“Bảo bối” thoát nghèo của người Khmer
Công cụ giảm nghèo của chính quyền
Mới hơn 7 giờ sáng nhưng mặt đất Trà Cú đã bạc phếch vì nắng. Nắng như táp lửa vào mặt, như muốn thiêu rụi tất cả những gì chúng quét qua. Ấy vậy mà tại nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Bến Trị, xã Tập Sơn - xã có tới hơn 70% là người đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã chật cứng và rộn ràng tiếng cười của người nghèo và cả Bí thư chi bộ ấp, Trưởng ấp, các chi hội, đoàn thể cơ sở. Hóa ra, hôm nay là ngày sinh hoạt định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp; nhưng quan trọng hơn còn là ngày mà bà con sẽ bình xét cho hộ Thạch Thị Em vay vốn từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH.
Sự bài bản, nghiêm túc và đậm chất nhân văn ở một ấp nghèo đã đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vẫn là cách giao ban mà chúng tôi thường gặp ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhưng, ở đây những buổi sinh hoạt như thế này không đơn thuần chỉ là báo cáo việc quản lý, sử dụng vốn, trao đổi kinh nghiệm trong cách thức làm ăn… mà đó còn là buổi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại đây, những niềm vui, nỗi buồn đều được giãi bày và quan trọng hơn cả là những tâm sự ấy đều được chính quyền ấp lắng nghe và tận tâm giải quyết. “Cũng bởi thế mà hôm nay, tôi gác hết chuyện nhà lại để đến đây dự họp cho kịp giờ và còn bình xét cho hộ chị Thạch Thị Em được vay vốn phát triển kinh tế gia đình”, tổ viên Kim Thị Sáng nói.
Chia sẻ về ý nghĩa của những buổi sinh hoạt tại cơ sở của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã như thế này, Chủ tịch UBND xã Tập Sơn Kim Xiên cho biết, từ năm 2012 - khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH, người dân trong xã đã được tiếp cận nguồn vốn và dần trở nên tin tưởng, coi trọng đồng vốn hơn. Phần lớn bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ biết làm nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật sản xuất không có và cũng chẳng có gì giá trị để có thể thế chấp vay ngân hàng. Nhưng với các khoản vay ưu đãi của NHCSXH, đồng bào không phải lo tài sản thế chấp, thủ tục vay lại đơn giản, mức vay phù hợp với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với các ngân hàng khác. Vì thế, bà con coi đây là “bảo bối” giúp họ thoát nghèo… “Cũng chính bởi những lý do này mà ngay từ khi triển khai Đề án, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã được chọn là công cụ giảm nghèo của địa phương và được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của xã”, Chủ tịch xã Kim Xiên cho biết.
Bạn đường của người nghèo
Rời nhà sinh hoạt cộng đồng trong niềm vui của những người dân nghèo và hạnh phúc của chị Thạch Thị Em - người vừa được bà con biểu quyết 100% đồng ý đề nghị NHCSXH cho vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, chúng tôi mới hiểu vì sao những khoản vay nhỏ lại trở thành “bảo bối” của dân nghèo. Theo chị, 5 năm trước, khi cuộc sống tưởng chừng bế tắc bởi cái nghèo bủa vây tứ phía, chị được vay 10 triệu đồng hộ nghèo để mua 01 con bò sinh sản. Sau ba năm, bò mẹ đã sinh được 02 con bê và cho chị khoản tiền khổng lồ đầu tiên tới 40 triệu đồng. “Rồi cứ thế vợ chồng tôi được các cán bộ xã thường xuyên động viên, chỉ bảo cách chăm, nuôi bò và dần dần thoát khỏi danh sách hộ nghèo lâu năm của xã. Hôm nay, khoản vay mới này sẽ giúp tôi và gia đình tự tin thoát nghèo vĩnh viễn. Tôi mừng lắm, biết ơn chính sách ưu đãi của Nhà nước nhiều lắm!”, chị Em xúc động nói.
Với bà Kim Thị Tha ở xã Tập Sơn, huyện Trà Cú cũng vậy. Ở cái tuổi ngoài 60 nhưng vợ chồng bà mới vừa được hưởng chút an nhàn của cuộc sống nhà nông bình dị nhất. Được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, bà Tha đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau nhiều năm chăm sóc vợ chồng bà Kim Tha đã có trong tay một cơ ngơi đáng nể. Một đàn bò có 07 con trị giá trên 200 triệu đồng; một ngôi nhà ngói mới khang trang rộng hơn 100m2 còn thơm mùi vữa; 06 người con của gia đình bà đều được học hành đến nơi đến chốn nhờ vào nguồn vốn ưu đãi. “Giờ tôi mãn nguyện lắm rồi, cuộc sống như một giấc mơ và trong giấc mơ của tôi luôn có người bạn thân là NHCSXH”, bà Kim Thị Tha chia sẻ.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Trà Cú đạt trên 370 tỷ đồng với hơn 23.600 hộ vay. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Trà Cú Cao Thị Kim Hiền, nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà nhiều hộ đã thoát hẳn nghèo, đang có ước mong làm ăn giàu có hơn; nhiều con em của đồng bào dân tộc được theo đuổi ước mơ tại các trường nghề, cao đẳng và đại học. Đặc biệt, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực sự có ý nghĩa với bà con khi tình hình xâm nhập mặn năm vừa qua gia tăng. Nguồn vốn ưu đãi đã “thâm nhập”, đồng hành với người nghèo trong mọi hoàn cảnh, tạo cho bà con có ý chí và động lực thay đổi hẳn cuộc sống, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, theo Giám đốc Cao Thị Kim Hiền, kết quả này, một mình NHCSXH không thể làm được nếu không có sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của NHCSXH tỉnh, TW. Và càng không thể có được nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm từ chính người nghèo.
Bài và ảnh Thái Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÙNG TÂY NAM BỘ: “Xé rào” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- » Nâng cao chất lượng tín dụng - Thay đổi từ nhận thức
- » NHCSXH làm việc với Nhóm đánh giá độc lập của Ngân hàng Thế giới về dự án phát triển Ngành lâm nghiệp
- » Chất lượng tín dụng NHCSXH thị xã Kỳ Anh: Vững như “kiềng 3 chân”
- » Dân bản Hát Lếch thoát nghèo nhờ nuôi gia súc
- » Bảo đảm nước sinh hoạt của người dân trong mùa khô
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nơi xứ dừa
- » Gia Lâm tiếp sức ngành nghề
- » Thành công từ sự đồng thuận
- » Trăn trở với giảm nghèo bền vững