“Điểm tựa” của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác

06/07/2024
(VBSP News) Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được “tiếp sức” phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập ngay trên mảnh đất quê hương đầy nắng và gió.
nhcsxh-quang-ninh-120240702225117

Các chương trình ưu đãi của Đảng và Nhà nước, danh sách hộ vay được niêm yết công khai ngay tại Điểm giao dịch xã

Vượt khó từ nguồn vốn chính sách
Quảng Ninh là huyện có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, giao thông thuận lợi để phát triển các ngành, nghề, dịch vụ. Bí thư huyện ủy Hoàng Trung Đông chia sẻ: Về cơ bản, đến nay, kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; thu ngân sách huyện và thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp; thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều thiếu thốn.
Với vai trò là đầu mối cho vay vốn ưu đãi trên địa bàn, theo Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Tuấn Ngọc, Phòng giao dịch đã bám sát các chỉ tiêu, định hướng và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cũng như phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, sự ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW, cùng với các hoạt động của NHCSXH đã làm thay đổi tích cực nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc cùng với NHCSXH triển khai thực hiện tốt việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Vũ Minh Hường ở xã Duy Ninh cho biết: Bà sinh ra và lớn lên tại thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh - nơi thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ, vì vậy đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm trước đây, gia đình bà từng thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông chờ vào 5.000m² đất trồng lúa. Năm 1995, gia đình bà được giao 2ha đất sản xuất nhưng vì một số lý do và giao thông đi lại khó khăn nên gia đình đã đào ao nuôi cá và chăn nuôi heo, gà, vịt, thu nhập không cao.
Nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi bà tham gia sinh hoạt tại thôn, được tuyên truyền về chủ trương chính sách của Nhà nước, về chính sách tín dụng ưu đãi và được NHCSXH cho vay để chuyển đổi 1,5ha sang nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại tập trung trồng dừa xiêm, ổi, xoài, bưởi da xanh và cây ăn quả khác. Bà Hường cũng mạnh dạn đầu tư thêm một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài hoạt động ngành nghề sản xuất chính là trang trại tổng hợp, gia đình bà còn đầu tư sắm thêm 1 bộ rớ chàn để tạo thêm thu nhập hàng ngày cho gia đình nên tổng thu nhập qua hàng năm của hộ gia đình đạt khoảng trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Nhờ đó, thu nhập thường xuyên của gia đình bà được đảm bảo.
Tương tự, ông Phạm Văn Hiếu ở xã Duy Ninh chia sẻ: Năm 2019, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng làm nông nghiệp nuôi 2 đứa con ăn học rất vất vả, kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng ruộng, thiếu thốn trăm bề. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Tổ tiết kiệm vay vốn, gia đình ông được vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để xây chuồng trại và chăn nuôi bò sinh sản và 20 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ vào những đóng góp âm thầm, trách nhiệm của những con người nhiệt huyết, kể từ khi thành lập đến nay, NHCSXH huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 559 tỷ đồng, tăng 292 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, với 8.623 khách hàng đang có dư nợ, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tổng quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH huyện chỉ chiếm tỷ lệ 0,06% trên tổng dư nợ. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã thực hiện giải ngân 1.249 tỷ đồng với hơn 32.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH; qua đó, giúp nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống với gần 6.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 20 nghìn lao động được tạo thêm việc làm mới; gần 1.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 12.000 công trình nước sạch được xây dựng đảm bảo hợp vệ sinh, môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… nhiều làng nghề được khôi phục.
Đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả
Đáng nói là, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn khó khăn nhưng HĐND, UBND huyện vẫn ưu tiên dành nguồn vốn để hỗ trợ cơ sở vật chất và nguồn vốn cho vay chuyển sang NHCSXH. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hơn 10,3 tỷ đồng. Tính từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện đạt 9,8 tỷ đồng. Hằng năm, nguồn vốn này đã được cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH luôn được bảo tồn và phát triển.
Thời gian tới, để hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao hơn nữa, NHCSXH huyện xác định cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến các cấp ủy, chính quyền cơ sở và đến cán bộ đảng viên để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống. Gắn kết việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, trước thực tiễn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm rất lớn, trong khi nguồn vốn này còn hạn chế. Đề nghị Trung ương quan tâm bố trí thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; xem xét nâng mức cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn lên 25 triệu đồng/công trình. Đồng thời, thực hiện cho vay chương trình hộ có mức thu nhập trung bình. Những giải pháp này sẽ giúp phát huy hơn nữa tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian tiếp theo.

Bài và ảnh Võ Giang

Các tin bài khác