Bài 3: Xã “xuất khẩu lao động”
Một người vay vốn, cả xã được nhờ
Ông Lô Văn Cáng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu nhấn mạnh câu “một người vay vốn, cả xã được nhờ” không phải nói cho vui, cho sướng miệng. Bởi lẽ đơn giản ai cũng cảm nhận được kể cả du khách nước bạn Lào qua đây. Đó là, một nhân lực trong một hộ nghèo XKLĐ thì gia đình họ có một ngôi nhà mới - ngôi nhà xoá nghèo. Nhà này nối nhà kia thành dãy nhà đẹp cho bản, cho xã cửa ngõ của huyện.
Chúng tôi được dịp kiểm chứng “lẽ đơn giản” đó tại 11 bản của Chiêu Lưu từ bản Cù, bản Khe Nằn đến bản Lăn, bản Tạt Thoong… tất cả 11 bản này đều có người XKLĐ. Tại bản Khe Nằn, chúng tôi ngạc nhiên trước ngôi nhà sáng trắng màu sơn của anh Vi Văn Mây, nổi lên giữa núi rừng. Trong nhà, hai bà cháu đang ngồi xem ti vi. Bà là Nguyễn Thị Tha, mẹ anh Mây. Cháu nhỏ là con của vợ chồng anh Mây.
Bà Tha cho biết: “Mây XKLĐ tại Đài Loan năm 2021. Đầu năm 2023 nó về trả vốn cũ cho NHCSXH huyện Kỳ Sơn, vay vốn mới đưa vợ là Moong Thị Liên cùng đi. Cháu đích tôn gửi ông bà. Lần này, hai vợ chồng được vay 300 triệu đồng. Ngôi nhà mới nhờ tiền của vợ chồng gửi về. Hơn 1 tỉ đồng đấy”.
Bà Tha chỉ tay sang căn thấp bé bên cạnh, cho hay khi Mây XKLĐ, cả gia đình ở trong căn nhà tạm như thế này. Đó là căn nhà cột kê, vách thưng phên, mái lợp fibro xi măng. Theo bà Tha, căn nhà tạm của con gái. Hiện con gái cũng đang XKLĐ. Ít năm nữa về trả hết vốn vay, làm nhà mới để thoát nghèo như anh trai.
Hỏi nguyên nhân con trai của bà có chuyến xuất ngoại đầu tiên, bà Tha trải lòng: “Vợ chồng tôi nghèo nên con cái cũng nghèo theo. Nhưng lớp trẻ bây giờ không cam chịu nghèo khó như bố mẹ nó ngày xưa nên khi huyện, xã phổ biến chủ trương XKLĐ để làm kinh tế, lại được NHCSXH huyện cho vay vốn, vợ chồng tôi giục con đăng kí ngay. Bởi bố mẹ hai bàn tay trắng, lấy gì giúp con”. Nói đoạn, bà Tha nói trải lòng về sự biết ơn: “Cái nhà này có thể xem Nhà nước “tặng” cho mẹ con tôi hơn nửa”.
Cách nhà bà Tha khoảng cây số là nhà ông Kha Văn Nam, Bí thư Chi bộ bản Hồng Tiến. Ông Nam có con Kha Văn Thu XKLĐ tại Đài Loan. Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Nam đang đứng nhìn đàn gà 50 con ăn cám. Ông Nam bảo, đàn gà chất lượng này ít hôm nữa bán cho khách buôn. Tiền bán gà cộng với tiền lãi từ 4 con trâu và tiền con gửi về sẽ trả hết vốn vay cho ngân hàng trong năm nay.
Con trai ông Nam vay 67 triệu động từ NHCSXH huyện Kỳ Sơn, XKLĐ hồi tháng 7-2022. Trước đây, hai cha con làm nghề thợ mộc nhưng khi được vận động XKLĐ, ông Nam khuyên con nên đi vì đây là cơ hội được ra nước ngoài lại kiếm được tiền để phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo. Hồi ấy, gia đình ông Nam cũng ở nhà tạm như bà Tha. Năm 2023, ngôi nhà mới xây xong, gia đình ông Nam thoát nghèo.
Rời bản Hồng Tiến, chúng tôi khi ngồi xe ôm, khi “cuốc” bộ theo ông chủ tịch xã suốt hai giờ dưới mưa rừng, lên C5 (khu vực trang trại của người dân Chiêu Lưu) tìm gặp ông Lương Văn Hoan đang chăn đàn bò, dê ở khu vực rừng Sa Năm Pu Hạnh.
Chúng tôi lên đến nơi, thấy ông Nam đang rắc muối cho bò ăn. Ông là dân lành nhưng trông vóc người dỏng cao, da ngăm đen, mái tóc sương gió, ánh mắt sắc lẹm, hông đeo dao mẹo giống hệt “dân rừng” đi tìm trầm. Biết chúng tôi là nhà báo tìm hiểu chuyện vay vốn XKLĐ, ông bảo: “Tiền của thằng Biên XKLĐ bên Đài Loan gửi về cho bố chăn nuôi đây. 15 con bò, 23 con dê, 6 con lợn. Nhìn thế thôi chứ quy ra tiền là 150 triệu đồng đấy. Lúc mới mua chỉ 60 triệu đồng thôi. Lãi to rồi”.
Chúng tôi hỏi vui: “Chỉ riêng khoản tiền này thì khi trả hết vốn vay cho NHCSXH huyện, gia đình ông còn “ẵm” nhiều lắm”. Ông Hoan cười khà khà: “Năm 2022, thằng Biên vay NHCSXH huyện Kỳ Sơn 80 triệu đồng đi XKLĐ. Nay bố con tôi trả gần hết rồi, chỉ còn 10 triệu đồng. Kỳ hạn vay 3 năm nhưng bố con trả nợ trước hạn. NHCSXH huyện trợ lực hay thế, tử tế thế ai nỡ “om” tiền trong túi mần chi”.
“Thằng Biên” mà ông Hoan nhắc là Lương Văn Biên, con thứ ba. Trước khi XKLĐ, Biên theo bố làm rẫy. Quanh năm mưa nắng trên rẫy cũng chỉ đủ ăn, chưa sắm được ti vi, tủ lạnh…như bây giờ. Chúng tôi lại thăm dò vui: “Con đi XKLĐ, gia đình có đỡ hơn so với nghề làm rẫy?”. Ông Nam lại cười khà khà: “Con trai XKLĐ được một năm là cả nhà thoát nghèo thì biết đỡ hay không”.
“Xã Chiêu Lưu là xã “đặc thù” bởi xã nghèo “nhiễm độc” ma tuý. Nhưng đây là xã có nhiều XKLĐ. Họ vay vốn và trả vốn sòng phẳng, tốt nhất huyện Kỳ Sơn. Từ khi vay vốn XHLĐ đến nay, nợ xấu của người lao động Chiêu Lưu là “không đồng”. Vốn vay được phát huy thấy rõ. Chủ trương XKLĐ đang tiếp tục triển khai sâu rộng hơn để chứng tỏ-đồng vốn vay nhân văn và ưu việt của Nhà nước được thực hiện đúng ý Đảng, lòng Dân như chức năng cốt lõi của NHCSXH”, ông Vi Hoè - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn
Mũi nhọn kinh tế của xã cửa ngõ
Cũng như ông Lô Văn Cáng, ông La Văn Táy, Bí thư Đảng ủy xã đều là cán bộ mới của xã Chiêu Lưu nhưng cả hai vị đều rất “mê”, rất “thạo” việc XKLĐ. Ví như, nắm chắc số người XKLĐ tại từng bản; từng nước; số người đã đi, đã về và đang ở lại.
Ông Táy nói: “Chiêu Lưu từng là điểm “nóng” nhất Kỳ Sơn về ma tuý. “Nóng” đến mức, hễ trên cầu Khe Nằn có lá cây xanh rải rác là ám hiệu cho biết trên rừng có ma tuý. Khi Công an chính quy về xã là cơ hội cho cơ quan chức năng dẹp bỏ 100% tệ nạn này trong năm 2020. Xã nghèo lại vừa nhiễm độc ma tuý thì càng nghèo hơn”. Ông Táy dẫn chuyện này để nhấn mạnh rằng, Đảng ủy Chiêu Lưu xác định, đối với xã biên giới chỉ có XKLĐ mới xoá được nghèo. XKLĐ là “mũi nhọn” kinh tế giúp xã nghèo biên giới vững chắc mọi mặt, nhất là an ninh, quốc phòng. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm nên khi thực hiện chủ trương, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhịp nhàng. Vì ý Đảng đã rõ. Còn lại là ở lòng dân”, ông Táy nhận định.
Bàn về “lòng dân”, ông Cáng cho hay, lúc đầu khó khăn nhất là tìm cách truyên truyền như thế nào để vận động được dân bản đi XKLĐ. Khó là bởi trong cả 11 bản rất ít người tốt nghiệp THPT; ít người đi ra khỏi địa bàn xã, huyện; nhận thức hạn chế; lo sợ ra nước ngoài lao động nặng nhọc, lương thấp. Nhận biết đây là trở ngại chính, lãnh đạo địa phương kết hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện cùng các Công ty tuyển dụng XKLĐ và NHCSXH huyện mở Hội nghị bàn thảo về lợi ích XKLĐ với những lao động chính của 11 bản. Các đơn hàng, đi nước nào, làm gì, mức lương cụ thể lần lượt được công bố tại đây.
Thời sự nhất là khi biết NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn thì dân bản ngỡ ngàng, bởi trước đây cần vốn kinh doanh nhưng không biết vay ai. Nay NHCSXH huyện cho mỗi người XKLĐ vay 100 triệu đồng/chu kì ba năm thì dân bản mới vỡ ra “100 triệu đồng là rất lớn, mình vừa được vay vốn vừa có việc làm là một cơ may hiếm có để xoá cảnh nghèo đeo đẳng bao đời”. Ông Cáng vui nói: “Sự vỡ ra này chứng tỏ lòng dân đã thuận. Vì vậy, họ đặt bút đăng kí XKLĐ. Tiếp đó, đại diện UBND xã cùng NHCSXH huyện và tổ vay vốn từng bản đến từng nhà có người XKLĐ xem xét, thống kê tài sản, xác định người thừa kế rồi mới kí quyết định chuyển NHCSXH huyện. NHCSXH huyện xem xét lần cuối trước khi cho vay”.
Ông Cáng đúc kết gọn: “Tại thời điểm này, Chiêu Lưu có 153 người XKLĐ. 152 người tiếp tục ở lại lao động tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, An-giê-ri, Ba Lan và Trung Quốc. Hiện xã có 73 ngôi nhà đẹp “mọc” lên khắp 11 bản làng gần xa là nhà của 73 hộ thoát nghèo nhờ XKLĐ. Sắp tới sẽ còn nhiều ngôi nhà mới nữa”.
Bài và ảnh Vũ Toàn
Các tin bài khác
- » Bài 3: Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
- » Bài 2: Khi mỗi người dân đều là “trợ công” triển khai chính sách
- » Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách