Trung An phát triển đúng hướng nghề làm vườn sinh thái

23/12/2012
(VBSP) Trung An là 1 trong 5 xã của huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) được Hội ND và NHCSXH phối hợp triển khai dự án đầu tư kỹ thuật mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết giữa các nhà sản xuất phát triển làm vườn sinh thái. Trong số các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH đã ưu tiên cho vay GQVL 3,5 tỷ đồng và Hội ND đã trích 500 triệu đồng từ Quỹ HTND cho vùng đất thép Trung An vay từ đầu năm 2008 đến nay. Nhờ vậy, cùng với 247ha vườn cây ăn trái các loại, thì chôm chôm đã chiếm nhiều nhất với 60%, còn lại là măng cụt, sầu riêng, ổi không hạt, bưởi da xanh...
Trồng ổi không hạt vất vả, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao

Trồng ổi không hạt vất vả, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Hai Huệ là hộ dân nghèo đầu tiên của xã Trung An sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chuyển 4.000m2 đất vườn san lấp say trồng cây ăn trái như chôm chôm, ổi không hạt, mận, và đào ao thả cá, chăn nuôi theo mô hình sinh thái VAC. Để nắm phần chắc, ông nhờ Hội ND xã tư vấn chọn giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Ông tâm sự: Xóm Kết Đoàn mà ông đang ở có đến 34 hộ được vay vốn của NHCSXH, mỗi hộ vay 20 triệu đồng để trồng mới, thâm canh nhiều loại cây ăn trái nhằm tăng thu nhập xóa nghèo, ổn định cuộc sống và đón khách đến tham quan, thưởng thức trái ngọt quanh năm. Năm nay, do ảnh hưởng bão số 1 nên nhiều vườn giảm sản lượng trái, nhưng bà con trong xóm vẫn cố gắng khắc phục, chăm sóc vườn để phục vụ khách du lịch sinh thái.

Theo ông Hai Huệ, sau hai năm thâm canh vườn sinh thái đạt kết quả, ông đã hoàn trả vốn vay ngân hàng và lập dự án vay tiếp 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Củ Chi; dự án này thực hiện sẽ thu hút được 5 lao động vào làm, dự án đã mở rộng diện tích cây ăn trái đặc sản như bưởi da xanh, chanh california. Vào mùa rộ trái cây vườn nhà ông thường đón tiếp từ 900 - 1.000 khách từ các nơi đến tham quan. Bình quân mỗi mùa trái, gia đình thu khoảng 50 triệu đồng.

Cũng như vườn cây nhà ông Hai Huệ, khu vườn của gia đình ông Nguyễn Minh Lâm có diện tích hơn 7.000m2 trồng cây ăn trái. 5 năm qua, ông đã hai lần vay vốn NHCSXH chỉ để tập trung đầu tư thâm canh vườn sinh thái trên vùng đất thép ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh. Hiện vườn dâu của ông với trên 100 gốc ngoài ra còn có măng cụt, chôm chôm, ổi không hạt. Nghe ông Lâm kể lại những ngày đầu khi bước vào “nghiệp làm vườn” cũng rất tình cờ, chỉ mấy năm trước, khu vườn trái xum xuê của ông Lâm chỉ là ruộng mía cùng mấy cây khế, mận tạp, già cỗi không có hiệu quả. Đất đai thì rộng mà cuộc sống gia đình vẫn nghèo khó. Đến khi được tập huấn mô hình làm vườn sinh thái lại được NHCSXH tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, ông đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng thử giống dâu, lúc đầu chỉ đủ ăn. Không ngờ khi cây ra hoa kết trái, khách ghé thưởng thức những trái dâu ngọt lành rất khoái và tìm tới ngày càng đông. Vì thế, ông quyết định đốn hết mía, chuyển sang thâm canh cây ăn trái theo quy trình sản xuất VietGap. Đồng thời, áp dụng biện pháp bón các loại phân hữu cơ, tỉa cành tạo tán liên tục để vườn thoáng mát, ít sâu bệnh, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm trái cây vườn nhà ông Lâm tươi ngon, an toàn phục vụ khách.

Hiện nay, với 120 hộ dân ở xã Trung An có số dư nợ với NHCSXH là gần 4 tỷ đồng đầu tư phát triển được 320ha vườn sinh thái. Nhiều hộ gia đình còn dùng vốn ưu đãi nâng cấp vườn cây ăn trái, xây dựng mô hình kiểu mẫu và đi vào phục vụ hoạt động du lịch. Hơn nữa, họ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích vào thâm canh vườn; đồng thời, liên kết làm ăn, cạnh tranh lành mạnh phát huy đồng vốn ưu đãi và đưa nghề vườn phát triển đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái ở vùng ngoại ô thành phố.

Nguyễn Văn Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác