nộp lãi, ai đến hạn thì trả nợ. Về chỉ tiêu gửi tiết kiệm, tháng đầu tiên gửi 50 nghìn đồng/hộ, sau đó gửi 10 nghìn đồng/tháng/hộ. Ai gửi nhiều Tổ động viên, khuyến khích. Điều quan trọng, 100% hội viên trong tổ đều tự nguyện gửi tiết kiệm. “Lâu dần thành quen, trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên của chị em phụ nữ xã Đội Bình nói chung và Tổ TK&VV thôn Triều Khê nói riêng” - bà Thực khiêm tốn chia sẻ với khách.

Hồ Châu Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác