Cần bổ sung nguồn vốn và tăng mức cho vay

23/12/2012
(VBSP) Ngày 24/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức tổng kết 5 năm Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị

Tuy còn những vấn đề tồn tại như nguồn vốn có thời điểm chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu cho vay, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế; việc giải ngân qua thẻ cho HSSV gặp khó khăn… nhưng sau 5 năm triển khai, chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho HSSV nghèo, góp phần thúc đẩy, phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiệu quả bước đầu

Trong 5 năm tới (2012 - 2017), với mức tăng trưởng bình quân hàng năm như hiện nay thì doanh số cho vay khoảng 250 tỷ đồng/năm, doanh số thu nợ khoảng 200 tỷ đồng/năm và đến năm 2017 tổng doanh số cho vay 5 năm sẽ là 1.250 tỷ đồng, doanh số thu nợ sẽ là 1.000 tỷ đồng. Như vậy đến năm 2017 tổng dư nợ chương trình sẽ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng; khi đó nếu không mở rộng thêm đối tượng vay vốn, không tăng mức cho vay thì doanh số thu nợ sẽ đủ để tạo lập vốn cho vay quay vòng.­

Theo NHCSXH TP. Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, đến nay doanh số cho vay đạt 1.317 tỷ đồng, chiếm 30% các chương trình cho vay của NHCSXH. Doanh số thu nợ 5 năm đạt 302,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/7/2012 là 1.039 tỷ đồng với 72.031 HSSV vay vốn, số hộ có dư nợ là 61.274. Sau 5 năm, nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH TP. Hà Nội tạo điều kiện cho hơn 270 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn cho việc học tập, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ là không để HSSV gặp khó khăn về tài chính phải bỏ học. Chương trình tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phúc Thọ, Vũ Hữu Trưng cho biết, sau 5 năm, huyện đã giải ngân được 107 tỷ đồng giúp hơn 7.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn đến với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề. Chính sách tín dụng này đã thực sự giúp các em HSSV nghèo khó khăn có điều kiện học tập như gia đình ông Nguyễn Trung Vấn ở xã Ngọc Tảo có 4 con theo học được cho vay 97 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hạ ở xã Thanh Đa có 5 con theo học được vay 84 triệu đồng… Cùng chung quan điểm này Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã Cao Dương, huyện Thanh Oai cho biết, 5 năm xã đã có 112 hộ vay với số tiền 1,5 tỷ đồng, trang trải chi phí học tập cho 138 HSSV, hiện nay đã có 20 cháu ra trường đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau…

Tháo gỡ khó khăn

Theo Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội, Bùi Quang Vinh, mặc dù đã đạt những kết quả sau 5 năm, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập như một số địa phương, cấp xã chưa thực hiện khảo sát, điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất về tài chính nên các hộ này vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn. Nguồn vốn cho vay của chương trình có thời điểm chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu vay vốn của HSSV. Việc giải ngân qua thẻ ATM cho HSSV cũng gặp khó khăn do trình độ của người vay hạn chế, ngại tiếp xúc với các dịch vụ mới của ngân hàng. Về cơ bản, hộ vay và HSSV đều có ý thức trả nợ khi đến hạn, nhưng việc thu nợ đối với HSSV vay trực tiếp khi ra trường gặp khó khăn do ý thức trả nợ chưa cao, không rõ địa chỉ liên hệ nơi cư trú. Một số trường hợp khi ra trường chưa có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo thì việc thu hồi nợ đến hạn đối với những hộ này cũng gặp nhiều khó khăn…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Bạch Công Tiến đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với các hộ gia đình có từ 2 con đi học trở lên nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hay khó khăn về tài chính. Chính phủ cần ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, HSSV sau khi ra trường, đơn vị tuyển dụng lao động với NHCSXH nơi cho vay trong việc quản lý, đôn đốc HSSV cùng với gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau khi ra trường. Bà Nguyễn Thị Lợi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn một thôn của xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đề nghị Chính phủ cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa đối với người nghèo và nâng mức cho vay để các em đủ trang trải chi phí học tập phù hợp với tình hình hiện nay…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo, để từng bước tháo gỡ những bất cập nêu trên, trong thời gian tới các Sở, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến chính sách cho vay đối với hộ nghèo. Trong điều kiện nguồn vốn không bảo đảm NHCSXH TP. Hà Nội cần báo cáo với UBND thành phố để có hướng giải quyết, bổ sung kịp thời. Việc điều chỉnh mức cho vay cần tính toán cho phù hợp, tránh tình trạng chưa điều chỉnh đã lỗi thời. Đây là một chương trình có ý nghĩa an sinh giáo dục, nên các cấp, các ngành, các tổ chức và cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc phát huy vai trò, trách nhiệm của mình từ khâu tạo lập nguồn vốn đến việc tổ chức thực hiện, bảo đảm chương trình đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trao Bằng khen của thành phố cho 16 tập thể và 27 cá nhân thực hiện tốt Chương trình tín dụng HSSV trong 5 năm qua.

Quỳnh Dung, Bạch Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác