Tọa đàm trực tuyến “Thực hiện chính sách xã hội đối với người có công”
Khách mời tham gia tọa đàm gồm có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tí; Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH Hoàng Công Thái; Cục phó Cục Chính sách quân đội - Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Quốc Dũng và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp.
Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm đã diễn ra Lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng 05 căn nhà tình nghĩa của các đơn vị tham gia chương trình cho gia đình chính sách, người có công ở một số địa phương còn nhiều khó khăn. Các căn nhà sẽ do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Người có công - Bộ LĐTBXH trao trực tiếp cho các gia đình chính sách.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách pháp luật về người có công. Chính sách này gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến đời sống hàng ngày của hàng triệu người có công. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện còn những vấp váp, vướng mắc như chưa đến được đúng đối tượng, chưa kịp thời…; hệ thống chính sách xã hội đối với người có công vào cuộc sống cũng bộc lộ những bất cập, có chỗ không phù hợp và trắc trở trong thực thi. Toạ đàm nhằm góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách xã hội đối với người có công vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với người có công.
Toạ đàm nhằm góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách xã hội đối với người có công vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với người có công.
Dưới đây là nội dung chương trình Tọa đàm:
MC: Thưa Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, là người có nhiều năm công tác ở Quốc hội và trực tiếp tham gia xây dựng, giám sát thực hiện những vấn đề về chính sách xã hội, ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách xã hội nói chung và đối với người có công nói riêng?
Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng: Là người được trực tiếp phân công công tác ở lĩnh vực này, chúng tôi thấy điều rõ rệt nhất là hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta về người có công ngày càng được hoàn thiện từ những quy định rất cơ bản trong hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013, cho đến những quy định cụ thể trong những pháp lệnh, trong những văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng đã tạo được những tác động hết sức tích cực và to lớn, theo chúng tôi, những mặt nổi bật nhất bao gồm:
Thứ nhất, có thể nói những chính sách ưu đãi đối với người có công là sự tiếp nối và khẳng định truyền thống và đạo lý rất tốt đẹp của dân tộc ta đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Việc thực hiện chính sách có giá trị tinh thần hết sức to lớn. Chúng tôi cho rằng hệ thống chính sách đối với người có công là sự tiếp tục và nuôi dưỡng mạch nguồn của tình cảm yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Truyền thống này, yêu cầu này có lẽ thời nào cũng cần bởi chúng ta vừa dựng nước, vừa giữ nước.
Thứ hai, chúng tôi cũng đánh giá những chính sách đối với người có công, đặc biệt là những chính sách về phụ cấp, trợ cấp thường xuyên hoặc một lần, những chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh và những chính sách khác đã thực sự góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.
Theo số liệu mà Chính phủ báo cáo thì hiện nay chúng ta có gần 9 triệu người có công đã được công nhận và đang được thụ hưởng các chính sách tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi. Những chính sách mà chúng ta đã quy định có thể nói là rất toàn diện, đã tác động trực tiếp vào việc bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của người có công. Chúng tôi được biết rằng tuyệt đại bộ phận người có công và gia đình có mức sống trên mức sống trung bình ở địa bàn khu vực dân cư nơi gia đình người có công lưu trú.
Thứ ba, chúng tôi đánh giá là tác động của chính sách ưu đãi đối với người có công mang tính xã hội hóa rất cao. Chính tính xã hội hóa rất cao này đã tạo nguồn lực rất mạnh mẽ để cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện tốt chính sách tôn vinh, khen thưởng và chăm sóc tốt người có công. Điều quan trọng hơn là tính xã hội hóa này cũng góp phần tạo nên tình cảm xã hội rất rộng lớn và góp phần vào việc chúng ta tiếp tục khẳng định truyền thống, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta, của đất nước ta.
Thứ tư, chúng tôi cũng đánh giá việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công đã góp phần quan trọng để ổn định tình hình và tạo thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, đối với Nhà nước, từ đó góp phần bảo đảm và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần trực tiếp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của đất nước.
MC: Xin được hỏi Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tí: Công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, là điều kiện để thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công. Theo ông, thời gian qua công tác này được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí: Chính sách đối với người có công với cách mạng là một chính sách lớn, luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. 69 năm qua, theo đà phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng dần đối tượng thụ hưởng và nâng dần chế độ ưu đãi. Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước thì các nguồn lực xã hội cũng được huy động nhiều hơn để chăm lo cho người có công với cách mạng thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là việc xây dựng, sửa chữa nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ được quan tâm thường xuyên; việc quy tập hài cốt liệt sĩ cũng như xác định thông tin liệt sĩ cũng được đẩy nhanh. Trên thực tế, qua tổng rà soát, việc thực hiện chính sách đối với người có công do Bộ LĐTB&XH, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua cho thấy, hầu hết các gia đình có công với cách mạng đều được thụ hưởng một cách đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đến nay, khoảng 97% số hộ gia đình có cuộc sống bằng hoặc cao hơn của cư dân nơi cư trú.
Trên thực tế, còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu, nhiều vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ nhưng kết quả đạt được vừa qua là một nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Nhờ sự quan tâm đó, góp phần tích cực động viên tinh thần, cũng như góp phần giúp cho các gia đình có công với cách mạng ổn định và cải thiện cuộc sống của mình. Đây cũng điều kiện rất tốt để chúng ta phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
MC: Thưa Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, trong đó có hỗ trợ về tín dụng để người có công phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nhà ở… Là ngân hàng của Chính phủ được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, vậy NHCSXH thực hiện các chính sách này đối với người có công như thế nào? Hiệu quả mà tín dụng chính sách đó mang lại ra sao, thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp: Trong những năm qua, NHCSXH được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho NHCSXH thực hiện tín dụng chính sách của Chính phủ trên tất cả các tỉnh, thành cả nước. Qua đó, 4 tổ chức chính trị - xã hội luôn đồng hành cùng NHCSXH triển khai chính sách tín dụng đúng đối tượng, có hiệu quả, mang lại hiệu quả hết sức tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, thực hiện những mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt trong thời gian qua.
Đến nay, chưa có chương trình tín dụng chính sách nào dành riêng cho người có công. Tuy nhiên, những chương trình tín dụng chính sách Chính phủ đã ban hành cũng đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cũng như thực hiện các chương trình tín dụng khác phù hợp với cuộc sống hàng ngày của bà con các địa phương, trong đó có người có công. Hiện, trên 7 triệu hộ gia đình đã vay vốn của NHCSXH với tổng dư nợ 150 nghìn tỷ đồng. Điều quan trọng hơn, trách nhiệm người vay rất tốt, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH luôn dưới 1%, trong đó có trách nhiệm rất cao của người có công. Trong tổng số hơn 7 triệu khách hàng của chúng tôi có gần 2 triệu hộ là gia đình người có công, TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong thời kháng chiến trở về, thực hiện cho vay giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chương trình tín dụng HSSV, chương trình nhà ở cho hộ nghèo… Đó là những chương trình tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của các gia đình người có công cũng như các đối tượng chính sách nói chung.
Chúng tôi rất là phấn khởi khi đến nay, chưa có trường hợp nào mà chúng tôi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của gia đình người có công mà NHCSXH chưa đáp ứng được. NHCSXH cũng đang triển khai 19 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đặc biệt là chương trình giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu lâu dài cho tất cả các đối tượng. Hiện nhu cầu giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn đang rất lớn, muốn làm được việc này phải có nguồn lực, qua đó hạn chế tình trạng tín dụng đen hoành hành ở nông thôn thời gian qua. Những đối tượng chính sách không có khả năng tiếp cận tín dụng thương mại, nếu họ có nhu cầu mà NHCSXH không đáp ứng được thì sẽ tạo ra khoảng trống để tín dụng đen có đất hoành hành.
Thời gian tới, ngoài các chương trình tín dụng trọng điểm, chương trình giải quyết việc làm là một trong những chương trình Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và chúng tôi sẽ tích tham mưu tạo nguồn lực, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Gần 5 năm qua, cán bộ, viên chức NHCSXH đã tham gia chương trình an sinh xã hội, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa với tổng giá trị trên 90 tỷ đồng. Gần đây nhất, cán bộ, viên chức trong hệ thống NHCSXH đã tham gia đóng góp để xây dựng trại sáng tác điêu khắc đá “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và Hồi sinh” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với 22 bức tượng, nhằm tôn vinh những chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972. Với các hoạt động của mình, cán bộ NHCSXH đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ người có công.
Thời gian tới, rất mong Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện. Đặc biệt là nguồn lực từ Trung ương và địa phương cùng nhau thực hiện mới giải quyết được vấn đề.
MC: Thưa Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, cử tri cũng quan tâm đến những trường hợp cụ thể, tồn đọng do vướng mắc về thủ tục giấy tờ công nhận. Vậy, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công nổi lên vấn đề đáng quan tâm nhất là gì, thưa ông?
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí: Như tôi đã nói, trên thực tế vẫn còn đó những khó khăn, bất cập mà chúng ta cần phải tập trung để giải quyết. Thứ nhất, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 2 nghìn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh chưa được công nhận, chưa được xem xét và 70 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng đang đề nghị được hưởng chính sách người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Đặc biệt, còn hai vấn đề tiếp theo đó là còn khoảng 2 trăm nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang và 3 trăm nghìn liệt sĩ được quy tập nhưng chưa có đầy đủ thông tin. Đây là day dứt lớn nhất, là món nợ lớn nhất của đất nước ta đối với liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công. Do vậy, việc giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong toàn bộ hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng.
Thực tế, việc giải quyết vấn đề này phức tạp, khó khăn. Nhưng dù khó khăn, phức tạp đến mấy thì vẫn phải bằng quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất bằng tất cả tấm lòng kính trọng và tri ân sâu sắc của chúng ta với những người có công với cách mạng. Bởi không có sự cống hiến, hy sinh của những lớp cha anh thì chúng ta không có cuộc sống như ngày hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải tập trung cao nhất, trong thời gian ngắn nhất đạt được kết quả cao nhất, đáp ứng được lòng mong đợi không chỉ người có công với cách mạng mà còn là lòng mong đợi thiết tha, cháy bỏng của các đồng chí, đồng đội của chúng ta.
MC: Thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang gặp nhiều khó khăn phức tạp. Vậy Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái có thể cho biết đó là những khó khăn gì và nguyên nhân do đâu?
Cục trưởng Hoàng Công Thái: Chính sách cho người có công có từ rất sớm, từ năm 1947, nhưng chính sách cho người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học thì có sau, đến năm 2000 mới bắt đầu thực hiện chính sách này. Và khi bắt đầu thực hiện chính sách thì người nhiễm chất độc hóa học là đối tượng bảo trợ xã hội chứ chưa phải người có công. Sau này chúng ta sửa đổi pháp lệnh mới đưa người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học là đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công.
Quá trình chuyển đổi từ đối tượng bảo trợ xã hội sang người có công có những tiêu chí khác nhau và ưu đãi cũng khác nhau. Trước kia, người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học hưởng theo bảo trợ xã hội thì chỉ có trợ cấp, mức 80.000 và mức 100.000/người/tháng. Sau chuyển sang người có công thì trợ cấp được tăng lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng những chính sách khác kèm theo như những người có công khác như chính sách BHYT, chính sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo, điều dưỡng và khám chữa bệnh… Chính vì thế, quá trình chuyển đổi cũng có những phức tạp riêng.
Thứ hai, đối với người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học, chúng ta chưa thể xác định chính xác 100% người nào nhiễm chất độc hóa học, mà chỉ là những người tham gia trong vùng rải chất độc hóa học và mắc bệnh liên quan đến phơi nhiễm, chứ không phải khẳng định người đó nhiễm chất độc hóa học. Ở đây có hai cái vướng: Thứ nhất là từ pháp lệnh cũ chuyển sang pháp lệnh mới, khi xét hai mức trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học sang. Thứ hai là tiêu chí khám bệnh và giám định cho người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học còn vướng. Hai vướng này gây ra trong quá trình thực hiện cho người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học nhiều thắc mắc, khiếu nại.
