Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Chương trình của Chính phủ.
Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết; Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỉ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.
Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo như huyện Tân Sơn (Phú Thọ), huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Như Xuân (Thanh Hóa), huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 550 xã đã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016 - 2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi từ Chương trình 135 với hơn 8.000 tỷ đồng.
Chương trình 135 đã hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân để chủ động vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện các chủ trương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do NHCSXH thực hiện. Đến 30/11/2020, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 233.456 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 225.377 tỷ đồng, tăng 82.849 tỷ đồng so với đầu năm 2016, với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH đã cho vay hơn 10,6 triệu lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 316.535 tỷ đồng. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội. |
Giảm nghèo là công việc “cả trí tuệ và trái tim”
Nhấn mạnh tầm nhìn 2045 vì “một Việt Nam không có đói nghèo”, Thủ tướng nêu rõ, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng.
Thủ tướng cho rằng, trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới “các đồng chí đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể đến trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong dịch COVID-19, chúng ta có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% (năm 2015) còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.
Đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí.
Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Thủ tướng lấy ví dụ, xã Chế Tạo, xã Chế Cu Nha của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trước đây từ trung tâm huyện xuống xã phải mất 4,5 tiếng đi bộ, nhưng nay chỉ mất 45 phút đi ô tô hoặc xe máy là đến được trung tâm xã. Hay xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, ngày trước đi bộ mất 9 tiếng đồng hồ tới xã, giờ mất khoảng 30 phút đi ô tô hoặc xe máy.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo, “ly nông bất ly hương”. Thủ tướng lấy tiếp ví dụ về xã Hùng Lợi thuộc huyện Yên Sơn, là xã ATK cách thành phố Tuyên Quang 40km với dân số 7.000 người, khoảng 70% là hộ nghèo, chủ yếu là người Hmông, Tày, Dao, đến tháng 11/2019 đã có 280 lao động ở xã làm việc cho Samsung Thái Nguyên và Bắc Ninh, mỗi người gửi về cho gia đình từ 5 - 6 triệu đồng. Rõ ràng rằng cơ sở kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra việc làm cho người dân ở các địa phương là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội là kênh quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn miền núi. Đơn vị NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vì thành tích quan trọng trong xóa đói giảm nghèo”, Thủ tướng đánh giá.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả bão lũ, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã trở thành sức mạnh lan tỏa rộng khắp cả nước.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo, những hộ tự lực, tự cường, lo làm ăn để tự vươn lên thoát nghèo. Đây là một tinh thần đáng quý.
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới
Những việc chúng ta đã làm được tuy là điểm sáng trên thế giới nhưng còn khiêm tốn so với những thách thức, nhất là những thách thức trước mắt, Thủ tướng nêu rõ. Là một quốc gia mà hậu quả của chiến tranh đối với con người vẫn còn rất nặng nề, đồng thời lại là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn đối với tất cả chúng ta.
Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Nghèo đói là vấn đề kinh tế xã hội lớn không chỉ ở nước ta mà còn là vấn đề của toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, các tổ chức quốc tế cảnh báo những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững bị gián đoạn.
Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam ước tính COVID-19 khiến nửa tỷ người, khoảng trên 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.
Chính vì vậy, “giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim”. Thủ tướng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, “tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên”. Dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần mục tiêu quan trọng xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, có việc làm mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những chương trình mà chúng ta đã triển khai tập trung cho vùng có thu nhập thấp. Trước mắt, hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật. Khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường. Lưu ý lãnh đạo các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung, Thủ tướng đặt vấn đề, “Tết này dân nghèo vui Tết ra sao, chỗ ăn chỗ ở thế nào, các đồng chí ở các địa phương này phải đi kiểm tra, phải lo cho dân”.
Cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.
“Tôi xin nhắc lại giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim”, Thủ tướng dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này.
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.
“Để kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin nêu một ý, lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng”, Thủ tướng nói.
PV
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo
- » Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ
- » NHCSXH chúc mừng ngày thành lập Hội Cựu Chiến binh Việt Nam
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai
- » Tín dụng chính sách trợ lực cho chương trình mục tiêu quốc gia tại Bảo Yên
- » NHCSXH chúc mừng tân Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng tín dụng chính sách