Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn dưới 5 %

21/07/2014
(VBSP News) Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 như Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội, ngoài sự vào cuộc của các Ban, ngành liên quan cùng với nỗ lực phấn đấu của chính các hộ nghèo thì NHCSXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển tải vốn ưu đãi, tạo nền tảng cho người nghèo vươn lên.
11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH Ảnh: VBSP News

11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác
được vay vốn từ NHCSXH
                                                                                                                                                            Ảnh: VBSP News

Tất cả vì người nghèo

Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ, đến năm 2015 đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách và nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp.

Giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết xác định: Đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016 - 2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo, lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực.

Để đạt các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra các giải pháp: tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng, đào tạo nghề hợp lý, hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đang thiếu đất sản xuất; kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất, đồng thời có chính sách giải quyết tình trạng di cư tự do ở một số địa phương. Bảo đảm ít nhất 90% số hộ cận nghèo tham gia BHYT; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

NHCSXH - nhân tố quan trọng

Để đồng vốn đến tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác thì vai trò của NHCSXH không hề nhỏ, đồng thời là nhân tố quan trọng thực hiện tốt các Nghị quyết “vì người nghèo” của Chính phủ, nhất là Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội.

Điều đó chứng minh kết quả thực hiện các chương trình cho vay của NHCSXH qua từng thời kỳ. Cụ thể, mới đây, báo cáo với đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết: tổng dư nợ của NHCSXH đến 30/6/2014 đạt 126.666 tỷ đồng, gấp trên 18 lần so với thời điểm thành lập (năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%. Hiện có gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập với dư nợ bình quân hơn 18 triệu đồng/khách hàng (tăng hơn 15 triệu đồng/khách hàng). Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ là 9.796 tỷ đồng với hơn 422.000 khách hàng còn dư nợ.

Trong hơn 11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,2 triệu hô vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó trên 102 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3.236 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 5.766 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 chòi tránh lũ cho hộ nghèo tại 7 tỉnh miền Trung, gần 95 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL và Tây Nguyên, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách khác chưa có nhà ở trên toàn quốc… Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Khi thành lập chỉ với 3 chương trình tín dụng chính sách nhận bàn giao, đến nay, NHCSXH đang triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của địa phương, các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Khách hàng của NHCSXH là những đối tượng chính sách, gặp khó khăn về tài chính, nhưng chỉ số nợ xấu luôn ở mức rất thấp, thể hiện chất lượng cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, hoạt động của NHCSXH đã nhận được ủng hộ, đồng tình của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mô hình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH đã củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên).

Bên cạnh đó, hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn quốc, xuống tận các xã, là điều kiện để xóa tình trạng “xã trắng“ tín dụng của Nhà nước. Đặc biệt, mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho rằng, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nông dân nâng cao đời sống, thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, thời gian tới, NHCSXH cần thêm nguồn vốn để tiếp tục cho vay các chương trình và nâng mức cho vay đối với một số chương trình như cho vay xây công trình vệ sinh môi trường nông thôn, cho hộ nghèo vay làm nhà ở…

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ: “Mô hình cho vay của NHCSXH đã gắn kết ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy được thế mạnh của các tổ chức, giảm chi phí hành chính, tăng khả năng hoàn trả vốn. Đơn cử như dư nợ ủy thác cho vay qua Hội Phụ nữ đã đạt trên 50 nghìn tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn chỉ 0,45%. Trong đó, nhiều tỉnh có dư nợ cao nhưng nợ quá hạn cũng chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ. Đặc biệt, hội viên phụ nữ không chỉ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích mà còn tăng cường tiết kiệm, tham gia gửi tiết kiệm qua NHCSXH với tổng số tiển đến nay đạt 1.200 tỷ đồng”.

Cùng chung cảm nhận với Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa và nhằm đạt kết quả cao hơn nữa trong việc giảm nghèo bền vững trên toàn quốc, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam Nguyễn Song Phi đề nghị: “Đảng và Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực hơn nữa với tinh thần tất cả xã hội cùng vào cuộc. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách tăng nguồn cho NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp của ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát cho vay, để không xảy ra thất thoát vốn”.

Theo Nhất Nam - Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác