Vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ổn định cuộc sống

13/06/2018
(VBSP News) Đoàn khảo sát kết quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS của Ủy ban Dân tộc và NHCSXH do ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng đoàn vừa có chuyến khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng.
anh-1

Ông Phan Văn Hùng (thứ hai bên phải) - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng Đoàn khảo sát thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm nhà chị Rơ Ông K Nga ở xã Liêng Srônh, huyện Đăm Rông

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa hình đa số là núi và cao nguyên với độ cao trung bình từ 800 đến 1.000m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 18 - 250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 10 huyện và 02 thành phố), trong đó có 01 huyện nghèo Đam Rông, 35 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135.

Dân số của tỉnh trên 1,2 triệu người, với hơn 40 dân tộc sinh sống, trong đó DTTS trên 300 nghìn người, chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh phần lớn sinh sống tập trung tại 468 thôn, tổ dân phố thuộc 96 xã, phường, thị trấn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,91%, trong đó hộ nghèo là người DTTS là 11,56%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,91%, trong đó hộ cận nghèo là người DTTS là 11,45%.

Đến nay, tại địa phương có 13 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có 2 chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người DTTS đó là cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/QĐ-TTg và cho vay hộ DTTS nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh số cho vay tín dụng chính sách xã hội từ năm 2007 đến tháng nay là hơn 7 nghìn tỷ đồng với gần 500 nghìn lượt khách hàng, trong đó doanh số cho vay đối với đồng bào DTTS là hơn 2.299 tỷ đồng với gần 122 nghìn lượt khách hàng.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đến nay hơn 2.912 tỷ đồng, với 97 nghìn hộ còn dư nợ. Trong tổng dư nợ của chi nhánh, dư nợ của hộ đồng bào DTTS là 852 tỷ đồng, với gần 37 nghìn hộ dư nợ, chiếm 29,3% trong tổng dư nợ và chiếm 37,7% số hộ vay của NHCSXH tỉnh. Dư nợ DTTS tập trung lớn ở các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm. Dư nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2% trên tổng dư nợ.

Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đã tác động đa chiều đến cuộc sống của đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS nói riêng. Đây là nguồn lực để hỗ trợ cho bà con phát triển SXKD, nhất là việc hỗ trợ để ứng dụng các tiến bộ KHKT, hỗ trợ mua cây, con giống và tư liệu sản xuất khác.

Đây cũng là nguồn vốn rất quan trọng để cho hộ nghèo là người DTTS có thể sử dụng cùng với các nguồn lực khác để làm nhà ở, xóa nhà tạm và cải thiện môi trường sống. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng để cho con em hộ đồng bào DTTS được bảo đảm việc học tập cũng như nâng cao trình độ tay nghề.

Thông qua vay vốn tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng những ưu đãi trong tín dụng như: Vay vốn không phải thế chấp tài sản, lãi suất thấp, thủ tục vay vốn đơn giản, thời hạn vay vốn phù hợp… đã tạo điểm tựa cho họ vươn lên trong sản xuất và đời sống. Với mức cho vay bình quân sản xuất trên 22 triệu đồng/hộ, vốn tín dụng chính sách xã hội đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần quan trọng làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho đồng bào giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội… bảo đảm an sinh xã hội, giúp cho hộ DTTS từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên quê hương mình, góp phần ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội.

anh-2

Đồng chí Phan Văn Hùng kiểm tra việc công khai thông tin các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động vay vốn chính sách

Phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy lợi thế là huy động được lực lượng lớn trong xã hội cùng NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi. Thông qua sinh hoạt tổ, hộ nghèo là người DTTS được cung cấp nhiều thông tin, được trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống, tạo nên sức mạnh trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng là nơi thực hiện giám sát của cộng đồng trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hoạt động ủy thác đã góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể thiết thực, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, củng cố tổ chức ngày càng lớn mạnh.

Trong những năm qua, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi cùng với các chính sách khác đã giúp cho hơn 11 nghìn hộ DTTS thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10 nghìn lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giai đoạn 2005 - 2010 từ 55,14% xuống còn 14,81%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 32,65% xuống còn 6,98%, giai đoạn 2016 - 2020 từ 19,1% xuống còn 11,56% vào cuối năm 2017; tạo điều kiện gần 12 nghìn lượt học sinh sinh viên là người DTTS vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho 118 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp xây dựng 22 nghìn trên công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng 2.754 căn nhà….

Hoạt động tín dụng chính sách trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đánh giá cao trong việc góp phần xóa tệ nạn cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp. Tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại vùng đồng bào DTTS. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tự tin trong cơ chế thị trường.

Có thể khẳng định rằng hoạt động của NHCSXH là một trong những công cụ tài chính hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách trong đời sống đồng bào DTTS nói riêng và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung, đại diện các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban Dân tộc tỉnh đều đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS. Đại diện các hội, đoàn thể đề nghị, hiện nay, người nông dân ở Lâm Đồng nói chung, đồng bào DTTS nói riêng bắt đầu thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi cây cà phê không còn mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, chuyển đổi cây trồng, thì các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhanh chóng cho doanh thu nhưng đòi hỏi đầu tư ban đầu khá lớn, vì thế, bà con đều mong muốn được nâng mức vay cho các mô hình này nhằm giúp bà con có điều kiện đầu tư chuyển đổi sản xuất.

Trước đặc thù trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn hạn chế, điều kiện tiếp cận KHKT còn có hạn, ngoài “cầm tay chỉ việc”, đại diện các hội, đoàn thể kiến nghị cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền đặc thù để có thể tác động đến nhận thức của đồng bào, như đầu tư cho vay những mô hình điểm để có gương cho bà con học tập theo.

anh-3-(1)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, trên 90% hộ đồng bào DTTS không còn tư tưởng ỷ lại, đã dám vay vốn về để làm ăn, đặc biệt có một bộ phận đồng bào DTTS làm nông nghiệp công nghệ cao thành công

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn rất quan tâm đến chính sách dành cho đồng bào DTTS. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách riêng của địa phương để phát triển đời sống đồng bào DTTS. “Tỉnh quan niệm, nếu không chăm lo cho đồng bào DTTS thì tỉnh không thể phát triển toàn diện được”, ông Nguyễn Văn Yên nói. Đến nay, ngân sách địa phương đã chuyển ủy thác qua NHCSXH hơn 92 tỷ đồng, tạo nguồn lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn ưu đãi.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng và các chính sách giảm nghèo, nghiên cứu đề xuất một số chính sách mới đối với hộ nghèo đồng bào DTTS, vùng nghèo, như hỗ trợ giảm nghèo thông qua chính sách tín dụng có hỗ trợ lãi suất kết hợp với hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi…

“Ngoài ra, từ gần 20 năm nay, tỉnh cũng quan tâm tập huấn cho cán bộ cơ sở về phương thức ứng dụng KHKT, khuyến nông, khuyến lâm. Đây là chính sách địa phương, nhằm hướng dẫn người dân phương pháp SXKD hiệu quả, không để người vay vốn đem tiền về uống rượu hoặc nuôi heo gà không biết chăm sóc để heo gà bị bệnh”, chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm để giải quyết câu chuyện hiệu quả sản xuất, hiệu quả đồng vốn và tăng cường đời sống cho đồng bào DTTS. Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS, ví như doanh nghiệp giải quyết việc làm thì được khuyến khích, nhưng doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 100 hộ DTTS thì chưa được khuyến khích gì. Bên cạnh đó, chúng tôi mong có chính sách cho đồng bào DTTS thực hiện nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Yên đề xuất.

Về phía NHCSXH, ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK đã trao đổi về các nội dung mà hội, đoàn thể và địa phương quan tâm, như tăng mức vay, phân bổ vốn cho các chương trình… Liên quan đến nguồn vốn cho vay ưu đãi, ngoài vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, ông Tuấn cho rằng, địa phương cần quan tâm tập trung các nguồn vốn vay đang nằm rải rác ở các cơ quan, hội, đoàn thể về một mối có tổ chức chuyên nghiệp là NHCSXH để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đã đánh giá cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt với đồng bào DTTS, cùng với các chính sách riêng mang đặc thù của địa phương dành cho đồng bào và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Ông Phan Văn Hùng cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị liên quan đến chính sách khuyến nông ,khuyến lâm, ứng dụng KHKT, rà soát thu các nguồn vốn rải rác về một đầu mối… “Chúng tôi đánh giá cao đề xuất xây dựng mô hình điểm để đồng bào DTTS học tập. Đồng thời, kiến nghị phương pháp để Tổ tiết kiệm và vay vốn có thể tăng cường nâng cao kiến thức ứng dụng KHKT cho bà con”.

Trước đó, Đoàn khảo sát đã có các buổi thăm các hộ đồng bào DTTS vay vốn và làm việc với chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể nhận ủy thác tại một số xã. Tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông - nơi có tới 65,2% là người DTTS, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 39.3%/ tổng số hộ, trong đó số hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 95,2% (708 hộ), số hộ cận nghèo là người DTTS là 263 hộ, Đoàn khảo sát đã đến thăm các hộ đồng bào DTTS vay vốn và lắng nghe đề xuất của các hộ vay. Còn tại xã Lát, huyện Lạc Dương có 77,67% người dân là người DTTS, các hộ dân đề xuất Chính phủ về việc tăng mức vốn vay để chuyển đổi cây cà phê hiệu quả kinh tế thấp sang cây nông nghiệp ngắn ngày áp dụng công nghệ cao. 

Bài và ảnh Hoàng Thủy

Các tin bài khác