Thời gian vừa qua Bộ LĐTB&XH thực hiện Nghị quyết 10 của Chính phủ đã ban hành Thông tư 22, chuyển xếp lại đối tượng đang ở mức trợ cấp cũ lên mức trợ cấp mới, mức 4 chuyển lên mức 3, nâng mức hỗ trợ cho đối tượng này lên.
Thứ hai, liên Bộ Y tế và Bộ LĐTB và XH đã ban hành Thông tư 20, sửa đổi Thông tư 41 về giám định người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học, Trong đó có hai điểm đáng chú ý nhất, thứ nhất là đối với những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, việc khám giám định ở các địa phương chênh lệch nhau rất nhiều, gây ra sự thắc mắc khiếu nại, cho rằng địa phương làm quá chặt, địa phương làm quá lỏng. Đến nay Thông tư 20 này khẳng định bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính chỉ tái phát trong từ 1 đến 5 tuần sau khi bị. Có quy định này là điều kiện cho các hội đồng thống nhất trong việc khám giám định cho đối tượng này.
Thứ hai đối với bệnh tiểu đường, trước kia cũng có nhiều ý kiến các nhau, đến nay Bộ Y tế bổ sung thêm 1 xét nghiệm chỉ số HCB1C, xét nghiệm này sẽ khẳng định rõ đối tượng bị tiểu đường, nó sẽ tạo nên sự đồng thuận cao hơn nữa đối với những người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc hóa học.
MC: Thưa ông Đỗ Mạnh Hùng, nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã có cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Vậy qua giám sát có những vướng mắc và bất cập gì, thưa ông?
Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng: Qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và đặc biệt là qua giám sát của UBTVQH năm 2012 đối với việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công, chúng tôi thấy có 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, đúng là trên thực tế còn tồn đọng một bộ phận những người thực sự có công lao, có đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, nhưng do những vướng mắc về mặt giấy tờ, hồ sơ, thủ tục nên đến nay vẫn chưa được công nhận và tôn vinh người có công. Và như đồng chí Thứ trưởng có nói trong này có cả những trường hợp là liệt sĩ, có cả những trường hợp là thương binh, có cả những trường hợp là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và những trường hợp khác…
Thứ hai, là danh mục và quy trình khám, giám định để xác nhận công nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng còn gây ra những tồn đọng, vướng mắc. Ngay các nhà chuyên môn của Bộ Y tế nói rằng một người bị bệnh ung thư thì cũng không thể nào phân biệt rõ được là người đó bị ung thư do liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học hoặc là do cơ địa, môi trường… mang lại. Hai trường hợp ung thư này không có gì khác nhau cả về mặt bệnh lý. Nhưng chúng ta vẫn phải có những quy định để xác minh làm rõ, trên cơ sở đó công nhận người đó là người tham gia kháng chiến vì nhiễm chất độc hóa học. Đây là tồn đọng tôi cho là cũng rất cần quan tâm.
Thứ ba là vấn đề nhà ở. Trong phóng sự trình chiếu lúc đầu chúng ta xem đúng là vẫn còn một bộ phận người có công và thân nhân hiện nay chưa được hỗ trợ một cách kịp thời và cần thiết về nhà ở. Theo số liệu giám sát năm 2012 của UBTVQH thì các địa phương báo cáo có khoảng 80 nghìn hộ người có công đang ở nhà tạm hoặc là nhà xuống cấp cần phải có sự hỗ trợ để xây mới và sửa chữa. Sau khi UBTVQH có Nghị quyết 494 về quy định bố trí ngân sách để hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng người có công và Chính phủ có Quyết định 22 thì các địa phương có tổng hợp lại và báo cáo về Bộ LĐTB&XH để báo cáo về Chính phủ và báo cáo với UBTVQH thì con số không phải là 80 nghìn nữa mà khoảng trên 320 nghìn. Cho đến nay, mặc dù chúng ta rất cố gắng, nỗ lực và đã hỗ trợ được xấp xỉ 90 nghìn hộ nhưng vẫn còn khoảng 260 nghìn hộ người có công và thân nhân cần phải được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Thứ tư, vấn đề mộ liệt sĩ, chúng ta có 1 triệu 146 nghìn liệt sĩ, nhưng trong đó có hơn 500 nghìn liệt sĩ đang ở tình trạng chưa tìm được mộ hoặc đã có mộ ở trong các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Chính phủ cũng có hai đề án để xử lý, giải quyết vấn đề này là Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được giao cho Bộ Quốc phòng và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giao cho Bộ LĐTB&XH chủ trì. Nhưng công việc này rất khó khăn bởi vì chiến tranh đã lùi xa và những thông tin giúp xác định được hài cốt là càng ngày càng khó khăn.
Thứ năm, mặt tốt của chính sách là quan tâm, tôn vinh, ghi nhận, khen thưởng, ưu đãi đối với người có công. Điều đó cũng tạo ra một dư địa để cho một số người lợi dụng chính sách để làm giả, khai man hồ sơ thụ hưởng chính sách không đúng pháp luật
MC: Thực hiện chính sách đối với người có công thuộc quân đội quản lý hiện có vướng mắc, bất cập. Đặc biệt tình hình, kết quả và những khó khăn đặt ra trong công tác quy tập hài cốt liệt sĩ? Xin ông cho biết rõ thêm về vấn đề này?
Cục phó Cục Chính sách quân đội Trần Quốc Dũng: Như chúng ta đã biết, đất nước ta đã trải qua những năm dài chiến tranh, đã có hàng triệu người hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các đối tượng là người có công với đất nước. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công cũng được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện giúp công tác tổ chức thực hiện chính sách với người có công tốt hơn, đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, chiến tranh đã lùi xa để lại hậu quả rất nặng nề, công tác đăng ký quản lý trong chiến tranh còn nhiều khó khăn và điều kiện thiên nhiên thì khắc nghiệt, vì vậy thực hiện chính sách đối với người có công nói chung và đối với người có công thuộc quân đội quản lý cũng có những khó khăn riêng. Cụ thể:
Thứ nhất, các điều kiện để thực hiện chính sách như hồ sơ, giấy tờ gốc, sổ sách đăng ký, quản lý không đầy đủ, công tác bàn giao đối với các đơn vị sát nhập, giải thể, chia tách cũng đang thiếu chặt chẽ.
Thứ hai, thực tiễn quản lý trước đây chưa được quan tâm đúng mức, các vấn đề như tẩy xóa, sửa chữa, làm thất lạc hồ sơ dẫn đến quá trình xét duyệt, thẩm định hết sức khó khăn.
Thứ ba, như chúng ta đã biết, chiến tranh hết sức ác liệt, nhiều tình huống phức tạp, do đó điều kiện đối với người có công như hy sinh, bị thương, bị bệnh, mất tích… cũng diễn ra hết sức phức tạp, đa dạng nên khi xét duyệt cụ thể cũng hết sức khó khăn.
Thứ tư, chế độ chính sách của chúng ta mỗi thời kỳ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội nên khi xét các điều kiện cụ thể cũng nảy sinh những vấn đề tính nhất quán và tính công bằng đối với các đối tượng.
Thứ năm, khối lượng công tác chính sách rất lớn nhưng đội ngũ làm công tác chính sách còn mỏng, một số cán bộ làm công tác chính sách còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên khi xét duyệt, xử lý các vấn đề về chính sách hoặc là chậm trễ, hoặc là thiếu nhạy bén, linh hoạt đôi khi gây búc xúc cho các đối tượng.
Về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng gặp những khó khăn, dù đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực. Như số liệu Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tí nêu, hiện nay chúng ta chỉ mới tìm kiếm được trên 900.000 hài cốt liệt sĩ, số còn lại khoảng 200.000 chúng ta phải tìm kiếm và việc tìm kiếm số lượng này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi số còn lại phải tìm kiếm là con số rất lớn và số này thường thiếu thông tin. Mà thông tin về liệt sĩ thường có rất nhiều nguồn, từ nguồn quản lý hồ sơ, từ nguồn cung cấp của cựu chiến binh, kể cả từ phía bên kia và từ nguồn nhân dân cung cấp, nhất là những người tham gia chiến tranh như già làng, trưởng bản. Rồi địa hình cũng càng ngày càng thay đổi.
Tôi lấy ví dụ, khi chúng tôi nhận một tài liệu hồ sơ, đã xác định rõ địa điểm nhưng tìm kiếm, đào bới hàng chục héc ta nhưng vẫn không tìm được, đo điều kiện địa hình thay đổi, điều kiện tự nhiên đã làm cho quá trình tìm kiếm, xác định tọa độ cũng rất khó khăn. Mặt khác, nhiều địa bàn còn sót lại bom mìn cũng làm cho công tác tìm kiếm gặp khó khăn. Việc lưu trữ, quản lý danh sách thông tin về liệt sĩ, trước đây chúng ta làm thủ công bây giờ chúng ta đang kiện toàn lại, nhưng chưa kiện toàn được, chưa tìm được những thông tin cần thiết. Công tác tổ chức bảo đảm cho nhiệm vụ quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ về phương tiện, trang bị… cũng cần phải tăng cường hơn nữa. Quan trọng hơn, đó là nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của một bộ phận trong xã hội cũng chưa thật đầy đủ, nhận thức cũng chưa đáp ứng được yêu cầu mới.
MC: Cử tri Vũ Quang Thái ở Phường Quang Trung (Thái Nguyên) xin hỏi Cục phó Cục Chính sách Trần Quốc Dũng: Gia đình muốn làm hồ sơ công nhận liệt sĩ nhưng đơn vị chiến đấu của liệt sĩ không còn. Vậy cơ quan nào có trách nhiệm xác nhận việc này thưa ông?
Cục phó Cục Chính sách quân đội Trần Quốc Dũng: Trong quy định, những trường hợp đơn vị đã giải thể thì đơn vị cấp trên của đơn vị giải thể sẽ tiếp nhận hồ sơ để quản lý. Nếu ông biết chắc đơn vị của đối tượng giải thể thì ông liên hệ đơn vị cấp trên quản lý đơn vị giải thể để được xác nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, như tôi đã nói ban đầu, công tác bàn giao, lưu trữ, quản lý hồ sơ của chúng ta có rất nhiều thiếu xót nên trong thực tế hiện nay có rất nhiều đối tượng gặp vướng mắc này, tôi rất chia sẻ với ông Vũ Quang Thái. Bây giờ, bản thân ông Thái có thể cũng không biết cấp trên của đơn vị giải thể này là ai. Nếu ông có tìm được đơn vị cấp trên này thì xin được xác nhận và nhận hồ sơ lưu trữ đấy cũng là một khó khăn. Đó là một thực tế. Tuy nhiên nếu ông biết được đơn vị đã giải thể thì chúng tôi có thể cung cấp thông tin cho ông để ông tìm đến xin xác nhận.
Trường hợp ông đến đơn vị nhưng không có cơ sở để xác nhận cho ông thì Hồ sơ xác nhận liệt sĩ có thể xác lập theo Thông tư 28 của liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng đối với trường hợp không còn giấy tờ gốc. Việc xác lập đó ông có thể đến cơ quan quân sự địa phương hoặc ngành LĐTB&XH địa phương để được hướng dẫn cụ thể…
MC: Thưa ông Hoàng Công Thái, việc xác định danh tính liệt sĩ là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng của yếu tố thời gian, khí hậu… Vậy tới đây công tác này sẽ được khắc phục như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Công Thái: Chính phủ đã có quyết định đầu tư cho 3 Trung tâm giám định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Sau khi được đầu tư thì năng lực của các Trung tâm này sẽ được tăng lên rất nhiều, giúp cho việc giám định được nhanh hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp giữa việc xác định ADN và xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự đầu tư mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng, trong những năm tới nhược điểm này sẽ được khắc phục, việc xác định hài cốt liệt sĩ sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều lần.
MC: Chúng ta có phương thức nào để huy động nguồn lực tài chính và trong quá NHCSXH triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, việc cho vay đối với người có công có gì ưu tiên so với các đối tượng thụ hưởng khác không, thưa Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp?
Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp: Sau khi Bộ LĐTB&XH triển khai rà soát các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2016 - 2020 thì đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách là rất lớn, nhu cầu vay vốn rất cao, tuy nhiên nguồn lực của Nhà nước cũng còn nhiều khó khăn. Ngoài vốn cấp của ngân sách Trung ương đối với NHCSXH thì chúng tôi luôn có những giải pháp để chủ động huy động các nguồn vốn đáp ứng được tăng trưởng tín dụng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng trưởng tín dụng chính sách bình quân từ 8% - 10%. Chúng tôi sẽ tập trung huy động bằng nguồn phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.
Bên cạnh đó, huy động nguồn tiền gửi 2% của các TCTD thương mại Nhà nước hoặc các TCTD cổ phần trên 50% vốn sở hữu Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, chúng tôi tập trung khai thác nguồn vốn huy động các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là các hộ nghèo như hộ đối tượng chính sách ở tại các địa phương để tập trung thực hiện các chương trình tín dụng.
Ngoài những nguồn chúng tôi huy động các giải pháp chúng tôi huy động vừa nêu để thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngân sách địa phương cùng với ngân sách Trung ương để tạo nguồn lực tập trung thực hiện tín dụng chính sách. Việc tăng thu giảm chi, tiết kiệm chi của các địa phương để hỗ trợ nguồn lực này ở địa phương thời gian qua và hiện nay nói chung là tương đối tốt. Ngoài ngân sách cấp tỉnh thì hiện nay có rất nhiều ngân sách cấp huyện dù rất khó khăn nhưng vẫn có trách nhiệm cao để ủy thác cho NHCSXH tạo nguồn lực tăng thêm để đáp ứng cho các đối tượng chính sách thụ hưởng trong đó có người có công.
Tôi nghĩ với những giải pháp bao quát, tổng hợp và có trách nhiệm từ Trung ương tới địa phương thì đây cũng là cách tháo gỡ như chúng tôi năm nay sẽ tập trung huy động các nguồn lực ngoài các chính sách Trung ương và địa phương thì nguồn huy động tại chỗ là hết sức quan trọng. Chúng tôi sẽ tập trung huy động nguồn vốn tại chỗ qua các NHCSXH cấp huyện và đặc biệt tại các Điểm giao dịch tại xã cũng hết sức thuận lợi cho bà con ở nông thôn.
MC: Xin được hỏi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chính sách người có công là một chính sách lớn của Nhà nước ta khi đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng hiện nay vấn đề này lại mới chỉ dừng ở Pháp lệnh. Theo ông, liệu giờ có phải là thời điểm thích hợp để nâng tầm Pháp lệnh người có công lên thành Luật chưa? Việc nâng Pháp lệnh thành Luật như vậy liệu có giải quyết tốt hơn vấn đề chính sách đối với người có công không?
Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng: Như ban đầu chúng ta đã cùng nhau ôn lại 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Có thể thấy, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm ban hành các chính sách đối với người có công với cách mạng. Trải qua 69 năm, chúng ta thấy rằng hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta ngày càng được hoàn thiện, khi đi vào cuộc sống đã phát huy những tác dụng to lớn, tích cực. Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm, chúng ta cũng đã phân tích một số nội dung còn bất cập, vướng mắc.
Với tư cách là một người đã công tác trong cơ quan tham mưu của Quốc hội về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, thời điểm này là thời điểm cần thiết để chúng ta nghiên cứu, hoàn thiện một bước hơn nữa hệ thống pháp luật về người có công. Đặc biệt là việc nâng Pháp lệnh ưu đãi người có công lên thành Luật. Ý tưởng này ngay từ năm 2012, khi được giao nhiệm vụ giúp UBTVQH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, thì Ủy ban Về các vấn đề xã hội của chúng tôi đã đề xuất trong Báo cáo giám sát. Cho đến nay, chúng tôi thấy rằng, đã đến thời điểm UBTVQH, Chính phủ cần thiết có chủ trương giao cho các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng đạo luật về người có công với nước vì mấy lý do.
Thứ nhất, khoản 1, điều 59 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ Nhà nước, xã hội thực hiện việc tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi người có công với nước. Chúng ta cần phải xây dựng Luật để thực hiện nội dung đã được Hiến định này.
Thứ hai, nếu Pháp lệnh đã thực hiện ổn định một thời gian thì cần phải nghiên cứu, nâng lên thành Luật để nâng cao địa vị pháp lý, hiệu quả pháp lý của văn bản pháp luật đó.
Lý do thứ ba, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, yêu cầu công tác quản lý Nhà nước và yêu cầu về mặt tình cảm của xã hội, của người dân đối với vấn đề này. Chúng ta có gần 9 triệu người có công đã được công nhận, tôn vinh. Đây là đối tượng đặc biệt, không nhỏ nên cần thiết có một văn bản có hiệu lực pháp luật tương xứng để chúng ta điều chỉnh lĩnh vực này. Chính vì thế, ở góc độ Ủy ban Về các vấn đề xã hội, chúng tôi thấy rằng hoàn toàn cần thiết để chúng ta tiến hành nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành luật về người có công với nước.
MC: Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, xin được hỏi Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí cho biết, việc hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công tới đây theo được thực hiện theo định hướng nào?
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí: Theo tôi, chúng ta phải trình cơ sở việc tổng kết, đánh giá lại một cách nghiêm túc các tình hình về các kết quả thực hiện chính sách đối với người có công trong giai đoạn vừa qua, để từ đó chúng ta rút ra kinh nghiệm về những vấn đề về cần phải được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung điều chỉnh về chính sách pháp luật về người có công. Trên cơ sở đó, tôi nêu mấy đề sau:
Trước hết, phải làm sao đề ra những quy định, quy trình để làm sao để bảo đảm cho tất cả cho những người thật sự có công đều được công nhận và đều được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hướng tới mực tiêu là bảo đảm 100% những người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của dân cư cùng với khu vực cư trú và đời sống của người có công ngày càng được khẳng định.
Thứ hai, chính sách đối với người có công phải bảo đảm công bằng, hợp lý và hài hòa giữa các đối tượng. Chính sách phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như điều kiện ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, phải phát huy đầy đủ, đúng mức trách nhiệm cũng như phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng nhất là trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn, bất cập nảy sinh trong thực hiện chính sách. Trên cơ sở phân công rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và từng cấp.
Thứ tư, phải làm sao phát triển được quan điểm là toàn dân góp phần chăm sóc người có công với cách mạng. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước thì chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới nhiều hình thức, nhiều phương pháp phong phú, đa dạng mang hiệu quả thiết thực. Làm sao trong quá trình thực hiện chính sách này đặc biệt là giải quyết những vấn đề vướng mắc về chính sách phải thực sự dựa vào nhau, phải thực sự gắn kết với nhau và tạo được sự đồng thuận. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân giám sát chế độ, chính sách người có công.
Nhóm Phóng viên VBSP News lược ghi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Công điện của Tổng Giám đốc về việc tổ chức phòng chống cơn bão số 1
- » “Thành cổ Bất tử và Hồi sinh”
- » Tháng 7, tri ân những người Anh hùng đất Việt
- » Công đoàn NHCSXH cần tiếp tục đổi mới các hoạt động, góp phần cùng với chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016
- » Tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
- » Bế mạc Trại sáng tác điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh”
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Quảng Trị
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương
- » Tiếp tục đổi mới chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ quý II/2016