Tiếp vốn kịp thời, động lực cho hộ nghèo sản xuất

27/12/2012
(VBSP) Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề tín dụng chính sách hiện nay, ông Nguyễn Văn Phụng (ảnh bên) - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội ND TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách. Chẳng hạn như chương trình cho vay GQVL do NHCSXH TP. Hồ Chí Minh giải ngân mới đạt dư nợ hơn 60 tỷ đồng, trong khi đối tượng muốn vay vốn thì rất nhiều. Chính vì nguồn vốn hạn hẹp như vậy, nên nhiều dự án GQVL phải chờ đến lượt giải ngân. Có nghĩa là đợi dự án khác đáo hạn mới chuyển vốn sang cho vay dự án mới. Hay như năm học này, tín dụng đối với HSSV có hơi chậm một chút, cũng do khó khăn từ nguồn vốn. Hiện nay, dư nợ tín dụng HSSV ủy thác qua Hội ND TP. Hồ Chí Minh khoảng gần 200 tỷ đồng nên khi nguồn vốn chậm cũng tác động tới tâm lý các hộ vay vốn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn thiếu, thể hiện ở chỗ, theo quy định, NHCSXH cho hộ nghèo vay tối đa 30 triệu đồng, nhưng do số lượng hộ nghèo còn nhiều, nên trung bình mỗi hộ nghèo ở TP. Hồ Chí Minh chỉ được vay 20 triệu đồng, rất ít hộ vay được mức tối đa.

PV: Về thủ tục vay vốn có cần điều chỉnh gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi thủ tục vay vốn tín dụng chính sách được thực hiện từng bước khá là phù hợp. Hội ND luôn quán triệt, chỉ đạo sát sao việc thực hiện 6 công đoạn vay vốn NHCSXH, nhưng quan trọng nguồn vốn phải đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở các vùng đô thị hóa, vùng chuyển đổi nghề nghiệp. Cách triển khai từ Hội ND tương đối nhịp nhàng và chặt chẽ cùng với hệ thống NHCSXH từ thành phố cho tới quận, huyện, xã, phường làm khá tốt. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên hiện nay vẫn tồn tại việc thủ tục cho vay đã xong hết rồi nhưng “phải nằm” để chờ vốn. 

 

PV: Những mô hình SXKD nào mà các hội viên Hội ND thường áp dụng?

 Ông Nguyễn Văn Phụng: Với mức cho vay trung bình chỉ 20 triệu đồng/hộ thì mô hình sản xuất nhỏ như chăn nuôi heo, bò, trồng rau, trồng lúa vẫn là chủ yếu. Bởi đã là người nghèo thì vốn tự có của gia đình rất ít, trong khi số tiền được duyệt vay cũng thấp nên khó mở rộng sản xuất. Vì vậy, theo tôi nếu cho vay đủ 30 triệu đồng/hộ là phù hợp.

 

PV: Theo nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo đang được lấy ý kiến đóng góp thì lãi suất cho vay đối tượng này bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo? Quy định như vậy có phù hợp không, thưa ông? 

Theo Hội ND TP. Hồ Chí Mình, tổng dư nợ của NHCSXH cho vay ủy thác qua hội đến nay đạt 478 tỷ đồng với 814 Tổ TK&VV, khoảng 33 nghìn hộ được vay vốn. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung vào các chương trình: Hộ nghèo, HSSV, GQVL, XKLĐ, NS&VSMTNT. Do quản lý nguồn vốn khá tốt nên nợ quá hạn của hội chỉ 1,95%. Không để xảy ra tình trạng xâm tiêu vốn tín dụng.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng: Thực ra, ranh giới giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo rất mỏng, ví dụ theo chuẩn nghèo của TP. Hồ Chí Minh, có thu nhập dưới 12 triệu đồng/năm là hộ nghèo, còn từ 12 - 16 triệu đồng/năm là hộ cận nghèo. Đây cũng là lý do mà thời gian qua có nhiều ý kiến yêu cầu nên cho hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi. Theo quy định hiện hành lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,65%,tháng và khoảng 7,8%/năm. Như vậy, mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo dự kiến bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tức là tương đương khoảng 0,85%/tháng và hơn 10%/năm, mức lãi suất này thấp hơn lãi suất thị trường, có thể chấp nhận được. Song vấn đề quan trọng là phải bố trí được nguồn vốn, để cho vay kịp thời mới giúp mong thoát nghèo bền vững.

 

PV: Hội ND có đề xuất gì đối với tín dụng chính sách không, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi, do nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu dựa vào ngân sách, nên Chính phủ cần cân đối nguồn vốn để các chương trình tín dụng được giải ngân nhanh và sớm hơn. Bên cạnh đó cần cố gắng bố trí vốn để đảm bảo mức cho vay 30 triệu đồng/hộ nghèo mới đảm bảo đủ vốn sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả. Đặc biệt, không nên để xảy ra tình trạng lập hồ sơ xong phải chờ 4 tháng mới giải ngân. Bởi với người nông dân, khi cần mà được tiếp vốn ngay thì họ vui hơn, có động lực trong SXKD.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác