Ký ức của một văn công
Nằm ngay Bến Giằng - Trung tâm hành chính huyện Nam Giang (Quảng Nam) có một cây hoa gạo rất lớn, mùa hè tỏa bóng cả một vùng. Thế nhưng ít ai biết được rằng nơi đây chính là điểm đầu tiên của một hành trình huyền thoại mang tên Trường Sơn Đông. Từ ki-lô-mét số 0 này nhìn ra xa bao la rừng núi những hình ảnh gian lao ngày xưa nay đã không còn, con đường được trải nhựa tít tắp kết nối với vùng núi Nam Trà My và từ đây xuyên suốt cả một vùng Tây Nguyên. Đường Trường Sơn lịch sử đã gắn với biết bao huyền thoại về những người con anh hùng của dân tộc. Những con người “xuyên sơn phá thạch”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”…Và không phải ngẫu nhiên mà báo chí phương Tây khẳng định những người lính Cụ Hồ đã làm nên điều phi thường. Chúng ta đã mở 5 tuyến đường trục dọc, 21 tuyến đường trục ngang và tổng chiều dài của cả hệ thống đường Trường Sơn là 20.000km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu. Dưới làn bom đạn, trong 16 năm gian khổ, 5.920 ngày đêm dưới bom đạn chiến tranh, những con người nhỏ bé đã bám trụ và hình thành nên tuyến đường huyết mạch…
Trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Văn Mai (sống tại TP Đà Nẵng) nay đã gần 90 tuổi mới thấy hết rằng đường Trường Sơn không chỉ là tuyến giao thông vận chuyển lương thực, vũ khí mà còn là con đường mở ngõ của cả dải Tây Nguyên. Là một trong những chiến sĩ thuộc đoàn văn công Tiểu đội 468 ngày ấy, ông Mai vẫn còn giữ tính nghệ sĩ khảng khái của một người lính. “Hồi đó Tây Nguyên thiếu muối dữ lắm. Người dân Tây Nguyên có một câu nói truyền tai nhau là dân Tây Nguyên vị gì cũng có ngọt, chát, đắng, bùi nhưng chỉ riêng vị mặn là không có, riêng hạt muối là không thể nuôi được, chỉ có thể ăn hạt nào hết hạt đó. Họ cần muối để duy trì cuộc sống. Biết được điểm yếu đó nên đế quốc Mỹ đã chặn ngả đường xuống Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) lấy muối. Kể từ đó hạt muối vào được Tây Nguyên còn quý hơn vàng. Tuyến đường Trường Sơn ra đời đã nối liền con đường đi lấy muối, cũng là nối liền mạch sống của con người Tây Nguyên với cả nước. Vì vậy mà thời điểm mới ra đời, đường Trường Sơn Đông trở thành mục tiêu hàng đầu của những trận mưa bom bão đạn của bọn đế quốc”. Kể sao hết những tháng ngày gian khổ của những thanh niên xung phong ngày ấy nhưng với những người làm công tác văn công như ông Mai thì Trường Sơn Đông là một khúc ca bi tráng nhưng cũng rất đỗi thơ mộng. “Anh em văn công chúng tôi ngày ấy vừa phục vụ kháng chiến vừa là những người giữ ngọn lửa nhiệt huyết cho anh em. Nhớ như in những buổi diễn sau trận càn địch, dù người còn người mất nhưng chúng tôi vẫn hát, hát để ngày mai tiếp tục mở đường”. Cùng với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, đoàn văn công của ông Mai và đồng đội đã thắp sáng cả dải núi rừng Trường Sơn đông bằng lời ca tiếng hát của mình. Những “nhà thơ Trường Sơn” thời đó làm thơ cho mình nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội, cho dân tộc mình. Những tứ thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã không chỉ là khẩu hiệu trong thời chiến mà còn là lời hiệu triệu hàng vạn trái tim yêu nước lúc bấy giờ.
Mở ngõ tương lai
Khép lại một trang Trường Sơn Đông anh hùng bất khuất trong kháng chiến, sau nửa thế kỷ, một lần nữa đường Trường Sơn Đông lại được kết nối trở lại đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn với việc nối liền 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Những gập ghềnh xưa kia không còn nữa, nhường chỗ cho những tuyến đường khang trang, người, xe nhộn nhịp… Với chiều dài toàn tuyến dự án đường Trường Sơn Đông khoảng 657km, đây là trục giao thông chiến lược quan trọng chạy giữa Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, kết nối 9 quốc lộ ngang. Dự án hoàn thiện từ năm 2017 đã đánh dấu bước phát triển kinh tế xã hội của 7 tỉnh có tuyến đường đi qua (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng). Tại Quảng Nam, dự án con đường Trường Sơn Đông từ thị trấn Thạnh Mỹ đến xã Trà Vân, huyện Nam Trà My dài hơn 130km, đi qua nhiều bản làng đồng bào vùng cao. Đường Trường Sơn Đông được ví như mạch máu đem lại cuộc sống mới cho hàng triệu hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS thuộc các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ: “Từ khi tuyến đường Trường Sơn Đông từ Nam Giang lên được kết nối thì cũng là lúc huyện có tên trên bản đồ du lịch. Từ năm 2017, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã ban hành “Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm, du lịch văn hóa cộng đồng giai đoạn 2017 - 2025”. Có được điều này là nhờ giao thông thuận tiện mà tuyến đường Trường Sơn Đông mang lại. Thời gian đến, huyện sẽ triển khai công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa du khách lên tham quan, du lịch”.
Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang chia sẻ: “Kể từ khi con đường Trường Sơn Đông xây dựng, người dân bản địa thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà trong mỗi mùa thu hoạch cũng nhanh hơn. Có con đường rộng rãi, đồng bào ai cũng vui, cũng phấn khởi. Có thể đi xe máy đến tận rẫy nên bớt thời gian, công sức đi lại, đời sống cũng được cải thiện. Không dừng lại ở đó, về lâu về dài với mục đích không chỉ nhằm lưu giữ di tích lịch sử về một con đường huyền thoại trong kháng chiến, Trường Sơn đông còn mở ra triển vọng mới trong phát triển du lịch, kéo du khách lên miền núi cao của tỉnh. Những điểm du lịch của Nam Giang như Grăng, làng dệt Zara cũng được chú ý nhiều hơn khi giao thông thuận lợi. Rất nhiều công ty lữ hành đã thành lập tour du lịch sau khi tuyến đường hoàn thiện”.
Nguồn Tư liệu