Tín dụng HSSV góp phần phát triển giáo dục ở Thái Bình

22/12/2012
(VBSP) Những năm học gần đây, tỉnh Thái Bình có hàng nghìn học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mỗi năm. Tuy nhiên, với đặc thù gần 90% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, bình quân thu nhập thấp thì vấn đề kinh phí học tập luôn là gánh nặng của nhiều hộ gia đình.

Theo Sở GD&ÐT tỉnh Thái Bình, thành tích thi đỗ đại học, cao đẳng của học sinh trong tỉnh luôn giữ ổn định ở thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2011, tỷ lệ học sinh Thái Bình trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khối THPT là 64%, giáo dục thường xuyên là 45%. Tuy nhiên, nhiều học sinh đỗ đại học, cao đẳng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc bảo đảm các điều kiện tối thiểu phục vụ học tập không phải là điều dễ dàng, nhất là những hộ có hai, ba con học đại học, cao đẳng. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng HSSV không chỉ giúp con em các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn theo học mà còn kích thích phong trào học tập vươn lên của học sinh trong tỉnh.

Gặp chúng tôi khi đang tham gia xây dựng công trình gần trụ sở UBND xã, bác Lang Minh Ðức ở thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình) tâm sự: Thu nhập chính của gia đình chủ yếu trông chờ vào hơn một mẫu ruộng, dù cố gắng để “quay vòng” đất nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Vậy là khi nông nhàn, bác lại “chuyển nghề” phụ hồ xây dựng, mỗi ngày cũng được 120 nghìn đồng, thêm chút “đồng ra, đồng vào”, tích cóp nuôi con ăn học. Tuy nhiên, với hai người con học trường Ðại học Xây dựng và Ðại học Công nghiệp Hà Nội thì tiền chi phí học tập khá lớn, vượt quá khả năng của vợ chồng bác. Nếu “vay ngoài” để trang trải học tập cho con thì lãi suất cao, rủi ro cũng lớn. Tuy nhiên, điều mừng là khi các con bước vào học đại học, gia đình bác đã được xét duyệt vay vốn Chương trình tín dụng HSSV. Mặc dù, số tiền 10 triệu đồng/sinh viên/năm không đủ trang trải mọi chi phí học tập nhưng cũng là “điểm tựa” vững chắc giúp các con bác yên tâm theo học đại học. “Thông qua việc vay vốn đã giúp cho chính các cháu có phần trưởng thành hơn, biết lo lắng về những khó khăn của gia đình để phấn đấu trong học tập” - bác Ðức chia sẻ.

Nói về tình hình học tập của con em địa phương, Trưởng thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình) Trần Tiến Cảnh không dấu được niềm vui: Là thôn giáp biển bên Cồn Vành nhưng người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, quanh năm chịu mưa nắng thất thường, đời sống kinh tế khó khăn. Mặc dù vậy, tinh thần hiếu học luôn hun đúc trong mỗi gia đình. Vì vậy, khi Chương trình tín dụng HSSV được triển khai đã góp phần giúp hàng chục hộ gia đình yên tâm nuôi con ăn học. Ðến nay, cả xã có khoảng gần 700 HSSV với khoảng 300 HSSV được vay vốn học tập.

Có thể nói, Chương trình tín dụng HSSV thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, bảo đảm thực hiện chủ trương không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Theo Giám đốc NHCSXH Thái Bình Tạ Tiến Khẩn, khi số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng ngày một nhiều cũng tạo nên sức ép nhất định trong công tác cho vay. Vì số đối tượng vay đông thì việc xác định đúng đối tượng, công khai, minh bạch cũng như công tác thu nợ cần sự làm việc bài bản, khách quan. Vì vậy, để bảo đảm đồng vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả thiết thực, ở tất cả Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã đều niêm yết đầy đủ thông tin và danh sách các hộ vay vốn để mọi người dân đều có thể giám sát. Việc xác định đối tượng cho vay diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn… thời gian đầu cũng có sự cả nể nhưng dần dần đã đi vào quy củ, tình trạng xác định sai đối tượng cho vay không còn. Thậm chí trước việc công khai danh sách cho nên có những trường hợp vay chưa đúng đối tượng đã tự nguyện trả lại vốn vay… Vì vậy, Chương trình tín dụng HSSV phát huy hiệu quả tích cực. Ðến giữa năm 2012, doanh số cho vay Chương trình tín dụng HSSV của Thái Bình đạt hơn 155 tỷ đồng với tổng dư nợ gần 1.180 tỷ đồng. Toàn tỉnh có hơn 71,6 nghìn HSSV đang thụ hưởng vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, có gần 60 nghìn HSSV đại học, cao đẳng với dư nợ hơn một nghìn tỷ đồng; hơn 11,5 nghìn HSSV trung cấp, học nghề với dư nợ gần 135 tỷ đồng…

Ðồng vốn tín dụng đến đúng đối tượng, kịp thời đã tạo sự yên tâm về tư tưởng, tránh trường hợp HSSV vì thiếu thốn mà sa ngã, đồng thời thúc đẩy phong trào học tập của Thái Bình ngày một phát triển cả quy mô và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Xuân Kỳ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác