Hữu Lũng xóa nghèo hiệu quả

04/09/2014
(VBSP News) Hữu Lũng là huyện trung du miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, ruộng ít, núi đồi nhiều, Hữu Lũng là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn. Được thụ hưởng chương trình 135, sự đóng góp tích cực của NHCSXH đã và đang xóa nghèo một cách hiệu quả.
Chị Nông Thị Mẫn (bên phải) thu hoạch na trong vườn

Chị Nông Thị Mẫn (bên phải) thu hoạch na trong vườn

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Hữu Lũng Triệu Thị Hồng Hải, tính đến hết tháng 8/2014, tổng dư nợ đạt gần 239 tỷ đồng, tăng trên 27 tỷ đồng so với 31/12/2013. Hữu Lũng cho vay 10 chương trình, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ lớn nhất, trên 86 tỷ đồng; tiếp đến cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, gần 74,5 tỷ đồng; HSSV 26,5 tỷ đồng, hộ cận nghèo trên 21 tỷ đồng; NS&VSMTNT gần 14 tỷ đồng… Nét nổi bật ở Hữu Lũng là sự tham gia tương đối “đều tay” của các cấp hội, đoàn thể, thể hiện qua con số tổng hợp kết quả cho vay ủy thác. Với tổng dư nợ gần 239 tỷ đồng thì dư nợ chủ lực là Hội Phụ nữ 82 tỷ đồng, Hội Nông dân trên 69 tỷ đồng, tiếp đến Đoàn Thanh niên trên 44 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh gần 45 tỷ đồng.

Hữu Lũng có 25 xã, 1 thị trấn. Với 325 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đây là những “cánh tay nối dài” góp phần tích cực chuyển tải vốn của NHCSXH đến 10.339 hộ tại 244 thôn, bản khắp toàn huyện. Dư nợ bình quân đạt 28,33 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2%/tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ quá hạn thấp, phản ánh người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, các hội, đoàn thể nhận ủy thác nâng cao vai trò trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hữu Lũng Vũ Đình Thứ, hoạt động ủy thác vốn vay qua Hội Nông dân với NHCSXH đã dần đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả, phát triển cả về quy mô và chất lượng ủy thác. Hơn một thập kỷ qua, hội luôn duy trì 126 Tổ TK&VV, dư nợ ủy thác năm sau tăng hơn năm trước, cụ thể năm 2014 tăng hơn năm 2013 gần 4 tỷ đồng. Ông Thứ khẳng định: “Những hộ được tiếp nhận vốn vay đã tích cực phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa nghèo bền vững”.

Yên Sơn là xã đặc biệt khó khăn, có 3 dân tộc Kinh, Tày, Nùng cùng sinh sống. Toàn xã có 622 hộ, trong đó có 169 hộ nghèo (27,17%) và 96 hộ cận nghèo (10,6%) chủ yếu làm nông, lâm nghiệp. Hiện nay 2/8 thôn của xã vẫn chưa có điện, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Yên Sơn có 11 Tổ TK&VV, hiện dư nợ gần 7 tỷ đồng, với 7 chương trình cho vay. Trong đó, 2 chương trình cho vay có dư nợ lớn là cho vay hộ nghèo gần 5 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn gần 2 tỷ đồng… Các Tổ TK&VV ở Yên Sơn hoạt động tốt, người vay sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện trả gốc và lãi cho ngân hàng. Điều đáng mừng, tuy ở tận vùng sâu của huyện nhưng những chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách được triển khai kịp thời. Cụ thể, hết tháng 8/2014, 3 hộ nghèo ở trong xã đã được nâng mức vay từ 10 - 15 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng theo mức mới. Anh Trần Văn Trọng ở thôn Nông Thâm, năm 2011 được vay 11 triệu đồng hộ nghèo, tháng 8/2014 được nâng mức vay lên 40 triệu đồng. Anh Trọng phấn khởi cho biết: Cũng như rất nhiều hộ ở trong thôn, trong xã nhà anh không có ruộng. Đợt trước được vay vốn, anh trồng 1.500 cây na, 300 cây nhãn quanh vườn và trên đồi. Năm nay na mới cho thu hoạch vụ đầu, ước chừng doanh thu khoảng trên 10 triệu đồng. Được vay thêm vốn, anh dự định nuôi bò sinh sản, số tiền còn lại chăm sóc vườn na, chuẩn bị cho mùa tới thu hoạch đại trà. Hy vọng gia đình sẽ thoát nghèo bền vững. Cũng ở thôn Nông Thâm, chị Nông Thị Mẫn, 32 tuổi, chồng bị tai nạn cột sống ngồi xe lăn từ năm 2005. 4 năm trước chị được vay 15 triệu đồng, trồng 200 cây na trong vườn và 300 cây trên đồi, năm 2013 thu 40 triệu đồng. Đồng vốn vay đã đến kỳ “đơm hoa, kết trái” chị tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện nay, một mình nuôi chồng bị tai nạn, 1 cháu gái 9 tuổi học lớp 4, chị Mẫn rất mong được tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo để chăm sóc, mở rộng vườn na, phát triển chăn nuôi tăng thêm thu nhập để cái nghèo không bao giờ trở lại với gia đình. Một cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Hữu Lũng nhận xét: “Có thể nói chị Mẫn là điển hình của người nghèo vượt khó, sử dụng vốn vay ưu đãi xóa nghèo hiệu quả ở xã Yên Sơn”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác