Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển
Giám đốc NHCSXH thị xã Đặng Thị Hương cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,02%, hộ cận nghèo còn 3,11%… Song câu chuyện giảm nghèo bền vững không lúc nào vơi nhẹ. Bởi những rủi ro, thiên tai luôn dịch dập có thể xóa đi những thành quả giảm nghèo, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Vì vậy, công tác của những người làm tín dụng chính vừa là cho vay đúng cho vay đủ, vừa là kịp thời rà soát các đối tượng phát sinh để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế.
Gia đình anh Dương Hoàng Lương ở phố Tân Thành 1, phường Tam Quan Bắc. Những năm trước cuộc sống gia đình anh khá “xuôi chèo, mát mái” khi anh làm nghề đi biển. Song sau khi gặp nạn trên biển, cánh tay bị tổn thương không thể tiếp tục làm công việc đánh bắt hải sản, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn trở thành hộ cận nghèo ở phường. Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình, ngay từ năm 2017, địa phương và hội đoàn thể đã quan tâm, tuyên truyền và hướng dẫn hỗ trợ anh vay 50 triệu đồng nguồn vốn vay cho hộ cận nghèo của NHCSXH thị xã để chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2020, anh hoàn trả vốn cho ngân hàng, sau đó, anh tiếp tục vay NHCSXH 50 triệu đồng để hùn ghe với các anh em trong gia đình, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Anh Lương chia sẻ: Nguồn thu từ hùn ghe được 3 - 5 triệu đồng/tháng, bản thân anh làm thuê bán cá ở chợ, cùng người vợ tần tảo chợ chiều cũng tạo thêm nguồn thu từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình đến nay đã có thu nhập ổn định, gia đình anh cũng đã thoát khỏi danh sách hộ cần nghèo của phường.
Hay như ông Phan Ngọc Độ ở khu phố Tân Thành 2, phường Tam Quan Bắc từng có thời điểm sở hữu tới 3 chiếc tàu cá, cuộc sống gia đình ông không phải diện thiếu thốn. Song sau đại dịch Covid-19, năm 2022, cũng như bà con ngư dân địa phương, gia đình ông gặp khó khăn khi thu nhập sản lượng đánh bắt hầu như không có, lại thêm thời vụ đã tới mà hỗ trợ nhiên liệu của nhà nước chậm khiến nguồn tiền để chuẩn bị hậu cần đi đánh bắt, rồi tu bổ tàu ra khơi của ông bị thiếu hụt.
“Nghe NHCSXH có thông báo, tuyên truyền chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tôi mạnh dạn đăng ký vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mua thêm ngư lưới cụ để tiếp tục tham gia khai thác thuỷ hải sản xa bờ (câu cá ngừ đại dương). Lúc đó tôi rất mừng và phấn khởi, thấy mình có thêm động lực ra khơi”, ông Độ chia sẻ. Vượt qua thời điểm khó khăn đó, đến nay, sau mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày trở về ông có thể kiếm 5 - 10 triệu đồng.
Cũng từ thực chứng của mình, là một thành viên trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá phường Tam Quan Bắc, ông giới thiệu cho ngư dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và vươn khơi bám biển mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Năm 2023, ông mạnh dạn đăng ký 50 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, để đầu tư mua thêm ngư lưới cụ để tiếp tục tham gia khai thác thuỷ hải sản xa bờ (câu cá ngừ đại dương), sau mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày trở về bình quân mỗi chuyến biển có thể kiếm 5 - 10 triệu đồng (tuỳ theo sản lượng khai thác và giá cá ổn định)
Ông tâm sự: “Món vay không lớn, nhưng điều mà tôi cũng như ngư dân cảm thấy mừng là nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với những ngư dân đánh bắt xa bờ từ đó chúng tôi có thêm lòng tin về Đảng, về Nhà nước tiếp tục vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”.
Những câu chuyện hỗ trợ người dân giảm nghèo, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế không chỉ riêng có ở Hoài Nhơn mà trải rộng toàn tỉnh Bình Định. Đây cũng là điểm tựa để từ năm 2015 đến nay, mặc dù một số thời điểm người dân địa phương gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và các Sở, ngành liên quan đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 360 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 159/159 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, làng, khu phố. Vốn tín dụng đã giúp hơn 65 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 93 nghìn lao động (gần 02 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 28 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 173 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 4 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-CT/TW một lần nữa khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, trong đó tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước; phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Do đó, việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định, Đoàn Trung Thành cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục đề xuất với NHCSXH quan tâm bố trí vốn của Trung ương theo Kế hoạch của tỉnh xây dựng hàng năm trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về vốn các chương trình tín dụng chính sách được rà soát, xây dựng từ cấp cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-CT/TW và Chỉ thị số 55-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trong đó, bên cạnh việc ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH; hằng năm, tỉnh cần cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, xây dựng và ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo các đối tượng thụ hưởng đều được vay vốn khi có nhu cầu, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp có hiệu quả giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Phối hợp xây dựng các chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Xung lực mới cho Bình Định phát triển và đột phá (Bài 1: Thúc đẩy từng mạch nguồn phát triển)
- » Tín dụng chính sách giúp bà con vùng cao Bắc Kạn thoát nghèo bền vững
- » Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trong bối cảnh mới
- » Khi Đảng soi rọi con đường thực thi tín dụng chính sách xã hội
- » 135.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Hậu Giang qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40
- » Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW