NHCSXH là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân

27/01/2014
(VBSP News) Trong 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước trên địa bàn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn. Nhân dịp năm mới 2014, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vịnh (ảnh) - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về những đóng góp của NHCSXH trên địa bàn. 

NHCSXH la cau noi...jpg

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò và những đóng góp tích cực của NHCSXH tỉnh Lào Cai đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua?

Trả lời: Lào Cai, với vị trí là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên 6.357km2 với 25 dân tộc, dân số trên 65 vạn người, có 8 huyện, 1 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn trong đó có 146 xã đặc biệt khó khăn, với 2.205 thôn, bản, tổ dân phố, là một trong những tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cả nước. Để đưa Lào Cai ra khỏi danh sách các tỉnh nghèo, cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ vùng nghèo, vùng khó khăn giúp cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách xã hội cơ bản được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Để đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, Nhà nước đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chính sách trợ giá, trợ cước, chương trình 135, dự án trồng 5 triệu ha rừng… và 11 năm trở lại đây là vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH cho vay.

Qua 11 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã có những đóng góp tích cực đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ trực tiếp về vốn vay ưu đãi để đồng bào vùng cao xóa nghèo. Cùng với các nguồn lực đầu tư khác trên địa bàn vùng dân tộc, nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh góp phần to lớn vào việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng nãm từ 4 - 5%/nãm, không còn hộ đói (hộ nghèo hiện dưới 30%, giảm hơn 50% so với thời kỳ trước năm 2000). Một số huyện vùng cao như Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát và Sa Pa tỉ lệ giảm nghèo hàng năm trung bình 5 - 7%.

Với vai trò tiên phong, đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với đồng bào dân tộc thiểu số, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần đáng kể vào tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình, tạo chuyển biến rõ rệt, làm tăng chủng loại, số lượng tài sản của các thành viên vay vốn. Nhiều hộ biết kết hợp nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH với các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước, của các hội, đoàn thể đã thoát khỏi hộ nghèo, bước đầu vươn lên làm giàu chính đáng. Từ sản xuất đơn thuần dựa vào trồng trọt, đồng bào đã biết áp dụng sản xuất kết hợp với chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng, dịch vụ. Thực tế cho thấy các hộ gia đình nghèo vay vốn ít bị thiếu hụt lương thực hơn trước; mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm tăng cao hơn, bữa ăn hàng ngày được cải thiện, sức mua sắm các dụng cụ, phương tiện sinh hoạt và giải trí nâng cao, mức sống về vật chất lẫn tinh thần được nâng lên.

Việc vay vốn chính sách kết hợp với truyền thông giáo dục đã có tác dụng to lớn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi đối với những người vay vốn tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được trang bị, từ đó, tăng khả năng sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả, vượt được những định kiến của cộng đồng và của chính gia đình trong việc phát triển kinh tế.

Phóng viên: Ông có những yêu cầu và chỉ đạo gì đối với NHCSXH tỉnh Lào Cai nói riêng và kiến nghị với Chính phủ về nguồn vốn tín dụng, đối tượng thụ hưởng nhằm phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới?

Trả lời: Trong thời điểm tài chính chung toàn quốc, toàn cầu gặp khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn có kênh vốn ưu đãi cho người nghèo là thể hiện tính ưu việt và quan tâm đặc biệt đối với đồng bào vùng cao tỉnh Lào Cai nói riêng, người nghèo cả nước nói chung.

Là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã chuyển tải, giải ngân một lượng tiền lớn của Chính phủ đến hàng chục vạn lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua ủy thác đạt doanh số hơn 3.000 tỷ đồng, bình quân đạt trên 300 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng hơn 10 lần so với 2002, bình quân tăng 27%/năm; Nợ quá hạn giảm từ 8% (2007) xuống còn 0,26% (2013). Đây là những con số thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đối tượng nghèo, khó khăn vùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung cũng như người dân trực tiếp sản xuất nói riêng.

Tăng trưởng vốn tín dụng chính sách hơn 11 năm qua được Đảng bộ, chính quyền các cấp ghi nhận và đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách phấn khởi. Chủ trương, chính sách này hợp với ý Đảng - lòng dân, đã tập trung kênh tín dụng chính sách vào một đầu mối, phục vụ có hiệu quả hơn chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững. Kênh tín dụng chính sách có tác dụng như một đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, kích thích hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên, làm quen dần với nền sản xuất hàng hóa, tập lo toan tính toán làm ăn, tạo nguồn thu cải thiện đời sống gia đình để xóa nghèo. Kênh tín dụng chính sách cũng đồng thời có tác dụng góp phần tích cực chống tệ cho vay nặng lãi trong xã hội, nhất là ở các vùng nghèo xa xôi, hẻo lánh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, kênh tín dụng chính sách cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được tiếp tục vươn tới vùng II, vùng III; vùng đặc biệt khó khăn và mở rộng đối tượng cũng như kéo dài thời gian, tăng mức cho vay của một số chương trình tín dụng ưu đãi khác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; quan tâm tới hộ cận nghèo, chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững; bổ sung, chỉnh sửa những quy trình tín dụng còn rườm rà, nhiều cấp quản lý; sớm áp dụng hình thức thanh toán chuyển tiền điện tử; tiếp tục huy động nguồn vốn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước không có lãi hoặc có lãi suất thấp cho chương trình.

NHCSXH tại địa phương cần củng cố và tăng cường hơn nữa sự phối hợp gắn kết chương trình tín dụng ưu đãi với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hướng dẫn cách làm ăn cho hộ theo hướng xóa nghèo bền vững với mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa.

Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể tách rời hoạt động tín dụng của NHCSXH. Trong thời gian tới, để đồng bào nghèo được tiếp cận nhiều hơn nữa với nguồn vốn ưu đãi, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngoài nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động từ các Bộ, ngành, tổ chức nước ngoài, cần có cơ chế tạo nguồn vốn ổn định cho NHCSXH, kể cả việc các tổ chức tín dụng tham gia gửi 2% theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Duy trì tăng trưởng dư nợ ở mức cao 18 - 20%, góp phần cùng địa phương giảm bình quân mỗi năm từ 4 - 5% hộ nghèo; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, chống tham nhũng, lãng phí, giảm chi phí quản lý để tiết kiệm chi cấp bù cho ngân sách Nhà nước.

Lục Văn Toán

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác