Dấu ấn của tín dụng chính sách tại Nghệ An

19/09/2017
(VBSP News) Xác định tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành có liên quan cùng tham gia chỉ đạo, phối hợp thực hiện, hỗ trợ các điều kiện làm việc cho hệ thống NHCSXH trên địa bàn.

Hệ thống Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn của NHCSXH tỉnh Nghệ An đã trở thành địa chỉ thân thuộc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững

Hệ thống Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn của NHCSXH tỉnh Nghệ An đã trở thành địa chỉ thân thuộc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững

Hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Ông Trấn Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể liên quan bàn bạc giải pháp đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao chất lượng tín dụng; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, để yêu cầu các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 29 yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy, địa phương; tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Hàng năm UBND tỉnh, huyện, thành, thị dành một phần từ nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. UBND tỉnh với mức tối thiểu mỗi năm là 8 tỷ đồng; UBND cấp huyện với mức mỗi năm chuyển sang từ 200 - 500 triệu đồng).

Đến nay, sau 3 năm thực hiện, UBND các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã trích ngân sách uỷ thác sang NHCSXH 98,2 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi toàn tỉnh đạt 7.031 tỷ đồng.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách; chú trọng ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đối tượng chính sách lớn; coi trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ quá hạn, đặc biệt là các trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, dây dưa; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương.

Với nguồn vốn lớn được huy động, tạo lập được, thông qua mạng lưới gần 8.400 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín trên khắp các thôn, xóm trong toàn tỉnh cùng hơn 470 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn thuận lợi để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau 15 năm hoạt động, đến nay tổng dư nợ của 18 chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện đạt trên 7.000 tỷ đồng với 297 nghìn hộ đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh thực hiện trong 15 năm qua đã góp phần tạo điều kiện cho 1,3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống, nhờ đó đã có 158.439 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và 67 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút  và tạo việc làm ổn định cho 81.988 lao động; hơn 244 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 61.704 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; 151.207 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 118 nghìn công trình cung cấp nước sạch và 107 nghìn công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn; 29.232 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở…

Hoạt động tín dụng chính sách trong 15 năm năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 3%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra (từ 2,5% - 3%), trong đó các huyện 30a tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6% - 7%, cao hơn kế hoạch (kế hoạch giảm 4% - 5%); thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2016 đã tăng 1,7 lần so với năm 2011; 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm tựa giúp dân thoát nghèo

Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho mọi đối tượng ở từng vùng miền, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại đồng đất làng quê và xuất hiện khá nhiều mô hình kinh tế đạt mức thu nhập cao như trại bò kéo, bò sinh sản 30 con của vợ chồng anh Lò Văn Phúc, chị Hà Thị Tình ở bản Lánh xã Tà Cạ, huỵên biên giới Kỳ Sơn; gia đình chị Vi Thị Duyên ở bản Yên Sơn xã Trị Lễ, huỵên 30a Quế Phong trồng 1,5ha cây chanh leo trên giàn kết hợp với trồng gừng, nuôi gà đen dưới giàn chanh, mỗi năm thu lời lãi ngót 200 triệu đồng.

Còn ở Vĩnh Thành - một trong 24 xã có thuộc huyện bán sơn địa Yên Thành, bà con giáo dân đã phát huy truyền thống “kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo”, sôi nổi tham gia phong trào sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích và tận dụng đúng hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình kinh tế kết hợp giữa vườn rừng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong các giáo họ lên 30,5 triệu đồng/năm, giảm số hộ nghèo trong giáo dân còn 3,1%, góp phần cùng cả xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2016.

Từ vốn vay NHCSXH, gia đình CCB Đào Văn Tường đã có điều kiện mở rộng cơ sở chăn nuôi

Từ vốn vay NHCSXH, gia đình CCB Đào Văn Tường đã có điều kiện mở rộng cơ sở chăn nuôi

Anh Đào Văn Tường ở xóm Vĩnh Tường đã trở thành gương điển hình sử dụng nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, vượt hết nghèo khó, làm giàu chính đáng ở giáo xứ Vĩnh Thành. Với 30 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Yên Thành từ cuối năm 2013 anh Tường đã xây dựng 3 dẫy chuồng nuôi lợn thịt, lợn nái và 2000 con vịt đẻ cùng 2 lò ấp trứng. 6 tháng đầu năm 2017, cơ sở chăn nuôi của anh đạt thu nhập tới 300 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người. Hay như gia đình ông Trần Anh Thập, 62 tuổi, xóm Phi Nam đã vay vốn hộ cận nghèo đầu tư mua con giống tốt, cải tạo vùng đất trũng thành 5ha ao thả cá nước ngọt. Đầu năm 2017, ông Thập tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và trả hết nợ trước kỳ hạn cho ngân hàng, được bình xét đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Những mô hình phát triển kinh tế của bà con giáo dân nói riêng của nhân dân trong toàn huyện nói chung có phần đóng góp to lớn của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát động phong trào vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế toàn diện, tổ chức tham gia học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng điển hình cho toàn thể cán bộ, nhân dân, kể cả các vị trong Hội đồng mục sư, các cá nhân tiêu biểu để tạo sự chuyển biến mới trong chương trình giảm nghèo xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giàu đẹp hơn.

Bài và ảnh Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác