Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai
Qua hơn 20 năm hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Chi nhánh đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng; tốc độ tăng trưởng nguồn vốn lớn, quy mô tín dụng ngày càng tăng. Với hoạt động mang tính đặc thù cao, thực hiện ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro, giảm thiểu tổn thất, phát huy hiệu quả, bảo toàn đồng vốn chính sách. Trong đó, công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng là yêu cầu cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong hoạt động tín dụng của chi nhánh.
Dựa trên cơ sở hoạt động của chi nhánh giai đoạn 2019 - 2023, nhóm nghiên cứu đề tài đã phân tích, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tác động của công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng đến các mặt hoạt động của chi nhánh; những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, phát huy tính chủ động trong công tác phòng ngừa sai phạm và kịp thời xử lý các tồn tại, hạn chế trong hoạt động triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh đã xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát phù hợp với mô hình hoạt động với hệ thống tổ chức và hệ thống chỉ tiêu dự báo, kiểm soát từ xa. Tăng cường công tác kiểm tra đối chiếu đối với hộ trước, trong và sau khi vay vốn; đào tạo hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro. Công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng đã và đang góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đưa nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 2019 - 2023, với trên 20 chương trình chi nhánh đang triển khai đã hỗ trợ cho trên 93 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng số tiền đạt 5.666 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 1.133 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2023 đạt 4.405 tỷ đồng. Nguồn vốn của chi nhánh liên tục tăng trưởng qua các năm và đa dạng về đối tượng thụ hưởng, giai đoạn 2019 - 2023, tổng nguồn vốn tăng 1.504 tỷ đồng, tương đương 51,8%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 4.405 tỷ đồng, tăng 1.504 tỷ đồng so với 31/12/2019, với 72.484 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 60,77 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn đạt 2,96 tỷ đồng, chiếm 0,07% tổng dư nợ. Qua đó, đã giúp cho gần 10 nghìn lượt hộ thoát ngưỡng nghèo, duy trì và tạo thêm việc làm cho 21.529 lao động, tạo điều kiện cho 1.480 lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng 41.416 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống và xây dựng 857căn nhà.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng tại chi nhánh mới dừng lại ở việc kiểm tra tính tuân thủ, chưa chú trọng vào việc kiểm tra đánh giá, cảnh báo sớm nhằm phát hiện các rủi ro tiềm ẩn để có thể cảnh báo kịp thời về những điểm yếu trong quy trình nghiệp vụ tín dụng. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát để vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách tốt nhất vừa kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng nhằm quản lý nguồn vốn tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế đánh giá cao những nội dung mà nhóm nghiên cứu đề tài trình bày. Đề tài là một công trình khoa học độc lập, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, góp phần ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và chỉnh sửa những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai; bảo đảm các quy trình nghiệp vụ quản lý, sử dụng nguồn vốn và các nguồn lực an toàn, hiệu quả.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến các thành viên nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu. Với những nghiên cứu rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình phát triển NHCSXH, đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
PV
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Dấu ấn tín dụng chính sách tại Đắk Nông
- » Tăng cường triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội
- » Tạo sinh kế cho người lầm lỗi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Huyện Quỳ Châu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo sức bật cho tín dụng chính sách
- » “Đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030